Liên kết vùng phát triển du lịch

(ĐTTCO) - Sau giai đoạn giãn cách xã hội, xu hướng du lịch của du khách là chọn liên tour, liên tuyến, liên địa phương. Đáp ứng nhu cầu mới này, TPHCM đang đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch. Mới đây nhất, TPHCM cùng các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh triển khai liên kết hợp tác phát triển du lịch Đông Nam bộ.

Trò chuyện với ĐTTC, ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết: Trước hết phải khẳng định Đông Nam bộ là khu vực giàu tài nguyên về du lịch, nhưng trước nay chưa có sự kết nối để phát triển.
TPHCM với vai trò là trung tâm, nhận thức rằng phải kết nối với các tỉnh trong vùng để tạo ra những sản phẩm du lịch liên kết, đáp ứng xu hướng đi du lịch mới của du khách. Đó là lý do thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch Đông Nam bộ ra đời, với 5 nhóm nội dung chính. 
Thứ nhất, nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ cho nhau. Để thống nhất về những sản phẩm du lịch bổ trợ đoàn du lịch của TPHCM và 5 tỉnh đã tiến hành khảo sát điểm đến của từng địa phương và xây dựng hành trình tour. Các doanh nghiệp đã xây dựng những tour điển hình làm sản phẩm có tính dẫn dắt du khách đến các địa phương. 
Liên kết vùng phát triển du lịch ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM (thứ 3 từ trái qua), đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó  Thủ tướng Chính phủ (thứ 2 từ trái qua), đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM (thứ 4 từ trái qua), cùng các lãnh đạo 5 tỉnh trong vùng kết nối du lịch. Ảnh: ĐÌNH DƯ
Thứ hai, liên kết thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua nhiều kênh, như tham gia hội chợ trong ngoài nước, trên các kênh truyền thông. Khi quảng bá với những sản phẩm du lịch vùng, sản phẩm sẽ đa dạng, hấp dẫn du khách hơn. Chẳng hạn, khi khách đến TPHCM muốn được nghỉ dưỡng biển đã có liên kết với Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu du khách muốn tìm hiểu khu vực có tôn giáo nội sinh, kiến trúc độc đáo hãy đến Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, trong khi Bình Phước có không gian nông lâm nghiệp, Bình Dương có làng nghề, Đồng Nai có di tích, không gian kiến trúc được hình thành từ mấy trăm năm… 
Thứ ba, liên kết chia sẻ trong đào tạo nguồn nhân lực, yếu tố quyết định trong các hoạt động du lịch. TPHCM với lợi thế là trung tâm đào tạo cả nước trong đó có du lịch, sẽ liên kết hỗ trợ cho các tỉnh bạn. Ngược lại, nghệ nhân ở các địa phương trong nhiều lĩnh vực cũng sẽ đào tạo lại cho những người làm du lịch ở TPHCM. Thứ tư, hợp tác trong kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch. TPHCM cùng các địa phương hàng năm tổ chức các diễn đàn kêu gọi đầu tư, quảng bá xúc tiến du lịch để nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin của cả vùng, từ đó mở rộng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch tại mỗi địa phương. Thứ năm, cùng nhau chia sẻ thông tin trong quản lý, chính sách kết nối hạ tầng du lịch thông minh. 
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, tại một số địa phương sản phẩm du lịch chưa thực sự thu hút du khách. Điều này có làm khó doanh nghiệp khi xây dựng các tour liên tuyến, liên địa phương? 
Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ: - Trong phát triển du lịch không thể có sự đồng đều giữa các địa phương, có nơi nhiều sản phẩm nổi bật nhưng cũng có nơi sản phẩm mới đang nằm ở dạng tiềm năng cần được khai thác. Khi đặt vấn đề liên kết du lịch chúng tôi nhìn thấy tiềm năng lẫn nhau. Doanh nghiệp cũng nhìn ra những tiềm năng du lịch này và đang xây dựng những tour liên tỉnh hấp dẫn (như tour du lịch TPHCM - Tây Ninh vừa được đưa vào khai thác). 
