Khơi thông sản xuất, kích cầu tiêu thụ nội địa

(ĐTTCO)-Ngày 2-7, UBND TPHCM đã khai mạc Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020 với sự tham gia của 486 doanh nghiệp (DN) đến từ 29 tỉnh thành cả nước. Chương trình do Sở Công thương TPHCM thực hiện, diễn ra trong 4 ngày (từ 2 đến 5-7) tại số 19 đường Đào Trinh Nhất, phường Linh Tây, quận Thủ Đức. 
Khơi thông sản xuất, kích cầu tiêu thụ nội địa

Đây là chương trình kích cầu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, mức khuyến mãi bằng hình thức giảm giá lớn nhất, lên tới 90% giá trị sản phẩm.

Hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, thị trường nội địa được xác định là trụ cột trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế. Do vậy, mục đích của chương trình nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo điều kiện, hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tiếp tục phát huy kết quả đạt được của Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa trong các năm qua; tạo điều kiện, hỗ trợ DN giải quyết nhanh lượng hàng tồn kho, phát triển thị trường tiêu thụ trong bối cảnh cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19; góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TPHCM.

DN được hỗ trợ quảng bá sản phẩm thêm 6 tháng
Công ty An Khang Land - đơn vị cho mượn mặt bằng để tổ chức Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020 - cho biết, sau khi chương trình kết thúc, công ty tiếp tục duy trì khu nông sản - đặc sản Việt trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - nhằm hỗ trợ người nông dân, nhà vườn, các DN đến từ 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Khu nông sản - đặc sản Việt sẽ quy tụ các mặt hàng đến từ nhiều vùng miền để giới thiệu trực tiếp với các đối tác và người tiêu dùng, đồng thời quảng bá đến khách du lịch, làm nền tảng để phát triển các thị truờng xuất khẩu trong thời gian tới. Tất cả DN tham gia chương trình sẽ được sử dụng mặt bằng miễn phí liên tục trong 6 tháng, được An Khang Land hỗ trợ về truyền thông.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao việc TPHCM tổ chức Chương trình kích cầu tiêu dùng 2020. Những tháng đầu năm kinh tế cả nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2020, GDP quý 2-2020 chỉ tăng 0,36% - mức tăng thấp nhất trong gần 10 năm qua.

Khu vực dịch vụ và bán lẻ hàng hóa trong 6 tháng giảm tới 1,78% so với cùng kỳ 2019. Trước tình hình trên, Chính phủ yêu cầu cần thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng để tháo gỡ khó khăn về đầu ra sản phẩm cho DN. Do vậy, Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020 do TPHCM phối hợp với các tỉnh thành tổ chức là một trong những giải pháp để triển khai hiệu quả các mục tiêu nêu trên. 

Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020 có quy mô 650 gian hàng. Khu gian hàng của DN TPHCM trưng bày sản phẩm chủ lực, sản phẩm bình ổn thị trường, sản phẩm của DN uy tín do các hội ngành nghề TPHCM giới thiệu. Khu vực gian hàng địa phương do sở công thương các tỉnh thành đăng ký, chủ động trang trí và trưng bày đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của địa phương. Khu tổ chức khuyến mãi tập trung nhằm khuyến khích DN tham gia chương trình triển khai nhiều hoạt động khuyến mãi, giảm giá kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh hoạt động bán hàng, tăng doanh số tại sự kiện. 

Hàng ngàn sản phẩm tham gia khuyến mãi 

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết điểm khác biệt của chương trình năm nay là có tới 90% số DN tham gia chương trình sẽ thực hiện khuyến mãi hàng hóa. Các DN được phép khuyến mãi vượt mức 50% giá trị hàng hóa, thậm chí lên tới 90%, trong thời gian tham gia chương trình. Đây là cơ hội cho các DN gia tăng giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, còn người tiêu dùng sẽ tìm mua được những sản phẩm có giá trị với giá bán rất ưu đãi. Đặc biệt, ban tổ chức cũng thiết kế riêng một khu vực để các DN gặp gỡ, kết nối trực tiếp giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối, giữa các đơn vị sản xuất với nhau, giữa đơn vị sản xuất với DN xuất khẩu. 

