Giá dầu giảm chưa tạo tác động lan tỏa

(ĐTTCO) - Diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới những ngày gần đây lại khiến nhiều người lo lắng. Cuối tuần trước, giá dầu thô tại thị trường Hoa Kỳ bất ngờ tăng 12% nhưng tới đầu tuần lại giảm 1,7%, chỉ còn 28,95USD/thùng và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ trở về mức 40USD/thùng. So với cùng kỳ năm trước, giá dầu thô đã giảm 44%, còn nếu tính từ đỉnh giá 108USD/USD hồi giữa năm 2014, giá dầu thô hiện sụt giảm tới 72%.

(ĐTTCO) - Diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới những ngày gần đây lại khiến nhiều người lo lắng. Cuối tuần trước, giá dầu thô tại thị trường Hoa Kỳ bất ngờ tăng 12% nhưng tới đầu tuần lại giảm 1,7%, chỉ còn 28,95USD/thùng và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ trở về mức 40USD/thùng. So với cùng kỳ năm trước, giá dầu thô đã giảm 44%, còn nếu tính từ đỉnh giá 108USD/USD hồi giữa năm 2014, giá dầu thô hiện sụt giảm tới 72%.

 

Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, giá dầu thô lao dốc có những ảnh hưởng khác nhau đến các nước châu Á. Trong đó, Thái Lan được hưởng lợi nhiều nhất, trong khi Việt Nam và Malaysia bị thiệt hại nặng nề nhất. Châu Á hiện vẫn là khu vực nhập khẩu dầu thô lớn nhất toàn cầu, với tổng khối lượng nhập khẩu tương đương phần còn lại của thế giới cộng lại dù kim ngạch đã giảm khá mạnh kể từ năm 2013 đến nay.

Theo Fitch, Việt Nam là nước duy nhất phải chứng kiến chi phí nhập khẩu ròng tăng với mức tăng 1% GDP do lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Ở hầu hết các nước, mức giảm trong chi phí nhập khẩu dầu đã được chuyển hóa sang cán cân vãng lai, ngoại trừ Việt Nam và Malaysia.

Hồi giữa tháng 1-2016, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết giá dầu thô trong dự toán năm 2016 đã được Quốc hội thông qua là 60USD/thùng, nhưng trước diễn biến giá dầu liên lục giảm, Bộ Tài chính đã xây dựng các kịch bản về giá dầu thô trong năm 2016 là 55, 50, 45, 40, 35, 30USD/thùng để làm cơ sở điều hành dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nếu giá xăng dầu giảm xuống, chúng ta phải điều hành thật tốt để bảo đảm chi phí đầu vào của nền kinh tế, doanh nghiệp, chi phí đầu vào của sản phẩm Việt Nam phải giảm theo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khi giá dầu thô giảm sẽ tác động cả hai mặt tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế. Theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), nếu giá dầu giảm 1USD/thùng, doanh thu của PetroVietnam sẽ giảm tới 5.400 tỷ đồng, nộp NSNN giảm 1.500 tỷ đồng. Với dự toán giá dầu thô 60USD/thùng, nhưng giá thực tế chỉ còn 30USD/thùng, nhiều khả năng năm 2016 ngân sách sẽ giảm thu tới 45.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mặt tích cực của việc giá dầu giảm đem lại là những ngành tiêu thụ dầu được hưởng lợi vì giảm chi phí, giá thành hàng hóa sẽ giảm. Giá xăng dầu thấp sẽ giúp chỉ số giá cả, lạm phát được kiểm soát chắc chắn hơn. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tính đến những khía cạnh khác về tiền tệ, như lãi suất, tỷ giá hối đoái. Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hai mặt tích cực và tiêu cực của việc giá dầu thô giảm đều rõ ràng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính hoặc Bộ KH-ĐT cần tính toán cụ thể, đưa ra những kịch bản lợi, hại như thế nào, chẳng hạn nếu sắp tới xuống còn 25, 20USD/thùng thì sao? “Nếu không giá giảm xuống thấp hơn nữa sẽ đối phó không kịp” - TS. Trần Đình Thiên lo ngại.

Trên thực tế, việc phát huy mặt tích cực, tận dụng cơ hội giá xăng dầu giảm mang lại vẫn chưa được như mong muốn. Hôm nay (18-2) đúng vào ngày giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày. Dự báo với diễn biến giá dầu thô những ngày qua, giá xăng bán lẻ có thể giảm tiếp thêm khoảng 500 đồng/lít. Nếu đúng kịch bản này, đây sẽ là lần giảm giá thứ 4 liên tiếp của xăng dầu trong năm 2016, và là lần giảm thứ 9 liên tục kể từ ngày 19-10-2015. Tuy nhiên, cho đến nay giá cước vận tải vẫn còn khá cao, không giảm tương ứng với mức giảm của giá xăng dầu. Nếu không có sự chuyển biến về vấn đề này trong thời gian tới, chắc chắn cơ hội tận dụng mặt tích cực của giá dầu sẽ trôi qua, và tác động tiêu cực sẽ tăng lên. Nếu chúng ta không có một hệ thống quản lý giá thật tốt sẽ khó can thiệp hành chính vào vấn đề giá cước vận tải.

Vấn đề đặt ra là giám sát thị trường phải có biện pháp điều tiết mang tính hành chính. Biện pháp đó phải công tâm để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng năng lượng. Bên cạnh đó, chế tài của Nhà nước phải đủ mạnh để bảo vệ lợi ích thị trường. Nếu xăng dầu giảm sâu nhưng không đi vào được sản xuất sẽ không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, bởi quyền lợi đã rơi vào nhóm lợi ích, nhóm doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng này, chứ không phải cho mọi người, không gây tác động tích cực lan tỏa vào nền kinh tế. Một khi thị trường bị méo mó và xã hội không được lợi, nền kinh tế vẫn cứ èo uột.

Các tin khác