Kinh tế nhà nước nhìn từ sân bay Long Thành

Cùng xuất phát từ một mô hình kinh tế, Việt Nam và Trung Quốc (TQ) có nhiều điểm tương đồng. Bằng việc thúc đẩy kinh tế tư nhân đã giúp TQ có cả một thời kỳ tăng trưởng dài hạn “thần kỳ”, và điều này cũng được Việt Nam theo đuổi cho đến ngày nay. Đó là ban hành các nghị quyết về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng cũng thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân phát triển.

 Chủ trương lớn này đã đưa đến Luật Đấu thầu được ban hành và chỉnh sửa để đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn kinh tế. Và dự án sân bay Long Thành đang là ranh giới cho tính kiên định từ chủ trương đến luật pháp.

Sự hồi sinh kinh tế nhà nước ở TQ
Tăng trưởng kinh tế TQ trong một thập niên qua đã liên tục suy giảm. Một trong những nguyên nhân trọng yếu nhất được TQ đưa ra chính là sự cải cách chậm chạp, đã làm hồi sinh vai trò kinh tế nhà nước trong nền kinh tế. Sự hồi sinh này được thể hiện thông qua sự phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, sự suy giảm hiệu quả tài chính của DNNN. 
 Một điều nghịch lý là DN tư nhân có hiệu quả thấp, nhưng đóng góp gần 50% trong tăng trưởng kinh tế, 30% tổng thu cho ngân sách và chiếm 83,3% tổng số lao động.
Thực ra cải cách kinh tế TQ được thúc đẩy dưới thời Thủ tướng Chu Dung Cơ đã giúp cho TQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, nâng cao vai trò của thị trường, thúc đẩy cạnh tranh, làm tăng lợi nhuận trên tài sản của các công ty nhà nước, từ đó đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế TQ. Tuy nhiên, dưới thời kỳ lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đã đặt tham vọng cải cách kinh tế khiêm tốn đi nhiều. Đặc biệt, chính sách cải cách kinh tế TQ càng thu hẹp khi TQ đối phó với khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2011, chính sách này đã làm suy yếu hiệu quả các DNNN. Theo đó, tín dụng được mở rộng quá mức vào khu vực nhà nước, gây nên những rủi ro cho nền kinh tế. Và khi tỷ lệ tín dụng cao quá mức của DNNN, càng làm cho chính sách mở rộng tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TQ gặp những khó khăn. 
Đứng trước bối cảnh đó, năm 2013, lãnh đạo kế tiếp của TQ đã đưa ra kế hoạch cải cách kinh tế chi tiết từ Hội nghị Trung ương 3 của Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ 18. Song những cải cách này không có cụm từ “Chúng ta phải đảm bảo rằng thị trường có vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực” trong các nghị quyết trung ương (TW), và thay vào đó là cụm từ “Kiên định củng cố và phát triển kinh tế công, duy trì vị trí thống trị của sở hữu công, khu vực nhà nước đóng vai trò dẫn đầu và liên tục gia tăng sức mạnh, gia tăng kiểm soát tác động và sự ảnh hưởng”.
Kinh tế nhà nước nhìn từ sân bay Long Thành ảnh 1 Tăng trưởng kinh tế TQ từ 2006 đến nay.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, chính sách ngày càng thay thế cho chương trình cải cách kinh tế nâng cao theo định hướng thị trường, đã được đề ra trong tài liệu Hội nghị Trung ương lần thứ 3. Từ sáng kiến “đổi mới bản xứ - indigenous innovation” đến “Sản xuất tại TQ 2025 - Made in China 2025", lãnh đạo TQ kêu gọi đột phá trong 10 ngành công nghiệp ưu tiên đã chuyển dịch nền kinh tế sang ủng hộ các DNNN. Đến năm 2016, chính phủ đã kêu gọi củng cố và tăng cường đối với nhóm DNNN, nghĩa là nhà nước nên thực thi kiểm soát độc quyền hoặc tuyệt đối (tức là hơn 50%) các DN trong nhiều ngành và lĩnh vực (Hội đồng Nhà nước 2016a - State Council 2016a). 
Vào tháng 10-2017, Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức phát ngôn điều này trong bài phát biểu dài trước Đại hội Đảng lần thứ 19, ông tuyên bố rằng “Chúng ta sẽ hỗ trợ vốn nhà nước để trở nên mạnh mẽ hơn, làm tốt hơn và phát triển lớn hơn (Tập Cận Bình 2017). Các chính sách TQ hiện đang theo đuổi đã làm suy giảm đầu tư của khu vực tư nhân đang có năng suất cao, đồng thời làm cho hiệu quả của khu vực nhà nước đã kém càng kém hơn. 
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng 2008, chính phủ TQ đã thực hiện đầu tư nhiều dự án vào cơ sở hạ tầng và nhà ở. Dự án đường sắt cao tốc là một điển hình cho việc đầu tư của khu vực nhà nước. Tính đến nay, các tuyến cao tốc đường sắt đều thua lỗ càng làm cho hiệu quả các DNNN kém đi, sự chèn lấn khu vực tư nhân càng gia tăng và năng suất các yếu tố càng giảm. Những chính sách của TQ đều hướng đến một tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa” và cạnh tranh trên cương vị là một cường quốc là điều dễ hiểu.

