Giảm nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Ngày 3-7, tại cuộc họp bàn về giải pháp giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho doanh nghiệp ngành chế biến lương thực thực thực phẩm do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp với Hội Lương thực thực phẩm TPHCM tổ chức.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, giá trị sản xuất ngành chế biến lượng thực thực phẩm đang tăng trưởng tốt. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng đến từ dịch Covid-19, giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, doanh nghiệp cần khắc phục những rủi ro trong việc đứt gãy nguồn nguyên liệu sản xuất. Hiệp hội Lương thực thực phẩm cho biết, hiện nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước đã giảm xuống còn mức trên dưới 40%. Thế nhưng, đây là nguyên liệu tinh chế mà trong nước chưa có nhà máy đầu tư sản xuất hoặc có sản xuất nhưng chỉ cung ứng trong chuỗi chứ không phân phối cho thị trường nội địa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh thu hút có chọn lọc những doanh nghiệp sản xuất tinh nguyên liệu đi kèm yêu cầu phải trích tỷ lệ sản xuất nhất định để cung ứng cho thị trường trong nước.

Bà Đỗ Thúy Vân, đại diện UNDP tại Việt Nam, cho biết, cùng với những giải pháp thu hút mạnh đầu tư, UNDP cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện đẩy mạnh chương trình cam kết kinh doanh liêm chính nhằm gia tăng chỉ số năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như kinh tế quốc gia. Việc triển khai cam kết này không chỉ triển khai trong hệ thống công quyền mà sẽ mở rộng đến các doanh nghiệp.

Khảo sát gần đây do UNDP thực hiện cho thấy, có đến hơn 50% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang phải chi trả những chi phí không chính thức. Điều này đã và đang làm giảm chỉ số năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như kinh tế quốc gia. Xuất phát từ thực tế đó, Chính phủ đã quyết liệt xử lý những tiêu cực trong hệ thống quản lý hành chính, đặc biệt là giảm tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng trong hệ thống công quyền. Về phía doanh nghiệp, đã có 14 hiệp hội doanh nghiệp đã ký cam kết thực hiện kinh doanh liêm chính.

Các tin khác