Hạ tầng hàng không kìm hãm ngành du lịch

(ĐTTCO)-Phát triển hạ tầng hàng không không chỉ để phục vụ riêng cho du lịch, nhưng hiện nay du lịch đang là khách hàng lớn của ngành hàng không. Vấn đề là làm gì để tháo gỡ những nút thắt đang cản trở sự phát triển của hạ tầng hàng không, giúp du lịch cất cánh. 
Hạ tầng hàng không kìm hãm ngành du lịch
Khép lại năm 2019, ngành du lịch tiếp tục ghi dấu ấn khi đón 18 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có khoảng 14,4 triệu khách đi bằng đường hàng không (tương đương 80% tổng lượng khách). Có những đường bay khách du lịch chiếm 100% chỗ ngồi (đó là các đường bay du lịch hoặc thuê bao chuyến bay từ nhiều thị trường đưa khách đến Việt Nam).
Với khách du lịch nội địa, khoảng 1/4 lượng khách sử dụng hàng không làm phương tiện vận chuyển (tương đương 21,2 triệu lượt hành khách). Đó là chưa tính lượng khách trong nước đi du lịch nước ngoài bằng máy bay. 
Bước qua năm 2020, ngành du lịch dự kiến đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa. Con số chắc chắn chưa dừng ở đó, khi tăng trưởng du lịch của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới lên tới 14-15%.
Như vậy, lượng khách sử dụng đường hàng không cũng theo đó tăng lên trong những năm tới. Không chỉ vận chuyển khách đơn thuần, ngành hàng không và du lịch còn bắt tay nhau nhằm quảng bá đất nước, con người, du lịch Việt Nam ra thế giới. 
Tuy nhiên, những năm gần đây hạ tầng hàng không Việt Nam lại đang trong tình trạng quá tải, nếu không sớm có giải pháp cho vấn đề này, sự phát triển của ngành du lịch sẽ bị kìm hãm vì không có nhiều khách thích đi du lịch bằng đường biển hoặc đường bộ.
Theo số liệu thống kê hiện Việt Nam có 22 sân bay thương mại, trong đó có 4 sân bay lớn nhưng đều đang trong tình trạng quá tải công suất thiết kế. Đó là sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Nha Trang, thậm chí ngay cả sân bay Phú Quốc cũng sắp đến ngưỡng vượt công suất.
Có điều rất đáng chú ý, dù có 22 sân bay nhưng tổng công suất các sân bay Việt Nam chỉ ngang bằng các sân bay trong khu vực như Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)...  
Tại Diễn đàn cấp cao về du lịch hồi cuối năm 2019, nhiều diễn giả đã cùng đồng tình rằng để giải quyết việc quá tải hạ tầng hàng không ở những sân bay lớn, một trong những giải pháp được nhắc tới chính là xã hội hóa mạnh hơn để tư nhân có thể chung tay đầu tư hạ tầng.
Thực tế việc tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng hàng không hoàn toàn không xa lạ với nhiều nước. Nhiều quốc gia như Australia, Anh, Mỹ, Thái Lan... cho tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không và quản lý vận hành nên đạt chất lượng rất tốt.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, một trong những người từng tham gia nhiều diễn đàn bàn về quá tải hạ tầng hàng không Việt Nam, nhìn nhận: “Những giải pháp ngắn hạn từng được bàn tới như tối ưu hóa công suất các sân bay nhỏ lẻ, hoặc sử dụng máy bay tiết kiệm nhiên liệu để bay đến các sân bay nhỏ lẻ, có thể mang lại hiệu quả nhưng không giải quyết được về lâu dài. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là hợp tác công tư, huy động nguồn vốn tư nhân. Cách đây 4 năm, chủ trương hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng hàng không là xu hướng chủ đạo. Cụ thể, Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, Bộ Giao thông-Vận tải lại đề xuất giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư sân bay Long Thành, như vậy là loại bỏ thành phần tư nhân năng động".
Hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài khá quan tâm đến lĩnh vực hàng không của Việt Nam. Song họ lại đang trong trạng thái chờ “Việt Nam dọn dẹp nhà sạch sẽ”, có chính sách thông thoáng, minh bạch rồi sẽ nhảy vào đầu tư.
Nên chăng, Chính phủ nên quay lại chủ trương cho tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng hàng không, cùng với việc tháo gỡ những nút thắt trong chính sách, giúp ngành hàng không phát triển, từ đó hỗ trợ du lịch tăng tốc, bứt phá. 

Các tin khác