Kích cầu tiêu dùng, vực dậy nền kinh tế

(ĐTTCO)-Có nên đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp và khó lường. Trong khi đó Chính phủ vẫn kiên định thực hiện “mục tiêu kép”: Đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế. Để các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn đa chiều, ĐTTC tổ chức “bàn tròn online” lấy ý kiến các chuyên gia về vấn đề này.

Kích cầu tiêu dùng, vực dậy nền kinh tế
LÊ VIỆT NGA, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương):

Phối hợp các địa phương tổ chức bán hàng

Để biện pháp kích cầu có hiệu quả, việc thực hiện phải đảm bảo đúng lúc, trúng đích và vừa đủ. Nhìn tổng thể, các chính sách của Việt Nam thời gian qua đã và đang thực hiện hiệu quả theo đúng các yêu cầu này.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Quyết định 1457/QĐ-BCT ngày 3-6-2020 “Kế hoạch hành động của ngành công thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới”. 
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm để đạt được mục tiêu nêu trên, là phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thực hiện từ nay đến cuối năm 2020.
Trong thời gian tới, căn cứ vào diễn biến, tình hình dịch bệnh diễn ra tại các địa phương, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng, ngành nghề, doanh nghiệp phân phối tổ chức các hoạt động, sự kiện thông qua việc phát động và thực hiện các chương trình trọng tâm, trọng điểm.
Ngay trong tháng 9 tới, bộ sẽ phối hợp với UBND TPHCM tổ chức kết nối cung cầu bình ổn thị trường; phối hợp với TP Hà Nội tổ chức “Tuần hàng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc 2020” tại An Giang…
Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, trong 4 ngày tổ chức chương trình kích cầu, đã thu hút sự tham gia của 486 doanh nghiệp với 650 gian hàng trưng bày các sản phẩm và 59.600 lượt người tham gia mua sắm; tổ chức kết nối thành công 172 doanh nghiệp với các biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa bên cung ứng và bên mua, qua đó góp phần thúc đẩy doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Có thể nói, gói kích cầu trước hết có hiệu ứng tâm lý tích cực, củng cố lòng tin của doanh nghiệp, ngân hàng và nhà đầu tư trong nước và quốc tế đối với vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cũng như lạc quan về triển vọng thị trường và môi trường đầu tư trong nước. 
TS. ĐINH THỊ MỸ LOAN, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam:

Làm mới ngành bán lẻ 

Bán lẻ hiện nay đang là một trong những giải pháp quan trọng của chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa. Thực tế, đầu năm nay dịch Covid-19 với những tác động đa chiều đã khiến ngành bán lẻ sụt giảm về doanh thu.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành “làm mới” theo xu hướng tiêu dùng hiện đại. Sau khi dịch Covid-19 đợt thứ nhất bùng phát, việc mua sắm hàng hóa của người dân đã thực sự thay đổi để thích ứng với yêu cầu phòng, chống dịch.
Sự thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa trong dịch Covid-19 có thể sẽ định hình lại ngành bán lẻ trong thời gian tới. Điều này buộc các nhà bán lẻ nói chung, doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam nói riêng phải chuyển mình theo thời cuộc bằng những phương pháp mới, nhất là mô hình bán hàng trực tuyến.
Trước hết, ngành bán lẻ cần tăng cường các kênh small format (bán hàng nhỏ lẻ) và mô hình tạp hóa hiện đại để tận dụng số lượng cửa hàng rộng khắp, kết hợp cùng dịch vụ giao hàng, chú trọng vào các mặt hàng nhu yếu phẩm khách hàng có nhu cầu thực.
Đây là lúc các doanh nghiệp bán lẻ nên rà soát, định vị lại mình, có kế hoạch ứng phó với tình hình đại dịch, từ việc đánh giá chất lượng các bộ phận, phòng, ban để nâng cao hiệu suất công việc, chuyển đổi, tăng cường bán lẻ trực tuyến/bán lẻ đa kênh… đến thử nghiệm phương thức làm việc mới và cắt giảm chi phí. 
Cùng với đó, các nhà bán lẻ cần củng cố, thắt chặt quan hệ hợp tác, liên kết với các đối tác; chủ động giữ quan hệ chặt chẽ với nhà sản xuất - cung ứng để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá cả phù hợp.
Quan trọng hơn là cần phải tích cực xây dựng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm thông qua các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tăng cường các công tác marketing trên nền tảng số, gắn liền với sự kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng.
Hiện nay, một trong những khó khăn của kích cầu nội địa là việc làm và thu nhập của người lao động không đảm bảo do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Điều này đã khiến sức mua trên thị trường có chiều hướng suy giảm. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ cần đa dạng hóa các loại hình sản phẩm dịch vụ sát hơn với thị trường và nhu cầu người tiêu dùng.
Hiện dư địa của bán lẻ ở các vùng nông thôn và miền núi còn khá lớn song vẫn chưa khai thác được nhiều. Hy vọng khi loại hình mobile banking phát triển sẽ góp phần lấp đầy khoảng trống thị trường này.
TS. CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng 

