Khó chấp nhận tiền thừa, vốn thiếu

Cuối năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính đã có nhiều động thái thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong phối hợp điều hành chính sách. Thậm chí, lần đầu tiên Thống đốc NHNN đã tới dự hội nghị triển khai kế hoạch của ngành tài chính đặt vấn đề triển khai nhịp nhàng việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh tế - xã hội quý I-2014, có thể thấy sự phối hợp này vẫn chưa hiệu quả tác động không tốt tới quá trình phục hồi tăng trưởng.

Việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa những năm gần đây được xem như yếu tố quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Cuối năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính đã có nhiều động thái thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong phối hợp điều hành chính sách. Thậm chí, lần đầu tiên Thống đốc NHNN đã tới dự hội nghị triển khai kế hoạch của ngành tài chính đặt vấn đề triển khai nhịp nhàng việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh tế - xã hội quý I-2014, có thể thấy sự phối hợp này vẫn chưa hiệu quả tác động không tốt tới quá trình phục hồi tăng trưởng.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thời gian tới tập trung tăng tổng cầu đầu tư, tín dụng, giải quyết nợ xấu; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, quan tâm bố trí vốn đối ứng, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, nhất là công trình giao thông.

Thực tế đến nay, dù đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt như xử lý nợ xấu, cắt giảm lãi suất... dòng vốn tín dụng ra nền kinh tế vẫn bế tắc. Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 31-3, tín dụng mới tăng được 0,01%, trong đó tháng 1 và 2 tăng trưởng âm.

Trong khi đó, thanh khoản hệ thống NH đang rất dồi dào, các tổ chức tín dụng thừa tiền nhưng không cho vay ra được đã phải dùng để mua một khối lượng lớn trái phiếu chính phủ (trong quý I đã phát hành thành công 75.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó riêng các tổ chức tín dụng đã mua 85% tổng số trái phiếu bán ra).

Đó là chưa tính đến khối lượng tiền khoảng 160.000 tỷ đồng NHNN đã bơm ra trong quý I để mua 7,7 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối (trong khi mới hút ròng 11.202 tỷ đồng về qua kênh OMO). Lượng tiền này chưa ra nền kinh tế qua kênh tín dụng, tức vẫn đang nằm trong hệ thống NH.

Phát hành trái phiếu nhiều, nhưng số tiền thu được chủ yếu gửi ở NH, chưa đưa ra nền kinh tế để đầu tư là sự lãng phí lớn. Đến nay việc giải ngân trái phiếu vẫn còn rất chậm, số dư trái phiếu gửi hệ thống NH dao động ở khoảng 63.000 tỷ đồng.

Như phân tích trong bài viết đã đăng tải trên ĐTTC, việc chậm giải ngân vốn trái phiếu cũng như vốn đầu tư công khiến tổng cầu đầu tư không thể tăng và điều này đang khiến dòng vốn tín dụng ách tắc. Ngay cả các dự án công trình đầu tư từ nguồn trái phiếu năm nay được giao rất sớm nhưng vẫn không thể giải ngân được. “Không hiểu sao giải ngân lại chậm thế, dù tiền không thiếu?” -  Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã thốt lên như vậy tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ.

Trước đó, tại hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, vướng mắc nổi bật được đại diện các bộ, ngành, đối tác phát triển nêu ra là nhiều dự án ODA đang thiếu vốn đối ứng trầm trọng. Và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến vốn ODA chậm được giải ngân tại nhiều dự án lớn.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phải hỏi ngay: “Vậy trên 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu mà Chính phủ đã phân bổ ở đâu?”. Không ai dự hội nghị có câu trả lời rõ ràng về vấn đề này, chỉ biết rằng theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, đến nay bộ này mới được giao khoảng 2.500 tỷ đồng vốn đối ứng, đang còn thiếu khoảng 5.700 tỷ đồng nữa cho nhu cầu của năm 2014.

Tiền trong hệ thống NH đang thừa, tiền đầu tư công từ nguồn vốn trái phiếu cũng thừa, nhưng vốn đầu tư lại thiếu. Đây quả là nghịch lý khó có thể chấp nhận được trong bối cảnh chính sách đang nỗ lực vào mục tiêu tăng tổng cầu đầu tư để tạo động lực tăng trưởng. Nguyên nhân của nghịch lý này do đâu cần sớm được làm rõ. Có thể ngành tài chính sẽ viện dẫn lý do thủ tục khiến giải ngân chậm, nhưng đã xác định phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa tại sao không tính trước điều này? Trong phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tính toán lại việc phát hành trái phiếu phù hợp để tránh tăng chi phí. Yêu cầu này cần được thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm trong thời gian sớm nhất, để giải quyết ngay nghịch lý tiền thừa, vốn thiếu đang gây tác động trì trệ nền kinh tế.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là ngành NH phải nỗ lực hơn nữa trong việc khơi thông dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp. Dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không dám vay vì hoạt động sản xuất kinh doanh còn rất khó khăn. Một hướng mở được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý là NH cần xem xét hạ lãi vay cũ cho doanh nghiệp. NHNN cần xem xét cơ cấu lại các khoản nợ cũ cho doanh nghiệp khó khăn đang có triển vọng phát triển, phục hồi. Xử lý được điều này mới thực sự tạo được hiệu quả trong phối hợp chính sách.

Các tin khác