Long đong hạt gạo làng ta

(ĐTTCO) - Từ chỗ thiếu đói triền miên, bo bo thay gạo, đến khi có gạo xuất khẩu (XK) là sự thần kỳ Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Song câu chuyện hạt gạo chưa dừng ở đấy.
Xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang

Dù cùng Thái Lan trong nhóm đứng đầu thế giới về xuất khẩu (XK) gạo nhưng gạo Việt cứ thua người Thái. Đến khi Campuchia tham gia thị trường gạo, họ sớm có bước thăng tiến buộc ta phải giật mình vì không chừng lại thua đồng nghiệp nhẹ cân, mới toanh này. Đấy là chưa nói đến việc hàng năm vào dịp Tết hoặc tới giáp hạt lại phải mở kho dự trữ gạo cấp cho đồng bào được tiếp cận với… cơm.

Việc XK gạo có nhiều khúc mắc, dễ thấy và thấy ngay nhưng gỡ mãi chưa hết rối. Ấy là muốn nói tới vòng kim cô mang tên “cơ chế  điều hành XK gạo”. Khi nhận ra một trong những nguyên cớ khiến XK gạo của ta thua kém thiên hạ về hiệu quả, nhưng lại hơn hẳn người ta bởi quá nhiều doanh nghiệp (DN) cùng xông vào chiến cuộc XK, khiến việc này bị phân tán, khó kiểm soát trước hết là hiệu quả và lớn hơn là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trước thực trạng ấy Nghị định 109/2001/NĐ-CP ra đời quy định các thương nhân được chọn là đầu mối XK gạo phải có một số điều kiện. 

Song chẳng được bao lâu, Nghị định 109 bộc lộ những hạn chế thường thấy. Một trong số đó là DN có gạo lại không có khách hàng, DN có khách mua lại không sẵn gạo. Cũng trước tình thế đó, để hòa trong cao trào cải tiến thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN, cơ chế mới về kinh doanh XK gạo lại được trình làng. 

Đó là Nghị định 107/2018/NĐ-CP, thay thế Nghị định 109 nói trên, với nhiều thay đổi cơ bản, tạo thuận lợi, kỳ vọng đưa XK gạo lên đúng tầm vóc của một quốc gia có nền văn minh lúa nước hàng đầu.  

Theo đó, (1) Không bắt buộc thương nhân kinh doanh XK gạo phải có kho chứa, cơ sở xay xát mà có thể thuê các cơ sở này… (2) Không quy định quy mô kho chứa thóc gạo, công suất cơ sở xay xát…(3) Không hạn chế địa bàn đầu tư mà chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay xát đảm bảo tiêu chuẩn… (4) Xây dựng cơ chế khuyến khích XK các  chủng loại gạo chất lượng, giá trị cao. 

(5) Mặt hàng gạo hữu cơ, gạo trắng, gạo tăng cường chất dinh dưỡng được tự do XK, không cần giấy tờ, không chờ đủ lượng…(6) Bãi bỏ một số thủ tục kiểm tra, thương nhân tự chịu trách nhiệm về việc đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh…(7) Giảm lượng gạo dự trữ lưu thông từ 10% xuống còn 5% (8) Khuyến khích, hỗ trợ thương nhân tăng cường liên kết với người sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng gạo… Được hiểu đây là cơ chế thoáng hết cỡ, tự do hóa hoàn toàn, mở cửa tối đa.

Tưởng như với cơ chế mới, việc XK gạo “lấp ló đầu bờ/nghe thấy Nghị định mở cờ mà lên”, nhưng thực ra với nhiều lý do đan xen, việc XK gao vẫn chưa được như mong muốn. Năm 2019, dù số lượng XK tăng 2,5% so với 2018, song kim ngạch giảm 10%. Tất nhiên mọi tội lại “ưu tiên giành” cho khách quan. Chất lượng và thương hiệu gạo  vẫn là thứ… quý hiếm. Đơn cử như gạo ST 24 được vinh danh là ngon nhất thế giới, song “một ngôi sao chẳng sáng đêm/một bông lúa chín chẳng nên mùa vàng”. 

Tạm dừng XK đúng, cho XK cũng… không sai

Đầu năm 2020, XK gạo tăng ngoạn mục, lập tức bùng lên ngợi ca rằng trong hoạn nạn Covid-19 mà XK gạo vẫn tăng và hãnh diện vì một số hàng nông thủy sản khác lại giảm. Nhưng sau đó tá hỏa mới biết sự tăng trưởng đáng ngờ ấy  là “nhờ” Trung Quốc ồ ạt vét gạo Việt Nam. Giật mình, nếu cứ để tiếp diễn vụ này thì… nên cho ngừng XK là đúng. 

Biện minh việc rút việc ngừng XK gạo cũng đúng. “Tổng hành dinh” điều hành cho rằng vì các địa phương và DN lo có sự “vênh” về số liệu gạo dự trữ trong dân và DN, nên đã xin rút đề xuất ngừng XK gạo. Còn tại sao “tổng hành dinh” không nắm được số liệu về gạo, thì lại bảo do chính Nghị định 107, rằng trước đây lượng gạo sản xuất, ký hợp đồng hay tồn kho đều nắm rất chắc.

Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 107 thì không còn công cụ quản lý số liệu này nữa. Tự

Chủ trương gì cũng sáng, quyết sách nào cũng đúng. Chỉ tội long đong hạt gạo làng ta.
do hóa hoàn toàn, DN không phải đăng ký hợp đồng, không thông báo số liệu, nên đã nảy ra nông nỗi này. Vẫn cho dừng XK gạo cũng càng đúng vì nhiều lẽ. Trước tiên, bởi lo vị khách hữu hảo kia vốn lắm chiêu khi đột ngột vét gạo của ta hẳn dở trò gì mới đây, vừa vì đồng đất khô hạn kỷ lục, xâm nhập mặn lịch sử, rồi dịch Covid-19 lan nhanh trên toàn cầu, nguồn cung lương thực có nguy cơ bị giảm, nhiều nước tăng dự trữ lương thực. 

Thực tế, với vận hạn chừng đó nhưng nếu để XK gạo tăng nóng như 2 tháng đầu năm nay thì Việt Nam có thể đối mặt với thiếu gạo ngay cho bà con ta, ắt sẽ đẩy giá cả lúa gạo trong nước tăng, đẩy tiếp chỉ số giá tiêu dùng vọt tiến. Vào thời khắc lịch sử, nhạy cảm, rón rén này, sơ sẩy nhỏ hậu họa sẽ siêu lớn, nên cho dừng là thượng sách.

Các tin khác