Tin vào số liệu hay chủ trương?
Theo số liệu tổng điều tra kinh tế năm 2017 được Tổng cục Thống kê công bố, hiệu suất sinh lời/tài sản của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,9%; DNNN đạt 2,6%; DN tư nhân chỉ đạt 1,4%. Hiệu suất sinh lời/doanh thu của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài là 6,7%; DNNN đạt 6,6% (tăng đáng kể so với mức 5,1% của năm 2011); DN tư nhân chỉ đạt 1,9%. Bình quân một DNNN nộp ngân sách nhà nước 104 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với DN có vốn đầu tư nước ngoài là 18 tỷ đồng và gấp tới 104 lần DN tư nhân. 
Nghĩa là quá trình đổi mới nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đã phát huy vai trò của kinh tế nhà nước, và khu vực kinh tế tư nhân đang có sự phân bổ sai nguồn lực và hiệu quả trở nên kém đi nhiều? Nếu chiếu vào số liệu đóng góp cho ngân sách và tăng trưởng kinh tế, thì kết quả điều tra này đã cung cấp số liệu thiếu chuẩn xác cho hoạch định chiến lược nền kinh tế. Một điều nghịch lý là DN tư nhân có hiệu quả thấp, nhưng đóng góp gần 50% trong tăng trưởng kinh tế, 30% tổng thu cho ngân sách và chiếm 83,3% tổng số lao động.
Theo Ban đổi mới và phát triển DN, DNNN xét về số lượng chỉ chiếm 0,5% nhưng có quy mô vốn lên đến 28,4%, DN tư nhân chiếm 96,7% nhưng nắm giữ 53,5% tổng nguồn vốn. Trong khi theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) tại Diễn đàn thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, thì DNNN đóng góp 22% tổng thu ngân sách và 28% GDP. Hiệu quả hoạt động và tỷ lệ lãi của DNNN nhìn chung thấp nhất so với các thành phần khác. 
Trong khi đó, quan điểm có phần trái ngược trong Sách trắng DN 2019 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Chẳng hạn tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2016 và 2019 lần lượt đạt 11% và 11,4%, cao hơn đáng kể so với mức 4,4% và 6% của DN ngoài nhà nước; hiệu suất sinh lời đạt mức khá so với mức bình quân DN Việt Nam. Ngược lại, trong phần phân tích lợi nhuận của các loại hình DN thì Sách trắng DN 2019 lại cho kết quả lợi nhuận DNNN năm 2017 chỉ tăng 1,8% và chiếm 22,9% tổng lợi nhuận, trong khi đó DN ngoài nhà nước lại tăng 55% và chiếm 33,3% tổng lợi nhuận. Bình quân 2016-2017, mỗi năm DNNN tạo ra 199.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 15,8% trong giai đoạn 2011-2015. Trong khi đó, khu vực DN ngoài nhà nước tạo ra 239.900 tỷ đồng, tăng 137,9% so với giai đoạn 2011-2015. Như vậy, cũng ngay chính trong báo cáo này cũng đã có vấn đề về những số liệu hiệu quả hoạt động của DNNN và ngoài nhà nước.
Vậy chiếu theo những dữ liệu đáng tin cậy từ Tổng cục Thống kê, từ CIEM, thì DNNN vẫn có hiệu quả tốt hơn và năng suất các yếu tố cao hơn DN tư nhân. Như vậy việc tiếp tục duy trì và thúc đẩy thành phần kinh tế nhà nước trong phát triển kinh tế Việt Nam không có gì bàn cãi. Theo đó, việc chỉ định thầu đối với dự án sân bay Long Thành, dự án đường sắt cao tốc trong tương lai hay ngay cả dự án Đường cao tốc Bắc-Nam đang hủy đấu thầu quốc tế cũng là chuyện bình thường. 
Nhưng điều đáng nói, TW đã ra Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, cho đến Chính phủ đều ra nghị quyết về cổ phần hóa, phương án sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Điều này cho thấy loại hình kinh tế nhà nước cần được cải cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, càng cho thấy tầm quan trọng của thành phần kinh tế này đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 
Nếu nhìn về khía cạnh của những chủ trương lớn, việc tạo ra môi trường cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển sẽ là một hướng đi quan trọng cần được duy trì. Chính vì vậy, một dự án lớn như sân bay Long Thành cũng cần phải nằm trong chủ trương lớn này, thay vì như đề nghị của Bộ Giao thông-Vận tải trong việc chỉ định thầu cho ACV, làm triệt tiêu môi trường phát triển thành phần kinh tế tư nhân.