Gần đây có ý kiến cho rằng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng nội địa hiệu quả. Song theo tôi, cầu tín dụng hiện nay đang rất yếu, nhu cầu doanh nghiệp vay vốn để làm gì đó mới là vấn đề quan trọng.
Thực tế cho thấy, giảm lãi suất cho vay đang “gãi không đúng chỗ”, bởi đây không phải là điểm nghẽn. Hiện nay, lãi suất ngân hàng đã giảm rất thấp và còn đang tiếp tục giảm, nhưng vẫn không cải thiện được cầu tín dụng vì cầu hấp thụ vốn nền kinh tế còn yếu.
Vì thế, cần có biện pháp thúc đẩy cho vay tiêu dùng lành mạnh. Vay có thể qua kênh ngân hàng, công ty tài chính, hay những loại hình dựa trên nền tảng fintech. Tín dụng tiêu dùng chỉ có thể tăng nhanh nếu Chính phủ có các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa.
Ở chiều ngược lại, kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ tạo dư địa cho thị trường tín dụng tiêu dùng tăng trưởng. Bên cạnh đó, các ngân hàng, công ty tài chính cũng cần nghiên cứu những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người dân. 
Trong giai đoạn vừa phục hồi kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh hiện nay, tín dụng tiêu dùng vẫn là nhu cầu quan trọng của người dân, đặc biệt là phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, dưới chuẩn, không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc góp phần đẩy lùi tín dụng đen, cũng như góp phần vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tín dụng tiêu dùng là cơ sở để tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, nhất là giai đoạn sau dịch bệnh, từ đó thúc đẩy sản xuất và cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng còn góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam và cuối cùng là tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Dịch bệnh đã kéo giảm đà tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tới công ăn việc làm và thu nhập của người lao động, kéo theo làm giảm cầu tín dụng. Dịch bệnh còn khiến rủi ro nợ xấu tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế, người dân khó khăn.
Trong khi cho vay tiêu dùng thường gắn với chu kỳ kinh tế. Khi kinh tế khủng hoảng, khó khăn, vay tiêu dùng, thẻ tín dụng luôn chịu rủi ro nhất. Nhìn chung, năm nay khó khăn nhất với tín dụng tiêu dùng, song nhìn về dài hạn tiềm năng năng trưởng lĩnh vực này ở nước ta vẫn rất tốt. 
PGS.TS NGÔ TRÍ LONG, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả:

Giảm thuế để kích cầu

Để kích cầu tiêu dùng nội địa hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể và chính xác. Kích cầu du lịch đã không đạt hiệu quả, nhất là rủi ro như chúng ta đã chứng kiến trong thời gian vừa qua khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại một số địa phương.
Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp đầu tiên phải làm để có thể kích cầu là phải miễn giảm thuế. Đây cũng là giải pháp nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Thí dụ, có thể nên xem xét đến việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập chẳng hạn.
Sử dụng công cụ thuế có thể là sự lựa chọn hiệu quả lúc này, vì điều này đem lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng và người tiêu dùng, đồng thời gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng hóa, tránh tình trạng tồn kho và kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng các chương trình khuyến mại, cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, doanh nghiệp bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thụ hoặc xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Kích cầu tiêu dùng cũng là giải pháp phù hợp vì khi đẩy mạnh đầu ra, tăng doanh thu, doanh nghiệp mới có thể phát triển. Mặt khác, đây là lúc các cơ quan chức năng cần giảm bớt những thủ tục rườm rà, chi phí bất hợp lý, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. 
Cuối cùng, phải có cách tăng thu nhập cho người lao động. Bởi hiện nay kích cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào bán lẻ là chính. Nhưng ngay cả khi giá thành hàng hóa sản phẩm hạ, khuyến mại thường xuyên, song người dân không có việc làm, không có thu nhập nữa họ sẽ lấy gì để mua hàng?
Điều này đòi hỏi chính sách tài khóa và các gói hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ phải phát huy được hiệu quả, tránh dàn trải và chưa trúng đích như thời gian qua. 
Ông LÊ DUY BÌNH, Giám đốc Economica Vietnam:

