Hỗ trợ tiền mặt, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tiểu thương TPHCM

(ĐTTCO) - Sở Công Thương TPHCM đề xuất chi hơn 55 tỷ đồng để hỗ trợ tiểu thương tại các chợ truyền thống do kinh doanh khó khăn vì Covid-19. Người lao động tại 3 chợ đầu mối và các chợ cấp 1, cấp 2 của thành phố cũng được kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.

Trong đề xuất UBND TPHCM các giải pháp hỗ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021, Sở Công Thương TPHCM cho biết qua nắm bắt tình hình hoạt động của các chợ nói chung và thương nhân tại các chợ nói riêng, hiện mãi lực tại các chợ truyền thống ngày càng giảm. Thương nhân gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Kể từ khi Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, hàng loạt chợ truyền thống tại TPHCM dần vắng khách. Tính đến nay đã là làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam, tiểu thương tại chợ càng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, một số chợ chuyên phục vụ khách du lịch điêu đứng hoàn toàn, nhiều người bỏ sạp vì không thể cầm cự nổi.

Hỗ trợ tiền mặt, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tiểu thương TPHCM ảnh 1 Sở Công thương TPHCM đề nghị hỗ trợ tiền mặt cho tiểu thương các chợ vì kinh doanh khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: H. Minh
Do đó, Sở Công Thương kiến nghị UBND TPHCM trình HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương hỗ trợ trực tiếp thương nhân kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn.

Cụ thể, phạm vi áp dụng là các chợ truyền thống theo quy hoạch của thành phố, do UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện quản lý, bao gồm chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Đối tượng được hỗ trợ là các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại chợ có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ. Đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; có mã số thuế và theo danh sách thương nhân kinh doanh tại chợ do các đơn vị quản lý chợ quản lý.

Sở Công Thương TPHCM đề xuất mức hỗ trợ tiền 1 tháng được tính bằng 50% trên mức thu phí chợ cao nhất, được quy định tại Quyết định số 24/2007/QĐ-UBND ngày 12-2-2007 của UBND TP về việc quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chợ trên địa bàn TPHCM.

Cụ thể, chợ hạng 1 mức thu không quá 200.000 đồng/m2/tháng. Chợ hạng 2 mức thu không quá 140.000 đồng/m2/tháng và chợ hạng 3 mức thu không quá 100.000 đồng/m2/tháng.

Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 5 đến tháng 8-2021.

Theo tính toán, kinh phí hỗ trợ thương nhân mức trung bình là 200.000 đồng/m2/tháng, diện tích trung bình của 1 điểm kinh doanh là 3m2 bằng 600.000 đồng/điểm/tháng.

Tổng số điểm kinh doanh trên địa bàn TPHCM hiện là 72.510 điểm. Trong đó, sạp chợ bỏ trống, không kinh doanh là 10.844 điểm; sạp chợ kinh doanh là 61.666 điểm. Dự kiến tổng số tiền là 18,499 tỷ đồng/tháng. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ 3 tháng là 55,499 tỷ đồng.
Hỗ trợ tiền mặt, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tiểu thương TPHCM ảnh 2
Hỗ trợ tiền mặt, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tiểu thương TPHCM ảnh 3 Kinh doanh ế ẩm, liên tục đóng cửa chống dịch, nhiều tiểu thương các chợ hết vốn gồng gánh, cho thuê lại quầy sạp. Ảnh: TTBC
Trước đó, Sở Công Thương TPHCM cũng đề xuất, kiến nghị xem xét bổ sung đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 đối với thương nhân, nhân viên và người lao động tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn, cùng một số chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn.

3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn chiếm 60-70% thị phần cung cấp các loại hàng hóa, lương thực, thực phẩm như rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản cho người dân TPHCM. Tổng số người lao động tại cả 3 điểm kinh doanh này khoảng 21.000 người, gồm thương nhân, lực lượng lao động thường xuyên và bốc xếp.

Sở Công Thương TPHCM đánh giá cần thiết phải bổ sung người lao động làm việc tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn và một số chợ hạng 1, hạng 2 tại TP vào nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Bởi các chợ nói chung và chợ đầu mối nói riêng rất quan trọng, là nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu trong khi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 lại rất cao.

Đầu tháng 6, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Thủ tướng xem xét, bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa) vào danh sách được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiêm vaccine phòng Covid-19.

Các tin khác