Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp thống nhất dự thảo nghị quyết chính quyền đô thị tại TPHCM

(ĐTTCO) - Ngày 29-9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị thẩm định dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC
Sức bật cho TPHCM phát triển bền vững
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ, đây là buổi xin ý kiến rất quan trọng để đánh giá tổng thể đề án và dự thảo nghị quyết của Quốc hội, nhất là mô hình và cơ sở pháp lý thực hiện, từ đó giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện đề án tổ chức chính quyền đô thị để trình các cơ quan Trung ương. 
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, dự thảo nghị quyết được bố cục thành 14 điều; trong đó quy định cụ thể tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM; đề xuất, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND TPHCM… và các quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường từ ngày 1-7-2021. Nghị quyết khi được Quốc hội ban hành sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao chất lượng hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với tính chất là đô thị đặc biệt lớn nhất nước. 
 Trong quá trình xây dựng, TPHCM đã khảo sát, đánh giá nhiều chiều, tiếp thu nhiều ý kiến các cơ quan từ Trung ương tới địa phương, ý kiến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM, các chuyên gia, các nhà khoa học để đảm bảo chất lượng đề án. Ngày 25-9, Bộ Nội vụ đã chủ trì hội nghị thẩm định đề án, thông qua đề án này với 100% đại biểu đồng ý
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong
Là đơn vị trình đề án, ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), khẳng định sự cần thiết của đề án này và cho rằng, TPHCM đã có 7 năm thực tiễn triển khai thí điểm chính quyền đô thị không tổ chức HĐND trên tất cả các quận, huyện, phường - đây là cơ sở thực tiễn quan trọng.
Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý được quy định tại khoản 2, Điều 111 Hiến pháp 2013, cùng với đó, tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đã thể chế tinh thần của Hiến pháp đã nêu: “Chính quyền địa phương ở quận là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND quận, phường trừ trường hợp Quốc hội có quy định khác”. Như vậy, những quy định trên đã “mở đường” cho việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM mà không cần thí điểm. Ông Phan Văn Hùng cũng khẳng định, hồ sơ đến nay đã hoàn thiện và đưa ra Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp, đủ điều kiện xem xét trình Chính phủ và Quốc hội.
Đủ cơ sở pháp lý để thực hiện
Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết, trên cơ sở chung của nội dung dự thảo nghị quyết, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành văn bản liên quan tới tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, nhất trí với nội dung của dự thảo nghị quyết. Một số băn khoăn được giải đáp thấu đáo tại hội nghị. Trong đó, nhiều ý kiến quan tâm nhất, như: dự thảo nghị quyết đã bao quát được hết khoảng trống để lại của HĐND quận, phường hay chưa? Đã dự liệu được những tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn khi triển khai, thi hành? Việc giải quyết mối quan hệ giữa cơ chế thủ trưởng và các cấp ra sao?…
Nhận định về sự cần thiết của đề án và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, việc tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện, trong đó Nghị quyết số 18 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn về tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo… Bên cạnh đó, trong Hiến pháp cũng quy định rõ tại Điều 111, đây là những quy định “mở” để khi đủ điều kiện sẽ có những đổi mới nhất định trong xây dựng mô hình chính quyền địa phương, tạo sự linh hoạt giữa xây dựng chính quyền đô thị và nông thôn. 
Cùng với đó, cơ sở pháp lý quan trọng có trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức Chính phủ đã sửa đổi một số điều theo hướng thể hiện sự “linh hoạt” trong xây dựng chính quyền đô thị. “Cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý đã đầy đủ để xây dựng nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. TPHCM là một trong 2 đơn vị hành chính lớn trên cả nước, là trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội quan trọng, là thành phố có đóng góp lớn nhất vào sự phát triển chung cả nước.
TPHCM cũng đã có kinh nghiệm 7 năm không tổ chức HĐND quận, huyện phường, đây là cơ sở thực tiễn quan trọng”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh và góp ý, để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại các quy định hiện hành về tính đặc thù, phù hợp với các quy định, nếu có đặc thù đề nghị giải trình trong tờ trình. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết, Bộ Tư pháp sẽ gấp rút hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ thông qua trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn đối với dự thảo nghị quyết này.
 Mô hình chính quyền tinh gọn, hiệu quả
Theo Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng, mục tiêu khi thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM sẽ được tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách, đổi mới chính quyền địa phương, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền thành phố nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố trên các lĩnh vực; phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của thành phố để phát triển bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hình thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao tính minh bạch, năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng đô thị thông minh, nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của thành phố; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giải quyết tốt các cung cầu của người dân, doanh nghiệp, phát huy các hình thức dân chủ trực tiếp, góp phần xây dựng hệ thống chính quyền chính trị vững mạnh…

Các tin khác