Lợi và hại từ “cuộc chiến” giá dầu

(ĐTTCO)-Cuộc chiến giá dầu Nga - Saudi Arabia được cho là sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam ở cả hai khía cạnh tiêu cực và tích cực.Dù gây áp lực về thu ngân sách, nhưng lại là “bước đệm” để kích thích thị trường trong nước cũng như sản xuất phát triển.
Lợi và hại từ “cuộc chiến” giá dầu
Gây áp lực nguồn thu ngân sách…
Cuộc chiến về giá dầu giữa Nga với Saudi Arabia phát động mới đây, cùng với động thái đơn phương tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia, đã khiến giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh (hiện ở mức 32 USD/thùng, mức giảm hơn 50% kể từ đầu năm đến nay).
Điều này đã ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế. Thậm chí, giới phân tích kinh tế còn lo ngại, nếu “chiến tranh” dầu mỏ giữa Nga và Saudi Arabia tiếp tục diễn ra, những hậu quả đối với kinh tế toàn cầu và các thị trường trên toàn thế giới có thể sẽ còn nặng nề hơn so với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra.
Đối với Việt Nam, giá dầu trên thế giới giảm mạnh cũng khiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam giảm. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tính chung 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu xăng dầu chỉ đạt 441.317 tấn, thu 270 triệu USD, giảm 21,6% về lượng và giảm 21,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, những năm gần đây, do cơ cấu lại nguồn thu nên thu từ xuất khẩu dầu thô đã giảm mạnh.
Nếu như bình quân giai đoạn 2011 - 2015 thu từ dầu thô chiếm khoảng 13% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), thì đến giai đoạn 2016 - 2018 đã giảm mạnh xuống còn khoảng 4%. Năm 2019, thu từ dầu thô ước 3,2% tổng thu NSNN. Năm 2020, dự toán thu từ dầu thô là 35.200 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,3% tổng thu cân đối NSNN (giảm 11.600 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2019), trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước ước tính khoảng 9,02 triệu tấn.
Một số chuyên gia kinh tế e ngại, tuy tỷ trọng đóng góp vào thu NSNN không nhiều, song sự bất ổn của thị trường dầu thô thế giới cũng gây ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN theo kiểu khó khăn “cộng dồn” (diễn biến dịch Covid-19, khó khăn xuất khẩu, chiến tranh thương mại…).
Trao đổi về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm cũng đồng nghĩa với việc khó hy vọng sự đóng góp vào nguồn thu NSNN của xuất khẩu dầu thô trong năm nay.
“Xét về dài hạn, giá dầu giảm có thể sẽ không tác động lớn đến kinh tế Việt Nam, tuy nhiên trong ngắn hạn, cụ thể là năm 2020, sẽ ảnh hưởng mạnh. Bởi năm nay là năm rất nhiều khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan như dịch bệnh Covid-19 khiến sản xuất và xuất khẩu trì trệ, áp lực trả nợ công của Chính phủ, biến đổi khí hậu ngày một cực đoan… Những khó khăn nói trên gây áp lực rất lớn đến thu NSNN. Xuất khẩu dầu thô dù chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng được cho là nguồn thu ổn định, hiện nay giá dầu biến động mạnh thì rất có thể cần phải đánh giá lại cơ cấu nguồn thu” - TS. Lê Đăng Doanh nói.
Trong khi đó, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính cũng cho rằng, nên điều chỉnh cân đối ngân sách vì giá dầu thô thế giới theo dự đoán của các tổ chức quốc tế, còn có thể giảm sâu tới khoảng 20 USD/thùng. Theo TS. Ánh, mặc dù thu từ dầu thô chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng thu cân đối ngân sách, tuy nhiên giá dầu bình quân trên thực tế đã giảm mạnh so với dự toán ban đầu, cho nên đặt ra bài toán phải cân đối lại ngân sách.
Nhưng kích thích sản xuất trong nước
Trên thực tế, Việt Nam là thị trường hai chiều. Việt Nam bán dầu thô và mua cả dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ. Trong những năm qua, cán cân xuất nhập khẩu dầu và các sản phẩm từ dầu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể theo xu hướng giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu. Giai đoạn 2012-2017, Việt Nam đã xuất khẩu trung bình 8,3 triệu tấn dầu và nhập khẩu 0,75 triệu tấn dầu mỗi năm.
Nhưng kể từ năm 2018 tình hình đã thay đổi. Năm 2018, Việt Nam đã bán 3,96 triệu tấn dầu thô và thu 2 tỷ USD (ít hơn 4 lần so với năm 2012) và nhập khẩu 5,17 triệu tấn dầu  với giá 2,74 tỷ USD (nhiều gấp 4 lần so với năm 2012 với mức 647 triệu USD).  Năm 2019, xu hướng thay đổi này càng hiện hữu rõ nét hơn khi Việt Nam đã xuất khẩu 3,98 triệu tấn dầu thô, thu 2,03 tỷ USD, nhưng đã nhập khẩu tới 7,6 triệu tấn dầu thô với giá 3,6 tỷ USD.
Sự gia tăng nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu đã cho thấy nhu cầu năng lượng của nhiều ngành sản xuất trong nước đang ngày càng gia tăng. 
Do đó, giá dầu thô thế giới giảm sâu, bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, ở phương diện nhập khẩu lại là lợi thế cho sản xuất trong nước khi nguồn nguyên liệu đầu vào giảm. Xét các nhóm doanh nghiệp, hiện nay nhóm vận tải được hưởng lợi lớn từ giá dầu giảm, vì xăng dầu chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí. 
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, xăng dầu chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí vận tải. Nguyên tắc tính cước vận tải là nếu giá dầu tăng/giảm 10% thì cước vận tải sẽ tăng/giảm 3 - 4%.
Như vậy, với việc giá dầu giảm một nửa từ đầu năm tới nay, nhóm vận tải được hưởng lợi lớn khi chi phí giảm mạnh. Khi chi phí vận tải giảm, các doanh nghiệp thuê vận chuyển được hưởng lợi. Khi đó, cách tính giá bán sản phẩm cuối cùng ra thị trường trong nước và quốc tế sẽ được điều chỉnh giảm và người tiêu dùng cuối cùng được lợi. 
Mặt khác, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng thường có sự thay đổi theo diễn biến giá. Nếu giá bán sản phẩm giảm, xu hướng tiêu dùng sẽ gia tăng, từ đó sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp tăng lên. Nhìn chung, giá dầu giảm sẽ có lợi cho các doanh nghiệp vận tải, còn doanh nghiệp sản xuất có thể hạ giá thành sản phẩm, kích thích người tiêu dùng tăng mua.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, giá dầu thô giảm nhưng Việt Nam  vẫn còn “khoảng đệm an toàn” là nhu cầu thị trường trong nước.
“Chúng ta có thể thấy nhu cầu của thị trường nội địa về nguyên nhiên liệu còn rất lớn. Nên đây cũng là cơ hội để Việt Nam kích thích phát triển thị trường nội địa, chấp nhận hy sinh những cái lợi ích ngắn trước mắt để hướng đến những lợi ích lâu dài và căn cơ hơn. Tôi cho rằng câu chuyện áp lực về ngân sách từ nguồn xuất khẩu dầu thô sụt giảm chỉ là lợi ích ngắn hạn. Còn thứ quan trọng hơn chính là làm sao phải kích thích được sản xuất trong nước tăng trưởng, doanh nghiệp ăn nên làm ra, từ đó đóng góp thuế cho Nhà nước, đó mới là nguồn thu bền vững cho ngân sách” - TS. Lê Đăng Doanh nhận xét. 

Các tin khác