GDP tăng, thu nhập có tăng?

(ĐTTCO)- Báo ĐTTC số 78 ra ngày 26-10 trên chuyên mục Thời luận có bài phân tích của TS. Bùi Trinh: “Bài toán GDP và nợ công”. Trong đó tác giả hàm ý năm 2020 kinh tế thế giới suy trầm nhưng GDP Việt Nam vẫn tăng trưởng do đâu. Trong số báo này, tác giả tiếp tục phân tích GDP tăng trưởng thu nhập đầu người có được hưởng lợi? 
Một trong những đánh giá sự thành công hay thất bại của chính sách kinh tế Việt Nam là loại thu nhập nào sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng GDP. Nghiên cứu sử dụng bảng cân đối liên ngành của Việt Nam nhằm ước tính sự lan tỏa của cầu cuối cùng đến từng nhóm thu nhập, qua đó đề xuất một số hàm ý cho việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô.
Thực ra Việt Nam chưa tính được GDP theo phương pháp thu nhập, các loại thu nhập chỉ có được khi có bảng cân đối liên ngành. Trong nghiên cứu này, giá trị gia tăng được chia thành các nhóm: thu nhập của các loại lao động (lao động trong khu vực nhà nước, lao động trong khu vực ngoài nhà nước và trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) và thặng dư sản xuất của các doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI).
Tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2009-2019 khoảng 6,3%. Đây là mức tăng trưởng khá cao đối với các nước trên thế giới và trong khu vực, tuy năm 2020 tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể thấp hơn do các nguyên nhân như dịch bệnh và thiên tai.
Nhưng lưu ý là tăng trưởng GDP của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Trước khi ra nhập WTO, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1990-2000 của Việt Nam khoảng 7,7%, giai đoạn 2000-2009 sụt giảm còn 6,8% và từ 2009-2019 còn 6,3%.
Như vậy trước khi tham gia hội nhập và giai đoạn hiện nay tăng trưởng GDP bình quân giảm 1,4%. Nhìn vào cơ cấu GDP theo thành phần kinh tế giai đoạn 2007-2019, cho thấy đóng góp vào GDP của Việt Nam cơ bản do khu vực kinh tế tư nhân.
Trong suốt 12 năm 2007-2019 tỷ lệ này hầu như không đổi. Trong khi đó tỷ trọng kinh tế nhà nước giảm khoảng 5%, thay vào đó khu vực FDI tăng khoảng 5%. 
Từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy sự gia tăng về nhu cầu cuối cùng tạo ra thu nhập của người lao động khu vực ngoài nhà nước cao nhất, khi 100 đồng tăng lên về cầu cuối cùng tạo ra 19 đồng thu nhập, và thấp nhất là khu vực FDI khi 100 đồng cầu cuối cùng chỉ tạo ra cho thu nhập 6 đồng. Các ngành lan tỏa từ nhu cầu cuối cùng đến thu nhập tốt nhất là nhóm các ngành dịch vụ. 
Tính toán cũng cho thấy tác động do nhu cầu cuối cùng trong nước đối với thặng dư sản xuất thấp hơn nhiều so với thu nhập của người lao động. Khi cầu cuối cùng trong nước tăng lên 100 đồng tạo ra thặng dư sản xuất 14 đồng và tạo ra thu nhập của người lao động 43 đồng.
Một số ngành thặng dư sản xuất được lan tỏa rất mạnh từ nhu cầu cuối cùng như sản xuất và phân phối điện, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bất động sản. Đặc biệt ngành điện và kinh doanh bất động sản có chỉ số lan tỏa về thặng dư rất lớn, cao gấp 2 lần mức trung bình của nền kinh tế. Tuy nhiên 2 nhóm ngành này lan tỏa đến thu nhập của người lao động rất thấp, gần như thấp nhất trong số các ngành được nghiên cứu. 
Bên cạnh đó, đầu tư của khu vực FDI và xuất khẩu hàng hóa hầu như chỉ được lan tỏa đến chính nó, không có bất kỳ tác động lan tỏa đáng kể nào đối với các khu vực khác như mong muốn của Chính phủ và công chúng khi bước vào hội nhập quốc tế.
Khu vực FDI và các hoạt động kinh tế trong nước dường như không có nhiều sự gắn kết, do đó nỗ lực của Chính phủ trong việc thu hút FDI thông qua các ưu đãi thuế và các điều kiện thuận lợi khác, đã không thu được kết quả trong lĩnh vực này. Điều này cho thấy dường như có 2 nền kinh tế khu vực nội và khu vực FDI độc lập trong nền kinh tế Việt Nam.
Từ những kết quả trên tác giả mạo muội đưa ra 3 kiến nghị: (1) Tất cả thành phần kinh tế cần được đối xử công bằng và minh bạch. (2) Nâng cao năng suất lao động. (3) Cần lựa chọn cấu trúc kinh tế thích hợp.

Các tin khác