Loay hoay vốn cao tốc Bắc-Nam

(ĐTTCO) - Cách đây 1 năm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 52 về chủ trương đầu tư cao tốc Bắc-Nam phía Đông trong giai đoạn 2017-2020. Và một cơ chế BOT mới: Nhà nước chấp nhận bỏ tiền vào dự án BOT - làm vốn mồi để thu hút nhà đầu tư tư nhân, đã được Quốc hội quyết định với tuyến cao tốc huyết mạch này. 
Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng những chính sách đột phá này chưa đủ để bảo đảm thành công, khi mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trình bày những khó khăn mấu chốt về tính khả thi dự án. Dường như ngành GTVT vẫn đang loay hoay, chưa có lời giải với bài toán huy động vốn cho dự án.
Dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2021?
Cho đến nay 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã hoàn thành công tác lập dự án, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đã thỏa thuận với các bộ, ngành và địa phương.
Theo đó, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 20 năm 2018 của Chính phủ, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định mức vốn đầu tư của Nhà nước đối với 3 dự án đầu tư công (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Dầu Giây - Phan Thiết) từ  tháng 7-2018.
 Một khó khăn không kém, đó là Chính phủ chưa cho phép cung cấp bảo lãnh ngân hàng nước ngoài về doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ 3 thay thế, thì việc huy động vốn nước ngoài làm các dự án khó khả thi. Trong khi vay trong nước lại vướng trần của Ngân hàng Nhà nước đang siết tín dụng, khi giảm dần tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay dài hạn từ 60% (năm 2016) xuống 40% (kể từ đầu năm 2018).
Ông Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Bộ GTVT
Thủ tướng đã giao Bộ GTVT căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, chịu trách nhiệm xác định phần vốn Nhà nước cho các dự án thành phần. Đối với 5 dự án (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết), Bộ GTVT đã hoàn thiện Báo cáo kết quả thẩm định dự án và trình Thủ tướng xem xét quyết định mức vốn nhà nước làm cơ sở để phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo theo quy định. 
Riêng với 3 dự án đầu tư công, còn lại 11 dự án thành phần Bộ GTVT đã hoàn thành công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 2 dự án (đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn); dự án thành phần xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu, đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hiện đang hoàn chỉnh các thủ tục để phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án. 
Phát biểu trước Quốc hội ngày 29-10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong bước nghiên cứu khả thi thực hiện khảo sát chi tiết, chuẩn xác các giải pháp thiết kế, tính toán khối lượng theo thiết kế cơ sở, cập nhật đơn giá, định mức, chế độ chính sách của Nhà nước, chuẩn xác lại chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), tổng mức đầu tư các dự án thành phần đã giảm xuống.
Cụ thể, 11 dự án thành phần trên cao tốc Bắc-Nam được chuẩn xác lại dài 657km, tăng thêm 3km, trong khi tổng mức đầu tư các dự án giảm khoảng 13.700 tỷ đồng, phần vốn nhà nước tham gia các dự án giảm 4.100 tỷ đồng, phần vốn tư nhân tham gia cũng giảm 9.600 tỷ đồng. Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, 8 dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông cần thời gian chuẩn bị dự án tối thiểu 15 tháng, do vậy 8 dự án này sẽ bắt đầu thi công vào khoảng đầu năm 2020, và cơ bản hoàn thành trong năm 2021.
Đến nay công tác GPMB các dự án do địa phương tổ chức thực hiện, dự kiến Bộ GTVT sẽ bàn giao cọc GPMB, mốc lộ giới đường bộ cho các địa phương khoảng đầu năm 2019. Các địa phương sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và triển khai công tác GPMB. Và đến đầu năm 2020-thời điểm khởi công dự án, các địa phương sẽ bàn giao mặt bằng sạch dự án vào quý I-2020.

