Đường sắt vẫn thiếu cơ chế thu hút đầu tư

(ĐTTCO)-Trong khi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam còn đang gây tranh cãi về mức đầu tư khủng 58 tỷ USD và chưa biết đến khi nào mới ngã ngũ, thì đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đang phải đối diện với thực tế bi đát là chỉ gánh được 1% thị phần vận tải.
Đường sắt vẫn thiếu cơ chế thu hút đầu tư

Tại cuộc tọa đàm diễn ra ngày 25-9 tại Hà Nội, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các chuyên gia, nhà quản lý đã có nhiều ý kiến về việc làm thế nào để thúc đẩy đường sắt phát triển trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư hạn chế.

Ngành đường sắt không còn đủ sức tự vực dậy

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, cần phải thẳng thắn nhìn nhận là Nhà nước chưa có tầm nhìn chiến lược về quy hoạch đường sắt. Giao thông đường sắt và đường thủy cần phải được ưu tiên bởi đây là những phương thức vận tải có chi phí rẻ nhất. Bên cạnh đó, ngành ĐSVN đã để mất thời gian quá dài chỉ trông chờ vào đầu tư của Nhà nước mà không chịu đổi mới để theo kịp tốc độ phát triển chung.

Với hiện trạng quá tụt hậu như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, ngành ĐSVN đã gần như không còn đủ sức để tự vực dậy. Cách duy nhất để ngành tồn tại là kinh doanh thoi thóp cộng với nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng hàng năm, khoảng 2.000 tỷ đồng từ ngân sách. Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN, nêu lý do trì trệ của ngành, đó là vốn ngân sách chỉ đáp ứng 30%-40% duy tu bảo dưỡng. Ngành cứ trình lên 1.000 hạng mục thì bỏ lại 600 hạng mục, mỗi năm tích tụ lại như vậy, đến nay, đường sắt trở thành “thân thể già nua”.

Giải thích về đầu tư cho đường sắt, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, trong kế hoạch đầu tư công từ năm 2016-2020, số vốn ngành GTVT nhận được đối với số vốn ngân sách trung ương là 21%. Trong đó, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng đường sắt đã tăng lên 11,9% trong tổng vốn toàn ngành GTVT giai đoạn 2016-2020 so với mức 4,44% của giai đoạn 2011-2015. Ông Lê Thành Quân đánh giá, việc phân bổ nguồn lực cho ngành đường sắt của Bộ GTVT đã tương đối phù hợp với thị phần của đường sắt trong chiến lược phát triển GTVT năm 2020 và tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, mức đầu tư này chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và cần có cơ chế để thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội.

Cần có sự bảo lãnh nhất định của Nhà nước?

Vậy đường sắt có sức hấp dẫn thế nào với các nhà đầu tư? Câu trả lời là nhà ga và kho bãi là khâu dễ thu hút được nguồn lực xã hội nhất. Theo ông Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khai thác dịch vụ nhà ga thành nơi kết hợp với trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM... là rất cần thiết. Vì thế, nên làm thí điểm trước. Mời gọi những tập đoàn, nhà đầu tư lớn, đầu tư dài hạn để có thể giữ được vẻ đẹp, kiến trúc của các nhà ga và phải có phân tích chi phí lợi ích toàn diện, kỹ lưỡng, chắc chắn khi thực hiện.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, vướng mắc hiện nay là việc giao nhà ga cho nhà đầu tư khai thác. Bởi, chúng ta đang nhầm giữa đầu tư và sở hữu, chưa đồng bộ về cơ chế trong việc thu hút; quản lý về đất đai còn hạn chế, hành lang pháp lý chưa đồng bộ. Về việc nhiều tỉnh, thành hiện nay đang có xu hướng muốn đẩy nhà ga ra khỏi nội đô, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN, cho rằng, bài học tháo dỡ các tuyến đường sắt xuống cảng biển đã nhìn thấy hậu quả. Nếu tiếp tục di dời ga ra ngoài nội đô, sẽ có bài học lớn hơn nữa. Vì nhu cầu của người dân là có thật, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương là tạo sự thuận lợi cho người dân chứ không phải tạo sự thuận lợi cho quản lý nhà nước.

Trước những bất cập về đầu tư đường sắt được mổ xẻ, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, là ngành đặc thù, kinh phí đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài, nếu không có sự bảo lãnh nhất định của Nhà nước về doanh thu thì rất khó thu hút được nguồn lực xã hội. Đặc biệt, cần xác định rõ vai trò của tư nhân và Nhà nước mới có thể tạo ra bức tranh chung của đầu tư trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế.

Trước mắt, để khắc phục tình trạng đường sắt không có kho bãi đủ tiêu chuẩn để xếp dỡ, làm cho chi phí xếp dỡ tăng lên, Tổng công ty ĐSVN đã báo cáo Bộ GTVT và Xây dựng, trình Chính phủ đề án khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt với mong muốn có được cơ chế để trực tiếp đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư vào các kho bãi đủ điều kiện tiêu chuẩn đưa phương tiện bốc xếp.

Các tin khác