NÔNG THÔN MỚI TPHCM TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN

“Làn gió” nông nghiệp công nghệ cao

(ĐTTCO) - LTS: Sau 10 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, đời sống người dân khu vực nông thôn TPHCM ngày một đổi thay tích cực. Tại một siêu đô thị, nông nghiệp chỉ giữ vị trí khiêm tốn trong cơ cấu kinh tế, diện tích sản xuất và số người làm nông nghiệp giảm dần, nhưng bù lại, năng suất và giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp ngày càng tăng.

 Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng ngày càng được nâng lên. Có thể thấy, trong suốt 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã chung tay làm nên sự đổi thay căn bản ở vùng nông thôn ngoại thành. 

 Bài 1: “Làn gió” nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, tại TPHCM có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao được tạo điều kiện, quan tâm hỗ trợ bằng những quyết sách cụ thể. Những mô hình, cách làm mới này đã nâng thu nhập đáng kể cho người dân vùng nông thôn. Theo xu hướng, các mô hình phát triển nông nghiệp nói trên không chỉ thu hút những người lớn tuổi, nông dân lớn lên từ đồng ruộng mà ngày càng nhiều bạn trẻ có kiến thức, đam mê làm nông nghiệp tham gia, tạo việc làm cho người dân địa phương. 

Nhìn thấy tiềm năng 

“Người ta phải thuê đất để làm nông, tại sao mình có đất mà không làm?”, suy nghĩ đó đã thôi thúc chị Nguyễn Thị Thanh Dung đang từ nhân viên văn phòng quyết tâm về quê nhà ở ấp Bàu Tròn, xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi) khởi nghiệp bằng việc trồng hoa lan công nghệ cao. Ngồi nhẩm đếm về mức lợi nhuận 200-300 triệu đồng/tháng như hiện nay, chị chủ vườn lan không quên đã từng có những tháng ngày rong ruổi khắp nơi tìm hiểu các mô hình trồng lan nổi tiếng, học hỏi bí quyết. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi từ huyện, chị đầu tư giống, làm giàn và mạnh dạn trang bị hệ thống tưới hẹn giờ tự động. Bên cạnh đó, chị trồng nhiều giống lan có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng như lan Dendrobium nắng, lan cẩm cù…

 Bài 1: “Làn gió” nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1Chị Nguyễn Thị Thanh Dung chăm sóc các giống lan tại vườn. Ảnh: QUANG HUY

Từ việc trồng lan chai mô nhập khẩu của Thái Lan, dần dần chị Dung chủ động được nguồn giống và quá trình sản xuất. Nhờ tưới tự động, vườn lan rộng 15.000m² giảm thiểu nhân công, tiết kiệm rất nhiều kinh phí. Chị Dung cho biết, đang tìm hiểu một số hệ thống tự động khác, như phun thuốc trừ sâu mà vài vườn cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang áp dụng thành công, để làm trên giàn lan của mình. 


Cũng trên mảnh đất Củ Chi, gần 5 năm trước có một cô gái 24 tuổi “bỏ phố về quê” xã Tân An Hội, quyết tâm khởi nghiệp bằng cây rau má. Một loại cây mà người dân vẫn thường xem là rau dại, ít giá trị kinh tế, nhưng cô gái Nguyễn Ngọc Hương đã biến nó thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao, mang lại doanh thu hơn 4 tỷ đồng mỗi năm. 

Ngày bắt tay trồng thử nghiệm rau má trên diện tích đất 10.000m², Hương gặp nhiều khó khăn từ việc chuyển đổi vùng nguyên liệu, rau bị sâu bệnh gần hết, đến tiếp cận, thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ uống tươi sang uống bột. Đến nay, nhìn thành quả đạt được, Hương chia sẻ: “Khi đó, tôi đã định bỏ cuộc, nhưng nghĩ tiềm năng phát triển nông nghiệp của TPHCM, người nông dân bao đời chỉ biết bám đất, dốc sức trồng trọt mà cuộc sống vẫn khó khăn. Mình có ít kiến thức cùng với quyết tâm mang ứng dụng công nghệ về phát triển quê hương thì phải cố gắng. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ địa phương và các đoàn thể để có thể xúc tiến đầu ra, giới thiệu sản phẩm đến được nguồn vốn hỗ trợ”.

Vậy là Hương lại tiếp tục mày mò, nghiên cứu, để đến nay, từ các loại rau tươi, Hương và các cộng sự đã phát triển hơn 6 loại sản phẩm bột rau sấy lạnh mang thương hiệu Quảng Thanh. Sản phẩm hiện nay đã được bán rộng rãi tại hơn 50 cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc. Ngày 12-2, sản phẩm bột rau sấy lạnh Quảng Thanh đã được bình chọn là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2020. “Năm 2019, chúng tôi đã xuất được lô hàng sang Hà Lan. Với những bước tiến chất lượng cho sản phẩm, chúng tôi kỳ vọng trong tương lai sản phẩm bột rau thương hiệu Việt sẽ vươn tầm ra thế giới”, Hương mong muốn. 

Hiện công ty của Hương đang tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 20 lao động toàn thời gian và 15-18 lao động bán thời gian. Bên cạnh đó, Hương còn liên kết với các hộ nông dân và hợp tác xã (HTX) trồng rau để chuyển giao kỹ thuật, mô hình canh tác, tạo thêm việc làm, ổn định thu nhập cho người dân tại địa phương. Theo Hương, để giúp người nông dân hội nhập cần phải có các mô hình trồng trọt tiêu chuẩn hóa để chuyển giao cho bà con nông dân. 

Hướng tới sản xuất lớn

Giữa những luống nấm bào ngư xám vừa thu hoạch, ông Trần Văn Tấn, nông dân xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, chủ trại nấm Nghĩa Nhân, trải lòng: Nghề này mà nghe trên mạng nói làm dễ, thu lời lớn, làm chơi ăn thiệt, không có đâu. Phải đầu tư, chăm chút, chịu khó lắm mới duy trì và phát triển được. Nhiều năm mày mò, đầu tư, đến nay trại nấm Nghĩa Nhân của ông đã thu về thành quả. Có thu nhập tốt, mỗi năm, ông đóng góp hàng chục triệu đồng cho công tác an sinh xã hội của địa phương. Không quên những người nông dân nghèo khó, ông Tấn còn hỗ trợ phôi nấm cho các hộ khó khăn, bao tiêu sản phẩm cho họ. 

Dù nhận thấy công nghệ trồng nấm hiện nay còn đơn giản, dùng sức người là chính, chưa có nhiều máy móc thiết bị hỗ trợ, nhưng ông Tấn vẫn tin rằng, với lòng quyết tâm và học hỏi dần thì nghề này sẽ phát triển, mang lại thu nhập tốt cho nông dân quê  ông. Ông hào hứng với kế hoạch thời gian tới: “Đầu ra còn phong phú lắm, tôi muốn phát triển thêm và nhân rộng các mô hình để những bà con có tâm huyết được cùng tham gia sản xuất, cùng phát triển. Tới đây, khi tự đảm bảo được nguồn phôi giống thì hiệu quả còn cao hơn nữa”. Người nông dân 64 tuổi này chưa có ý định dừng lại ở trại nấm 2.000m2, mà luôn đau đáu mở rộng sản xuất, hăng hái thử nghiệm các loại nấm mới, chia sẻ kinh nghiệm lại cho mọi người.

Hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ về nông nghiệp, Công ty CP Công nghệ nông nghiệp Anh Đào (huyện Nhà Bè) sở hữu một đội ngũ đáng mơ ước: trong 120 nhân viên có 1 phó giáo sư - tiến sĩ, 2 tiến sĩ, nhiều thạc sĩ, cử nhân và kỹ sư chuyên ngành. Ngoài ra, còn có đội ngũ cố vấn là các giáo sư đang giảng dạy tại các trường đại học trong và ngoài nước. Với đội ngũ này, mỗi năm công ty sản xuất ra hơn chục triệu cây giống nuôi cấy mô các loại (trong đó, các giống lan chiếm chủ lực với gần 10 triệu cây), 2 triệu cây giống dừa sáp; sưu tập và bảo tồn các giống cây quý. Đáng chú ý là công ty đã nghiên cứu, nhân giống và sản xuất giống dừa sáp đặc ruột, lai tạo các giống dưa lưới cho năng suất cao, bảo tồn các loại giống dược liệu, hoa quý hiếm, phát triển các sản phẩm khác có giá trị kinh tế cao như: đông trùng hạ thảo, chiết tách tinh dầu từ sả, chanh, bạc hà… Công ty cũng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhiều đơn vị ở các tỉnh, thành, chủ trì một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ. 

Những bước đi này dần khẳng định lựa chọn phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp là hoàn toàn đúng hướng. Thời gian tới, công ty đang có kế hoạch hợp tác với một số đối tác nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan để nhận chuyển giao quy trình công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Ngoài ra, công ty sẽ đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, chuyển giao công nghệ trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học.

Thu nhập của người dân nông thôn TPHCMtăng gần 3 lần

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân nông thôn TPHCM đã tăng lên 2,72 lần. Năm 2010, thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 23,17 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2017 đạt 49,18 triệu đồng/người/năm, đến năm 2019 đã đạt hơn 63 triệu đồng/người/năm. Theo đánh giá, việc đầu tư vào giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, vốn vay… đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn như hoa lan, cây - cá kiểng, bò sữa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, những ngành nghề nông thôn truyền thống của TPHCM cũng từng bước khôi phục và phát triển, không những tiêu thụ nội địa mà còn đẩy mạnh xuất khẩu, như làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông - Củ Chi xuất khẩu ổn định sang châu Âu, Mỹ, Nhật...; sản phẩm đan đát của làng nghề đan đát Thái Mỹ - Củ Chi xuất khẩu sang Đài Loan…

Nói đến mô hình sản xuất lớn, không thể không nhắc tới các HTX nông nghiệp, nhờ sự tương trợ giữa các nhà sản xuất mà quy mô làm ăn và thu nhập tăng lên đáng kể. Ở Củ Chi, HTX hoa lan Huyền Thoại thành lập năm 2015 với 8 thành viên, với tổng diện tích đất trồng hoa lan của các thành viên trong HTX là 18ha. Tới nay, số lượng thành viên HTX đã tăng lên 15 người, tổng diện tích đất trồng lan là 25ha. Hiện nay, số lượng hoa lan đang cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước là 8 tỷ cành và 100.000 cây giống. Việc tham gia HTX giúp thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh; đồng thời thuận lợi trong việc kiểm soát tốt được chất lượng và số lượng cung ứng theo nhu cầu thị trường. Đơn đặt hàng ngày càng nhiều, HTX đang cố gắng mở rộng hợp tác, tăng quy mô sản xuất. Bà Trần Ngọc Tuyết, Phó Giám đốc HTX hoa lan Huyền Thoại, cho biết, đang kiến nghị để được nhận giao thuê 50ha đất sản xuất nông nghiệp theo thời hạn 50 năm để trồng hoa lan cắt cành.

Các tin khác