Nhưng vẫn loay hoay tìm vốn
Để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam, đến nay Chính phủ đã ban hành các cơ chế triển khai dự án thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư, trường hợp kết quả sơ tuyển chỉ có một nhà đầu tư trúng phải báo cáo Chính phủ quyết định.
 Việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, lưới điện, thủy lợi là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và chấn chỉnh những bất cập trong hình thức PPP. Theo đó, khẩn trương rà soát tổng thể các hình thức đầu tư BOT các trạm giao thông đường bộ, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, 
Đại biểu tỉnh Cao Bằng
Đồng thời, bổ sung vào dự thảo hợp đồng BOT quy định, nhà đầu tư vi phạm hợp đồng, từ sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng phần vốn vay để triển khai dự án, sẽ tịch thu thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực. Bên cạnh đó, mức vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia các dự án BOT thành phần được nâng lên 20%, để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính. Đồng thời, việc giải ngân phần vốn nhà nước tham gia vào các dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông chỉ được tiến hành khi nhà đầu tư tư nhân đã giải ngân được 50% phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Trong báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 52 của Quốc hội về xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông nêu rõ phương án thu phí hoàn vốn dự án. Theo đó, các nhà đầu tư BOT sẽ thu phí 8 tuyến BOT trong 21 năm, mức thu khởi điểm trong giai đoạn 2021-2023 là 1.500 đồng/km/xe ô tô 4 chỗ tiêu chuẩn. Mức phí tăng trung bình 200 đồng/km, theo chu kỳ 3 năm/lần tăng phí, và dự kiến đến giai đoạn 2042-2044 mức thu phí dự án khoảng 3.400 đồng/km/xe ô tô 4 chỗ tiêu chuẩn. Khi đó, để di chuyển một xe con qua 657km đường bộ cao tốc Bắc-Nam, người dân phải trả phí 2.233.800 đồng.
Tuy nhiên, đây là phương án tài chính được tính toán khi 8 hợp đồng BOT cao tốc Bắc-Nam có mức lãi vay nhà đầu tư huy động ngân hàng khoảng 7,2%/năm, theo quy định trong Nghị quyết 52 của Quốc hội. Còn trên thực tế, mức lãi suất vay dài hạn thực tế của của các ngân hàng hiện dao động từ 10,5-11%/năm. "Đây được coi là một khó khăn trong thực hiện 8 dự án BOT cao tốc Bắc-Nam hiện đang được Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét. Và trong trường hợp được điều chỉnh lãi vay, mức vốn hỗ trợ nhà nước sẽ tăng trở lại khoảng 55.000 tỷ đồng” - Bộ GTVT tính toán.
Loay hoay vốn cao tốc Bắc-Nam ảnh 1 Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.  
Nhiều dự án phá vỡ hợp đồng
Chất vấn về thực hiện các dự án BOT tại nghị trường Quốc hội những ngày qua, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (TP Hà Nội) cho rằng, thời gian qua nhiều nhà đầu tư BOT đã thực hiện nghĩa vụ của họ trong hợp đồng, đưa dự án vào nghiệm thu, nhưng Bộ GTVT lại chưa cho thu phí, hoặc thu phí một phần, không thực hiện đúng cam kết hợp đồng đã ký. Nhà đầu tư đã kêu lên Thủ tướng. 
Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên), lại nêu ra ví dụ về bất cập khi nhà đầu tư - CTCP Đèo Cả đã nhiều lần kiến nghị về những bất cập trong quản lý nhà nước tại dự án BOT hầm Đèo Cả, nhưng Bộ GTVT vẫn chưa xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền. Đó là mức thu phí qua hầm Đèo Cả chỉ được thu bằng mức phí đường bộ Quốc lộ 1 là thấp, trong khi suất đầu tư hầm Đèo Cả với đầu tư hầm đường bộ cao hơn nhiều, đã vậy mức thu này được áp dụng kéo dài chậm thay đổi. Ngoài ra, phương án tài chính để hoàn vốn của dự án BOT Đèo Cả bị mất cân đối nghiêm trọng, có thể hụt hơn 4.000 tỷ đồng theo tính toán ban đầu, nguyên nhân do quy hoạch đường bộ cao tốc Bắc - Nam không được thực hiện trên địa bàn Phú Yên - Bình Định. 
Theo Nghị quyết 52 của Quốc hội, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư các đoạn tuyến cao tốc Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long). Tổng mức đầu tư các đoạn tuyến 118.716 tỷ đồng, trong đó gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện dự án; 63.716 tỷ đồng vốn huy động vốn tư nhân. Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo BOT.

Các tin khác