Phép thử sân bay Long Thành
Dựa theo Luật Đấu thầu, dự án sân bay Long Thành phải thực hiện các quy trình đấu thầu công khai. Tuy nhiên, viện dẫn vào lý do chậm tiến độ nên Bộ Giao thông-Vận tải đã trình Quốc hội cho phép chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án trong tầm 1,5 năm, nhưng vẫn là con số lý thuyết,  bởi khâu khó nhất của dự án chính là giải phóng mặt bằng. Dù là chỉ định thầu hay đấu thầu công khai đều vấp phải rào cản này, mặc dù việc bàn giao mặt bằng được tỉnh Đồng Nai triển khai tích cực. 
Về phía Quốc hội, nhiều đại biểu lo ngại về năng lực của ACV, nếu nói đến những DN trong nước thì ACV có đủ tiềm lực hơn DN tư nhân, chỉ có điều nếu tổ chức đấu thầu công khai không loại trừ trường hợp lặp lại như các gói thầu trong dự án Đường cao tốc Bắc-Nam. Bởi việc đấu thầu công khai sẽ có sự tham gia của các nhà thầu quốc tế tham gia vào dự án, các nhà thầu quốc tế cũng có những nhà thầu đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cũng có nhiều nhà thầu mà các dự án quan trọng của Việt Nam đã triển khai đều vấp phải. 
Như vậy, sau khi loại bỏ sự tham gia của các nhà thầu quốc tế không mong đợi, vấn đề trở nên dễ dàng trong việc đấu thầu nội địa. Làm điều này sẽ đạt được 3 điều lợi: Thứ nhất, Quốc hội làm việc dựa trên luật đã ban hành, không giải quyết các trường hợp ngoại lệ để thượng tôn pháp quyền. Thứ hai, thực hiện được chủ trương lớn của Trung ương từ Nghị quyết 10 và Nghị quyết 12.
Và cuối cùng, dựa trên bài học quan trọng từ TQ được phân tích ở phần đầu sẽ phần nào giải quyết được tính hiệu quả của dự án. Hiệu quả dự án sẽ mang lại từ tổng mức đầu tư đến thời gian hoàn thành dự án, chất lượng công trình, và thậm chí là khai thác vận hành mà nhiều giới chức quan ngại khi chỉ định thầu. 

Các tin khác