Lo ngại bất ổn xã hội vì khoảng cách giàu nghèo

(ĐTTCO)-'Chúng ta không muốn nhưng theo quy luật nếu khoảng cách giàu nghèo quá cao sẽ gây xung đột, không có ổn định xã hội', Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cảnh báo.

(ĐTTCO)-'Chúng ta không muốn nhưng theo quy luật nếu khoảng cách giàu nghèo quá cao sẽ gây xung đột, không có ổn định xã hội', Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cảnh báo.

 

Cho ý kiến vào Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng thực trạng khoảng cách giàu nghèo đáng báo động. “Khi miền núi bắt đầu đi xe đạp thì đồng bằng đi bằng ôtô rồi. Miền núi đi bằng con trâu, bò, ngựa thì đồng bằng người ta đi máy bay”, ông Ksor Phước ví von.

Ông Phước khẳng định có đầy đủ số liệu để chứng minh khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. “Nó sẽ gây bất ổn xã hội. Chúng ta không muốn nhưng theo quy luật nếu khoảng cách quá cao sẽ gây xung đột”, ông Ksor Phước cảnh báo.

Cũng theo lãnh đạo Hội đồng dân tộc, mặc dù nhiệm kỳ qua Chính phủ đã có nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nếu nhìn từ các tiêu chí như thu nhập, giáo dục, y tế… thì thấy cái nghèo hiện nay là "nghèo cùng cực” bởi hàng năm nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng chi trả bảo hiểm cho người nghèo, hàng trăm tấn gạo để cứu đói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo lắng khi nông nghiệp 5 năm nay chững lại, sụt giảm rất lớn, thu nhập của người nông dân cũng bị sụt giảm, thị trường giá cả rất bấp bênh làm ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.

Dẫn chứng năm 2011 có 54 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng đến năm 2015 lên tới 71 nghìn doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ thêm đây là do tất yếu hay do chính sách chưa theo nhịp sống của nền kinh tế.

Theo lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, xã hội đang bức xúc về tham nhũng, lãng phí. Một số tờ báo thông tin doanh nghiệp nói sợ nhất chi phí "gầm bàn". “Bây giờ đang thu hút làn sóng đầu tư mới mà cứ để cho người ta nói như thế làm giảm đi sức hút đầu tư của chúng ta", ông Giàu nói.

Trước đó, trong báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày thẳng thắn nêu việc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo. Công tác thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.

Dự kiến, Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2015 của Chính phủ, Thủ tướng sẽ được Thủ tướng trình bày tại phiên họp chiều 23/3 kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13.

Sáng 24/2, đọc Tờ trình công tác chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, dù đây là kỳ họp chủ yếu tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ khóa 13, nhưng khối lượng dự án luật trình Quốc hội tương đối nhiều, có 7 dự án được xem xét thông qua.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ có 3,5 ngày thảo luận ở tổ và hội trường về báo cáo tổng kết của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Tòa án, Viện kiểm sát.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp 11 khoảng 16 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/3 và bế mạc vào ngày 9/4.

Các tin khác