Kiểm soát nợ vay, vay nợ và trả nợ

(ĐTTCO)-Theo dự kiến của Chính phủ, đến cuối năm 2020 nợ công khoảng 56,8% GDP, nợ chính phủ khoảng 50,8% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước 24,1%... Như vậy, đến cuối năm 2020, về cơ bản dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép. 
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Năm 2021, tỷ lệ vay nợ sẽ tăng lên khi Chính phủ đề ra nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối NS 2021 khoảng 579.000 tỷ đồng, bao gồm vay bù đắp bội chi NS trên 318.000 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc của NS trên 260.000 tỷ đồng.

Cần chính sách vay, trả nợ công dài hạn
Theo đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý nợ công được tăng cường và về cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, thực hiện tốt mục tiêu tổ chức huy động vốn với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nợ công, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
Từ đây, Chính phủ cũng xây dựng các chỉ tiêu an toàn nợ công, đảm bảo không phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở báo cáo đầy đủ và chính xác kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025. 
Hiện tại, Việt Nam đang xếp thứ 113 trên thế giới về tỷ lệ nợ công trên GDP, thứ 68 về tỷ lệ nợ công trên đầu người và thứ 36 về quy mô GDP. Và theo đánh giá của Moody’s, mức nợ công trên đầu người của Việt Nam ở mức trung bình.
Dẫu vậy, áp lực trả nợ công đang khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại. Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), việc đánh giá tỷ lệ nợ công trên GDP có thể gây ra dư địa ảo, vì GDP không thống kê được chính xác.
Thước đo nợ công phải là tỷ lệ nợ công/thu NS, trong khi con số này không hề giảm mà ngày càng tăng vì thu NS không tăng nhiều. Thực tế nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu NS đang tiến tới trần Quốc hội cho phép.
Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - NS của Quốc hội, cho rằng điều cần quan tâm là năm 2021 áp lực nghĩa vụ trả nợ công sẽ tăng lên, vì đây là năm cao điểm trả nợ. Dự kiến, áp lực nợ công 2021 có thể lên tới 4 triệu tỷ đồng với tỷ lệ bị đẩy lên tới ngưỡng 63%. Như vậy, chắc chắn sẽ phải đi vay nợ vì nguồn thu chỉ đáp ứng được một phần của đầu tư. 
“Nếu chúng ta phân bổ không đều, dồn vào một thời điểm để trả nợ sẽ là gánh nặng trả nợ của năm nào đó bị tăng cao và dẫn tới khó khăn cho Chính phủ. Bởi vậy, cần có chính sách vay và trả nợ công dài hạn. Trên thực tế, tỷ lệ nợ công đang giảm từng năm, nhưng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng lên. Nguyên nhân do huy động vốn trước đây chưa được phân bổ đều, dẫn đến các tỷ lệ nợ công ở từng giai đoạn khác nhau” - ông Hoàng Văn Cường nhận xét.

Kiểm soát vốn đầu tư công hiệu quả
Kiểm soát tốt nguồn vay và đầu tư hiệu quả là 2 giải pháp chính Chính phủ cần phải thực hiện để có thể hoàn thành “nhiệm vụ kép”, vừa đảm bảo an toàn cho nợ công, vừa tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, không nên quá e ngại vào con số tuyệt đối của nợ công, mà phải nhìn vấn đề nợ công trong bối cảnh tổng thể có so sánh với tăng trưởng GDP hoặc thanh khoản, cũng như khả năng trả nợ ra sao.
Đặc biệt, cần tính đến khả năng trả nợ trên số nợ công, vì đây là yếu tố cần quan tâm thay vì chỉ nhìn vào con số 4 triệu tỷ đồng, không phản ánh đầy đủ tất cả vấn đề khi nói đến nợ công. Mấu chốt của vấn đề là kiểm soát tốt nguồn vốn vay để đầu tư hiệu quả.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay cơ cấu nợ công đang được thay đổi với xu hướng tăng vay trong nước và giảm vay nước ngoài (tỷ lệ vay trong nước dự kiến khoảng 80%). Trái phiếu chính phủ (TPCP) được xem là giải pháp hiệu quả để huy động vốn vay trong nước. Vốn vay từ TPCP đã và đang được sử dụng cho đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giao thông, thủy lợi, tham gia góp vốn đối ứng vào các dự án PPP (hợp tác công tư) xây dựng cao tốc Bắc - Nam…
Dẫu vậy, khả năng hấp thụ vốn của thị trường TPCP vẫn còn hạn chế. Do đó, việc thực hiện phát hành thêm khối lượng vốn lớn sẽ gây áp lực gia tăng chi phí vay vốn của Chính phủ, hoặc rủi ro tái cấp vốn trong những năm sau, trong trường hợp Chính phủ phải phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn để đáp ứng nhu cầu vay tăng cao.
Việc thực hiện kích cầu đầu tư nhằm vượt qua giai đoạn suy thoái kinh tế năm 2008-2009, cho thấy đẩy mạnh đầu tư công để tạo nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh và động lực tăng trưởng kinh tế.
Còn theo số liệu tính toán của Bộ KH-ĐT, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06%. Nếu năm 2020 giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công, tiêu hết gần 700.000 tỷ đồng sẽ giúp GDP tăng thêm 0,42%.
Về lý thuyết, NS chủ yếu bơm vào khoản vay để đầu tư trực tiếp của Chính phủ, địa phương hay chuyển cho DNNN, thường không đem lại khả năng sinh lời, nợ công gia tăng nhưng không có nguồn để trả nợ, khiến nợ trong nước và nước ngoài rơi vào vòng xoáy với quy mô ngày càng lớn.
Rủi ro thanh toán nợ đến hạn cùng với quy mô, tốc độ gia tăng nợ công tăng cao, là dấu hiệu mất an toàn NS và khủng hoảng nợ công xảy ra. Do vậy, đầu tư công cần phải giảm bớt nguồn từ NSNN và phải được đầu tư cho những dự án có khả năng sinh lời, đảm bảo khả năng thu hồi vốn.
Ở chiều ngược lại, nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công, các công trình thiết yếu chậm đi vào sử dụng, Nhà nước vẫn phải trả lãi, nhà thầu phải đi vay ngân hàng, điều này dẫn đến lãng phí và tiếp tục gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ công của Chính phủ.
Do đó, giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả có thể xem là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế không mấy thuận lợi như hiện nay. 

Các tin khác