Kiến nghị thu hồi NSNN 6.800 tỷ đồng

Sáng 16/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014.

Sáng 16/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014.

Theo báo cáo kết quả công tác thanh tra 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 3.399 cuộc thanh tra hành chính (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2013) và 85.036 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2013) tại 391.108 tổ chức, cá nhân.

Qua thanh tra phát hiện vi phạm 9.853,5 tỷ đồng; 1.082,4 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 6.818,2 tỷ đồng và 409,3 ha đất (đã thu hồi 3.789,9 tỷ đồng, đạt 55,6%). Đồng thời đề nghị xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 3.035,3 tỷ đồng; 673,1 ha đất...

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 533 tập thể; 1.133 cá nhân; ban hành 103.360 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 1.173 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 18 vụ, 24 đối tượng...

Về nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, sẽ tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ.

Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; thực hiện công khai kết luận thanh tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử  lý về thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cũng cho biết một số ý kiến cho rằng qua công tác thanh tra, “phát hiện vi phạm thì nhiều nhưng chuyển cơ quan điều tra còn ít”. Ông Lượng nêu một số nguyên nhân khiến việc chuyển cơ quan điều tra chưa đáp ứng tình hình thực tế như hoạt động thanh tra có thời hạn, thời hiệu, năng lực chứng minh hành vi phạm tội của thanh tra viên không bằng điều tra viên…

Trả lời câu hỏi của PV Báo Điện tử Chính phủ về công tác tiếp dân, ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết: Năm 2013, Trụ sở tiếp dân T.Ư đã kiến nghị kiểm tra việc tiếp công dân và giải quyết kiến nghị, tố cáo, trong đó có gần 100 vụ việc được, 6 tháng đầu năm 2014 có khoảng 20 vụ việc.

Tuần tới, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP sẽ trực tiếp tiếp công dân tại Ban Tiếp dân T.Ư.

Từ ngày 1/7, thực hiện quy định tại Luật Tiếp công dân, Thanh tra Chính phủ sẽ hướng dẫn các địa phương thành lập Ban Tiếp công dân để tăng cường công tác này.

Sắp tới, Ban Tiếp công dân Trung ương sẽ đề xuất kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Luật và Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Kết quả sẽ công khai trên báo chí và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm về hành chính, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm, khen thưởng.

Trong 6 tháng cuối năm sẽ triển khai 6 cuộc thanh tra, bao gồm: 1. Thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; 2. Thanh tra việc giao đất giao rừng tại tỉnh Bình Phước; 3. Thanh tra việc chấp hành, quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;

4. Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác bảo đảm an toàn đối với hệ thống tín dụng và quyền lợi của người dân tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; 5. Thanh tra trách nhiệm của Bộ VHTTDL trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; 6. Thanh tra việc thực hiện Luật BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp.

Các tin khác