Nâng cao thu nhập người tiêu dùng

Để biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa đạt hiệu quả, điều quan trọng đầu tiên là phải bảo vệ và nâng cao được thu nhập khả dụng của người tiêu dùng. Đó mới là cách kích cầu tiêu dùng nội địa bền vững và có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế.
Không cải thiện được mức thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, không mở rộng được tầng lớp trung lưu, các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ không được dựa trên các nền tảng bền vững và sẽ chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.
Bảo vệ và nâng cao thu nhập của người tiêu dùng có thể được thực hiện qua các biện pháp bảo vệ và nâng cao chất lượng việc làm, tạo việc làm, giảm một số loại thuế có ảnh hưởng tới mức thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, hoặc tăng trợ cấp xã hội cho một số đối tượng.
Một số biện pháp chuyển giao tiền mặt như phát tiền cho người dân như một số quốc gia đã thực hiện cũng góp phần tăng mức thu nhập khả dụng của người dân. 
Tín dụng tiêu dùng chỉ là phương tiện và là công cụ để hỗ trợ người dân, người tiêu dùng trong các quyết định chi tiêu, nên tự nó không phải là một sản phẩm hay dịch vụ cần được ưu tiên. Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là hướng đi tốt, tích cực vì hỗ trợ cho cả ngành ngân hàng cũng như người tiêu dùng có nhu cầu hợp lý.
Tuy nhiên, đẩy mạnh quá mức tín dụng tiêu dùng sẽ có nguy cơ đẩy người tiêu dùng vào các bẫy nợ do họ chi tiêu quá mức cần thiết bằng các nguồn tiền vay từ tương lai. Điều này có thể ảnh hưởng tới năng lực và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng trong trung và dài hạn, thậm chí ảnh hưởng tới rủi ro tín dụng của các ngân hàng. 
Ông HOÀNG QUỐC QUYỀN, Giám đốc đối ngoại cấp cao TiKi khu vực miền Bắc:

Sớm hoàn thiện pháp lý thanh toán online

Nền tảng hạ tầng viễn thông của Việt Nam được đánh giá tốt trong khu vực và thế giới, với việc phổ cập 4G của các nhà mạng, internet cáp quang đến mọi vùng miền của đất nước. Cả nước hiện có hơn 100 triệu thuê bao di động, đặc biệt người dùng điện thoại smartphone khoảng 45 triệu và tăng liên tục hàng năm.
Đây là điều kiện để mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online mà Việt Nam được đánh giá là thị trường bùng nổ và tốc độ cập nhật nhanh, hạ tầng kết nối tốt. 
Trong khi đó, việc thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online đang là xu hướng hiện hữu khắp trên thế giới, thì thanh toán trực tuyến tiêu dùng online tại Việt Nam vẫn chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Đó là việc thanh toán dùng tiền mặt khá lớn.
Thí dụ, sàn TMĐT của TiKi 1 tháng khoảng 4,5-5 triệu đơn hàng, số thanh toán online chỉ khoảng 40%, còn lại 60% là tiền mặt. Trong khi ở Indonesia và Malaysia số thanh toán online cho TMĐT khoảng 85%. 
Để người mua hàng sẵn sàng cho việc thanh toán online, không dùng tiền mặt, Chính phủ cần kiên quyết kiểm tra xử lý những sàn TMĐT bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Có chế tài và biện pháp mạnh mẽ, thậm chí rút giấy phép. Chỉ có vậy mới tạo được niềm tin cho người mua sắm và thanh toán online.
Đối với các ngân hàng, cổng thanh toán, nhà mạng, cần tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online cùng với các sàn TMĐT. Việc tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cũng là cách giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và đảm bảo tính tuân thủ. 
Chính phủ đặt mục tiêu đến 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số khoảng 35 tỷ USD. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi và đạt được với sự hỗ trợ của Chính phủ các bộ ngành cho doanh nghiệp TMĐT. 
TS. VÕ TRÍ THÀNH, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:

Công nghệ là yếu tố  then chốt

Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp để cố gắng kích cầu nền kinh tế nói chung và tiêu dùng nói riêng. Các giải pháp đều tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như xuất khẩu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, nỗ lực thu hút các dòng vốn đầu tư FDI có chất lượng cao…
Hiện nay tiêu dùng chiếm đến 70% thu nhập của người dân, nên thay đổi tư duy, thói quen của người dân sẽ giúp kích cầu tiêu dùng nội địa hiệu quả. Song quan trọng nhất, vẫn là cố gắng khống chế được dịch Covid-19. Chúng ta thấy rất rõ các ngành như du lịch, hàng không, khách sạn, vận tải… phục hồi rất nhanh sau đợt dịch lần thứ nhất, nhưng khi dịch bùng phát lại rơi vào suy trầm.
Tôi hy vọng gói cứu trợ lần 2 này của Chính phủ sẽ có quy mô lớn hơn, được thực thi nhanh hơn, trúng đích hơn, không dàn trải và chậm trễ như gói 62.000 tỷ đồng. Khi gói cứu trợ này đến được tay người dân cần sự hỗ trợ, nghĩa là đến đúng địa chỉ, chắc chắn sẽ kích thích tiêu dùng phục hồi trở lại. 
Vấn đề đặt ra lúc này là cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cần tiếp cận sâu hơn tới những công nghệ, giải pháp, nền tảng hậu thuẫn kinh doanh và mua sắm trực tuyến. Về phía doanh nghiệp, cũng cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Doanh nghiệp cần sáng tạo sản phẩm mới và truyền thông bán hàng tốt, cần đáp ứng xu hướng phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội cùng cuộc cách mạng tiêu dùng xanh, thông minh, nhân văn, biểu tượng và cá tính. 

Các tin khác