Bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc

(ĐTTCO)-Chiều 27-11, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV đã chính thức bế mạc sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả. Trước đó, sáng 27-11, Quốc hội đã thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự Lễ bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ảnh TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự Lễ bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ảnh TTXVN
Nhận diện khó khăn,  vượt qua thách thức
Trong diễn văn bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội đã thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác. Với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia cùng Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
“Việc phê chuẩn hai văn kiện này sẽ là bước đệm quan trọng trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị, hợp tác, đối tác chiến lược, toàn diện giữa Nhà nước và nhân dân hai nước; đồng thời là cơ sở chính trị, pháp lý để tiếp tục giải quyết những vấn đề còn lại về phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 
Bên cạnh việc ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để đưa năm 2019 trở thành năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu Quốc hội đề ra, Quốc hội cũng đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những bất cập, yếu kém của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. 
Trước diễn biến trên thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, trong đó có tình hình biển Đông, Quốc hội yêu cầu tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thực tiễn để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp với những vấn đề phát sinh; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong hoạt động giám sát tối cao về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”, Quốc hội cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh những bất cập, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan cũng như ý thức người dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn…
Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo. Đây cũng là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mới có thể bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ. 
Tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp diễn ra ngay sau đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hai dự án luật rất quan trọng là Luật Biểu tình và Luật về Hội liên quan đến quyền hợp hiến của người dân vẫn “lỗi hẹn”, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Chính phủ hiện vẫn đang chuẩn bị, hoàn thiện hai dự luật này và chưa trình sang Quốc hội, do đó Quốc hội chưa thể đưa vào chương trình xây dựng pháp luật. 
Phải loại bỏ việc phạt cho tồn tại, quy hoạch phải chạy theo dự án
Trước đó, sáng 27-11, Quốc hội đã thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Đại biểu (ĐB) Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) đề nghị quy định cấp giấy phép xây dựng theo hướng phải đơn giản hơn để thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Quy trình cấp giấy phép xây dựng phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật, vì theo pháp luật xây dựng hiện nay, quy định này đang tách thành 3 quy trình bất hợp lý gồm: thẩm định thiết kế cơ sở, quy trình thẩm định thiết kế kỹ thuật và quy trình cấp giấy phép xây dựng.
ĐB cũng đề nghị  giao Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt, công trình theo tuyến hoặc công trình có liên quan đến 2 tỉnh, công trình có ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng.
“Về lâu dài, đề nghị xã hội hóa công tác thẩm định thiết kế cơ sở, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và thực hiện công tác hậu kiểm để nâng cao vai trò và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng. Bộ Xây dựng chỉ thẩm định thiết kế cơ sở đối với công trình đặc biệt hoặc có ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng”, ĐB Diệu Thúy phát biểu.
 Về quản lý xây dựng tại khu vực nông thôn thuộc các đô thị lớn như TPHCM, ĐB Trần Diệu Thúy cho rằng, nông thôn của TPHCM là nông thôn thuộc loại đô thị đặc biệt, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng xây cất tràn lan, rất khó khăn trong quản lý và ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch đô thị. Do đó, ĐB đề nghị vẫn phải xem xét cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ ở nông thôn tại các đô thị lớn cho phù hợp với tình hình thực tế. 
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn chứng sự tồn tại thách thức dư luận và thể chế của các công trình như 8B Lê Trực, chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) cùng nhiều dự án, nhà thương mại, chung cư cao tầng mọc trên nền của một số cơ quan, tổ chức sau khi di dời trong nội đô TP Hà Nội để cho rằng, sửa luật lần này phải bảo đảm khắc phục được những bất cập trên.
ĐB cũng cho rằng báo cáo giám sát phòng cháy, chữa cháy vừa qua đã chỉ rõ thực tế sai phạm với hàng ngàn công trình có nguy hiểm về cháy nổ được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. “Với những quy định kín kẽ, chặt chẽ thì những sai phạm phổ biến như vậy cần phải tìm nguyên nhân từ đâu. Bởi nếu thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản, không vi phạm điều cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng thì sai phạm không dễ xảy ra”, ĐB Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề.
Cũng theo ĐB Phạm Trọng Nhân, một trong những nguyên tắc cơ bản đầu tiên của Luật Xây dựng là đảm bảo đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thiết kế. Nhưng với 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1 đến 6 lần, quy hoạch được điều chỉnh tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng... mà báo cáo giám sát về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị đã nêu thì Luật Xây dựng nói chung và các nguyên tắc cơ bản nói riêng trong Luật Thủ đô, Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị đã bị xem thường.
“Việc phạt cho tồn tại, quy hoạch phải chạy theo dự án trong xây dựng phải được loại bỏ khi sửa luật lần này. Nếu còn có sự thỏa hiệp, phạt cho tồn tại và quy hoạch còn phải chạy theo dự án hay vì một lý do nào đó thì 8B Lê Trực, HH Linh Đàm sẽ tiếp tục diễn ra”, ĐB Phạm Trọng Nhân nói.

Các tin khác