Ngày 7/4, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố vừa đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19.
Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ bổ sung nguồn vốn ngân sách ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố năm 2020 với số tiền 650 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu vốn cần thiết bổ sung để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh COVID-19, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Ngoài ra, thành phố cũng kêu gọi đóng góp, huy động nguồn lực toàn xã hội chung tay giúp đỡ người nghèo, khó khăn và thiếu việc làm vượt qua thời gian này.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố sau khi được cấp vốn cần chủ động phối hợp với các địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác tập trung giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng để các đối tượng này khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và theo thứ tự ưu tiên.
Thành phố cũng nêu rõ thứ tự đối tượng ưu tiên để dễ thực hiện, trước tiên cho hộ được giãn nợ, gia hạn nợ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh; kế tiếp là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn; sau đó là các đối tượng chính sách khác và cuối cùng là cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút lao động, nhất là những cơ sở nhiều lao động.
Còn đối với ngành nghề cho vay, ưu tiên các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung ứng lương thực, thực phẩm, y tế cho nhân dân và các ngành nghề dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho biết đang chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo hội đoàn thể nhận ủy thác và phối hợp với chính quyền cấp xã tổ chức bình xét cho vay công khai, đúng đối tượng thụ hưởng, không để tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách. Ngân hàng cũng chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, không để phát sinh nợ xấu.
Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo, sau đợt giao vốn ủy thác này cần đánh giá hiệu quả và cách làm, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục bố trí vốn đợt tiếp theo từ nguồn kết dư ngân sách thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
Các tin, bài viết khác
7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức của TPHCM
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác điều hành giá năm 2021
TPHCM: Tiểu thương chợ truyền thống nỗ lực giữ chân khách hàng
Lâm sản và đồ gỗ xuất siêu kỷ lục
Doanh thu ngành du lịch TPHCM giảm hơn 55.000 tỷ đồng
Giữ nguyên 3 chi cục thuế ở TP Thủ Đức
TPHCM: 3 kịch bản đón khách du lịch trong 2021
60 tấn gạo Việt Nam đầu tiên được nhập khẩu vào Anh theo UKVFTA
TPHCM: 5 năm tiết kiệm hơn 4.500 tỷ đồng từ sử dụng điện
Bức tranh kinh tế Việt Nam qua lăng kính các tổ chức quốc tế