Khơi thông sản xuất, kích cầu tiêu thụ nội địa ảnh 1Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến xem các sản phẩm bán tại Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020. Ảnh: CAO THĂNG

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực, hàng đặc sản của các vùng miền, hàng công nghệ phẩm, may mặc của các DN hàng đầu cả nước đều được giới thiệu, trưng bày tại chương trình. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành đầu tư rất công phu cho gian hàng của mình.

Chẳng hạn, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức khu vực với 33 gian hàng, trong đó có 6 gian hàng ẩm thực của Làng bột Sa Đéc, 4 gian giới thiệu hàng đặc sản trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và 21 gian bố trí cho khoảng 50 DN của tỉnh trưng bày các mặt hàng khác. Còn ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho hay Cần Thơ đã đưa 39 mặt hàng chủ lực là gạo thơm, trà, thực phẩm chế biến… để giới thiệu với các đối tác và người dân TPHCM. Đây cũng là cách để Cần Thơ gia tăng hoạt động xúc tiến, hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch, đồng thời tìm kiếm các đối tác chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm. 

Bà Nguyễn Thị Thinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng phụ nữ xã Tân Phú (tỉnh Bến Tre), mang lên 200 kg sầu riêng tham gia hội chợ để giới thiệu với các DN phân phối, người tiêu dùng TPHCM. Chị Lê Thùy Trang, Trưởng phòng Marketing Công ty Thủy hải sản Sài Gòn (APT), mang đến sự kiện gần 30 sản phẩm, trong đó có một số sản phẩm mới là khô cá ba sa, khách rất ưa chuộng. Để kích thích mua sắm, APT đã chạy chương trình giảm giá bình quân 15% - 20% cho tất cả các sản phẩm nhưng nếu khách hàng mua đơn hàng 200.000 đồng sẽ được rút thăm giảm giá thêm, tính chung mức giảm giá lên gần 50%. 

Ngay sau lễ khai mạc, nhiều người dân đã đến tham quan và mua sắm được nhiều sản phẩm có giá trị như hàng điện máy được bày bán tại gian hàng của Công ty Thiên Hòa; các sản phẩm của dệt may Việt Tiến, Nhà Bè, sữa Vinamilk. Các mặt hàng thực phẩm chế biến và tươi sống đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… đều thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. 

Cùng ngày, nhiều hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa DN các tỉnh thành với hệ thống phân phối tại TPHCM đã diễn ra. Điển hình là chương trình kết nối cung - cầu của tỉnh Đồng Tháp với các DN, hệ thống phân phối lớn của TPHCM nhằm gia tăng cơ hội hợp tác đầu tư, mở rộng chuỗi cung ứng từ phân phối đến tiêu thụ, hỗ trợ đưa hàng hóa nông sản, đặc sản của tỉnh và các tỉnh ĐBSCL vào hệ thống phân phối tại TPHCM.

Xây dựng chuẩn an toàn thực phẩm cho vùng

Trong khuôn khổ Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020, buổi chiều cùng ngày đã diễn ra hội thảo “Điều kiện tiêu thụ nông sản thực phẩm tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các sở ngành, DN đến từ các tỉnh thành. Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các DN bán lẻ, DN cung ứng sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, các hợp tác xã nông nghiệp về định hướng thống nhất xác lập các điều kiện an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật cho thu mua, tiêu thụ hàng hóa trong toàn vùng, làm cơ sở để xây dựng Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm giữa TPHCM và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện các tỉnh thành đều cho rằng mong muốn của người nông dân, DN sản xuất là phải bán được hàng. Nếu TPHCM và ban quản lý đề án phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu thống nhất VietGAP với quy chuẩn sản xuất an toàn sinh học áp dụng cho các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và chế biến, tiến tới bắt buộc áp dụng trong cả nước, thì sẽ loại bỏ được tình trạng “sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm”, “cái gì ngon và sạch thì dành cho xuất khẩu còn sản xuất đại trà, không an toàn thì tiêu thụ nội địa”. Nhưng để thực hiện được, cần có thêm cơ chế, chính sách từ phía Trung ương và các địa phương, cũng như cần một lộ trình phù hợp.

Các tin khác