Việc hình thành liên kết vùng trong du lịch xuất phát từ chính nhu cầu của doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh du lịch nội địa đang trở thành mục tiêu quan trọng để phục hồi du lịch sau dịch. Song hành với việc hình thành các sản phẩm du lịch bổ trợ, liên kết giữa các tỉnh, thành còn nhằm tăng cường việc người dân các địa phương đi du lịch lẫn nhau. TPHCM cũng rất muốn thu hút du khách từ các địa phương khác trong vùng đến ăn uống, mua sắm, nghỉ dưỡng, chăm sóc y tế… 
- Với vai trò đầu tàu trong liên kết du lịch, TPHCM có những chuyển động gì trong việc làm mới các sản phẩm du lịch? 
- Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đối diện với những thách thức vì sự thiếu đồng đều về hạ tầng du lịch giữa các địa phương, nên để hình thành những sản phẩm đảm bảo chất lượng đều nhau là điều không đơn giản. Ngoài ra, chúng tôi cũng gặp khó khăn về kết nối giao thông, đặc biệt là đường thủy, đường bộ, ảnh hưởng đến chi phí hình thành các đường tour. Một khó khăn nữa là do tương đồng về địa lý, thổ nhưỡng, vùng văn hóa, nên việc xây dựng những sản phẩm có tính khác biệt và cạnh tranh, thu hút cũng là thách thức của người làm sản phẩm. Vì thế, trong hoạt động du lịch, tùy theo dòng sản phẩm và đối tượng sẽ có những giải pháp khác nhau. 
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn của Đức đang làm chiến lược phát triển du lịch TPHCM, chúng ta cần làm mới, nâng cấp những sản phẩm vốn là lợi thế của TP là lịch sử văn hóa, ẩm thực và mua sắm. Khi khảo sát du khách đến TPHCM, 54% du khách nước ngoài đến TP vì sự hấp dẫn của lịch sử. Ngoài ra, TPHCM cũng là nơi hội tụ nhiều dòng di chuyển của lao động khác nhau, các chuyên gia, nghệ nhân từ nhiều vùng miền đến học tập, làm việc, đã mang những món ngon đến làm phong phú nền ẩm thực của TP. Đặc biệt, TPHCM có lợi thế nhiều trung tâm mua sắm, nhiều chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Trong tương lai TP sẽ phát triển thêm sản phẩm du lịch y tế. Chúng tôi đang nỗ lực khảo sát, đánh giá, giới thiệu cho du khách trải nghiệm những điểm độc đáo của TPHCM. 
- Thực tế TPHCM không chỉ đẩy mạnh liên kết du lịch với các tỉnh Đông Nam bộ mà còn với khu vực ĐBSCL và nhiều địa phương khác, ông có thể chia sẻ thêm về điều nay? 
- Trước đây Sở Du lịch TPHCM có liên kết với 43 tỉnh/thành trên cả nước, trong đó có những liên kết song phương và đa phương. Tuy nhiên trong tiếp cận mới, lãnh đạo TPHCM nhận thấy rằng cần có sự vào cuộc mạnh hơn nữa của chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản phẩm. Do đó liên kết giữa TPHCM và các địa phương bắt đầu hình thành. Năm 2019 TPHCM ký kết với các tỉnh ĐBSCL - vùng đầu tiên trong cả nước có sự liên kết mạnh mẽ ở cấp độ chính quyền để phát triển du lịch. 
Trong tương lai TPHCM dự kiến phối hợp với các cụm Đông-Bắc, Tây-Bắc và cụm kinh tế trọng điểm miền Trung để có các hoạt động liên kết phát triển du lịch. Việc này nhằm giải quyết vấn đề hiện tại là tăng sản phẩm, lượng khách du lịch nội địa và xa hơn cùng phối hợp đón khách du lịch quốc tế. Hiện tại Sở Du lịch TPHCM đang tích cực làm việc với Sở du lịch các địa phương để chuẩn bị báo cáo lãnh đạo các tỉnh/thành về những hoạt động này. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác