Lo ngại tiền giải cứu vào nơi… có quan hệ

(ĐTTCO)-Gần 8 triệu lao động bị thất nghiệp hoặc nghỉ việc luân phiên, 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh. Đây là những con số thống kê về thị trường lao động Anh tồi tệ nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. 
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, dựa nhiều vào xuất khẩu, do đó dễ tổn thương với những cú sốc từ bên ngoài. Ảnh: VIẾT CHUNG
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, dựa nhiều vào xuất khẩu, do đó dễ tổn thương với những cú sốc từ bên ngoài. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thị trường lao động là mối quan tâm hàng đầu của đa số kinh tế gia và quỹ đầu tư trên thế giới hiện nay. Bởi vì nó là xương sống của nền kinh tế. Người dân mất việc hoặc thu nhập giảm thì phải giảm tiêu dùng, không có tiền trả tiền thẻ tín dụng, các khoản vay tiêu dùng, và trên hết là tiền thuê nhà. Vì vậy, sự sụt giảm của thị trường lao động sẽ kéo theo nguy cơ sụp đổ tổng cầu tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng và thị trường nhà cho thuê.
Thị trường lao động trở nên tồi tệ còn tác động đến tâm lý của người mất việc, khiến họ chán nản, tức giận và lao vào những hành vi phản xã hội hoặc từ bỏ. Ở Italia, do thu nhập mất đi, nhiều người gia nhập các băng đảng mafia. Vì vậy, ở khắp mọi nền kinh tế, các kinh tế gia đều kêu gọi chính phủ phải tiếp tục gia tăng chi tiêu kích thích kinh tế, giúp đỡ người lao động mất việc. 

Khó hy vọng vào hồi phục hình chữ V trên thế giới
Một vài nhà kinh tế lạc quan cho rằng, kinh tế thế giới sẽ hồi phục hình chữ V. Giá dầu hồi phục từ mức giá hơn 10 USD/thùng (nếu không tính thời điểm thị trường giao sau của dầu cho mức giá âm trong tháng 4) lên hơn 40 USD/thùng và giá cổ phiếu tăng mạnh trở lại trong quý II. 
Tuy nhiên, kể từ đó, giá dầu và cổ phiếu của những thị trường như Mỹ hay châu Âu chững lại từ giữa tháng 6 đến nay, trừ nhóm cổ phiếu công nghệ. Và nếu loại bỏ các cổ phiếu công nghệ, đa số các cổ phiếu khác trong rổ chỉ số S&P 500 thật ra vẫn sẽ nằm dưới mức bình quân di động 200 hoặc 50 ngày.
Điều đó phản ánh sự thật là giới đầu tư đổ tiền vào mua các cổ phiếu công nghệ, hưởng lợi bởi trạng thái làm việc ở nhà và vẫn tránh xa cổ phiếu hàng không, tàu du lịch và khách sạn.
Cổ phiếu tài chính, dầu khí giảm lại mức thấp sau khi hồi phục ít nhiều trong tháng 5. Giá vàng, một trong những công cụ phòng ngừa rủi ro, tăng lên hơn 1.800 USD/ounce. Điều đó chứng tỏ đa số nhà đầu tư ở thị trường tài chính Mỹ-châu Âu không hề tin vào hồi phục hình chữ V như ai đó nói.  
Điều này phù hợp với cái nhìn của đa số các nhà kinh tế trưởng của các tổ chức lớn như IMF, hay của những nhà kinh tế đoạt giải Nobel như Joseph Stiglitz. Một mức sụt giảm 5-10% GDP của một nền kinh tế lớn như Mỹ hay châu Âu sẽ để lại những tổn thất dài hạn có tính cấu trúc, phải mất rất nhiều nỗ lực để “kéo lại”. 
“Ở Anh, các doanh nghiệp lớn vừa mới công bố một loạt thông tin cắt giảm nhân sự mới, mỗi công ty chừng vài ngàn đến vài chục ngàn người. Một làn sóng thất nghiệp mới sẽ diễn ra ở các nền kinh tế lớn của thế giới, và lần này đến từ phía các công ty lớn nhất” – đó là dự báo của đa số báo cáo kinh tế của các ngân hàng đầu tư lớn mà tôi đọc được trong tuần này.
Các chương trình hỗ trợ người lao động mất việc bằng cách trả tiền cho chủ lao động để giữ họ lại mà không sa thải sẽ kết thúc vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 10, tùy theo quốc gia.

Tiền giải cứu phải đi vào nơi cần nó nhất
 Một làn sóng thất nghiệp mới sẽ diễn ra ở các nền kinh tế lớn của thế giới, và lần này đến từ phía các công ty lớn nhất. Do vậy vấn đề hỗ trợ không chỉ là bao nhiêu tiền, mà còn là các chương trình cứu trợ được thiết kế như thế nào, tiền có đi vào nơi cần nó nhất. 
Các nhà kinh tế ở Mỹ và châu Âu đều kêu gọi cần phải kéo dài các chương trình cứu trợ kinh tế như gửi tiền cho các hộ gia đình, trả tiền cho công ty để giữ lại lao động. Nhưng liệu “hầu bao” của các nền kinh tế lớn còn có thể cứu trợ đến mức nào thì vẫn là một ẩn số.
Tiến trình thương lượng đầy căng thẳng ở cả Mỹ, Anh và châu Âu cho thấy không phải nước giàu muốn chi bao nhiêu tiền ra cho dân cũng được. Nợ công là một vấn đề. Nhưng ngay cả nếu ngân hàng trung ương chi tiền ra mua nợ mới phát hành của chính phủ, tức là gián tiếp “in tiền” đưa chính phủ xài, thì vẫn còn đó một vấn đề khác: xài tiền phải đúng cách.
Đây là một chủ đề trọng tâm mà tôi được nghe nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz trả lời phỏng vấn kênh truyền thông CNBC vào đầu tháng 6. Ông nói “vấn đề không chỉ là bao nhiêu tiền, mà còn là các chương trình cứu trợ được thiết kế như thế nào”. Tiền không đi vào nơi cần nó nhất, đó là vấn đề cốt lõi trong quan điểm của Stiglitz. 
Những người mất việc, không có tiền thu nhập và các doanh nghiệp nhỏ, những cá nhân và tổ chức cần cứu trợ nhất, không nhận được tiền kịp thời. Hãng tin Bloomberg chỉ ra rằng nhiều khoản séc 1.200USD gửi cho các gia đình ở Mỹ phải đến... tháng 9 mới tới.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ PPP phải thông qua ngân hàng. Và đã có bằng chứng là những doanh nghiệp lớn có quan hệ với ngân hàng, trong đó có những công ty tỷ đô, đã nhận được hỗ trợ trong khi nhiều công ty nhỏ không lấy được tiền. Chương trình PPP (Paycheck Protection Program) đúng ra là nhắm vào hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
Chưa hết, một phân tích của MarketWatch vào đầu tháng 7 cho thấy, khoảng hơn 500.000 doanh nghiệp nhỏ nhận được tiền đã... chẳng giữ lại việc làm nào cả. Điều này trái với tuyên bố của chính phủ là chương trình này đã giúp hỗ trợ 51 triệu việc làm. 
Ai đúng ai sai trong số thống kê này là chuyện của Nhà Trắng với truyền thông, vốn đã cơm không lành, canh không ngọt cả mấy năm nay. Nhưng nó chỉ ra một vấn đề là các doanh nghiệp có thể cứ lấy tiền rồi sa thải nhân viên, không buộc phải thông báo đã giữ lại bao nhiêu việc làm. 
Cách thiết kế chương trình cứu trợ của Mỹ như vậy bị chỉ trích rất nhiều vì thông qua ngân hàng, cho họ quyền lực để ưu ái các khách hàng lớn của mình trước. Ngoài ra, việc cứ đưa tiền mà không kèm theo chế tài nào khiến doanh nghiệp cứ cầm tiền và đi mà thôi, không có gì đảm bảo họ giữ lại nhân viên mà không sa thải.
Ngược lại, ở Đan Mạch, New Zealand và cả Anh, cách thiết kế chương trình đưa tiền đi thẳng từ chính phủ đến công ty, đồng thời dựa vào số nhân viên mà công ty giữ lại trên bảng lương mà hỗ trợ. Như vậy mới có thể giảm bớt tác động xấu đến thu nhập và thất nghiệp của người dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế.
Mặt khác, cứu trợ như vậy chỉ mới là giữ lại nguyên khí cho thị trường lao động. Tái tạo cơ hội phát triển mới và đào tạo lại lực lượng lao động cũng cực kỳ quan trọng. Đa số các kinh tế gia đều chỉ ra rằng các nước cần đầu tư vào hạ tầng, lĩnh vực công nghệ mới, kinh tế tri thức và kinh tế xanh.
Những lĩnh vực đó cần đầu tư nhiều tiền vào hạ tầng và giáo dục đào tạo để vừa tạo bệ phóng cho nền kinh tế vừa đào tạo lại một lực lượng lao động thích hợp với các mô hình kinh tế mới. 

Đây cũng là vấn nạn của Việt Nam 
 Hy vọng chương trình giải cứu kinh tế sẽ đưa tiền vào đúng người cần nó nhất, nơi tạo ra tăng trưởng có tính lan tỏa nhiều nhất cho nền kinh tế, chứ không phải là đưa tiền và chính sách hỗ trợ đến tay những người có nhiều mối quan hệ thân hữu với nhà làm chính sách và các ngân hàng nhất.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, dựa nhiều vào xuất khẩu, do đó dễ tổn thương với những cú sốc từ bên ngoài. Kinh tế thế giới chậm hồi phục thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Vì vậy, đây là lúc mà Việt Nam cần những gói giải cứu kinh tế hơn bao giờ hết. Gói giải cứu này cần phải có 2 cấu phần. Một là gói cứu trợ để doanh nghiệp giữ lại nhân viên mà không sa thải. Hai là gói đầu tư công vào các dự án đầu tư hạ tầng, giáo dục, đào tạo lại nghề có sức lan tỏa. 
Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công chậm là chuyện ai cũng biết rồi. Nhưng nhiều khu vực như ĐBSCL còn ở trạng thái “khát đầu tư” luôn. Ở một buổi họp trao đổi giữa lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL với lãnh đạo TPHCM về chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch vào cuối năm 2019, 13 tỉnh thành phải “cùng kêu” đầu tư giao thông ĐBSCL.
Những đề xuất như vậy không phải đến nay người ta mới nghe, mới biết. Nhưng không thấy chuyển biến gì. Hy vọng với tình hình cấp bách - chống suy thoái kinh tế như chống giặc mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra, sẽ có sự chuyển biến nào đó. 
Và hy vọng rằng chương trình giải cứu kinh tế của Việt Nam sẽ đưa tiền vào đúng người cần nó nhất, nơi tạo ra tăng trưởng có tính lan tỏa nhiều nhất cho nền kinh tế, chứ không phải là đưa tiền và chính sách hỗ trợ đến tay những người có nhiều mối quan hệ thân hữu với nhà làm chính sách và các ngân hàng nhất.

Các tin khác