Đừng để cỗ xe tam mã chỉ còn hai

(ĐTTCO)-Covid-19 đang biến các thành phố công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang thành các ổ dịch lớn và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng là rất lớn, nếu không có các giải pháp khẩn trương và hiệu quả. Khi đó, các động lực duy trì hoạt động kinh tế và đảm bảo tăng trưởng vốn đã thành công trong thời gian qua là: đầu tư công - tiêu dùng nội địa và xuất khẩu được ví như cỗ xe tam mã thì lúc này chỉ còn lại hai.
Đừng để cỗ xe tam mã chỉ còn hai
Những thành công quá khứ
Cho dù là chống dịch, giảm đau kinh tế hay các giải pháp phục hồi kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trong một năm qua đều là những thành công rõ ràng, không cần bàn cãi.
Có quan điểm cho rằng khi áp dụng Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ vì chúng ta quá mạnh tay và thiếu kinh nghiệm, nên lệnh giãn cách và phong tỏa được áp dụng trên phạm vi toàn quốc thay vì chỉ cách ly từng vùng/địa phương có dịch, đã gây ra những hậu quả về kinh tế nặng nề. 
Tôi cho rằng lập luận như vậy là không thỏa đáng. Vì thời điểm đó, cách nay một năm thì không thể nói là có kinh nghiệm hay thiếu kinh nghiệm, mà phải nhìn nhận rằng hầu như tất cả đều hoàn toàn không có kinh nghiệm, cả Việt Nam và các nước trên thế giới.
Bởi cái mà chúng ta đối phó là một cú sốc bất định, dai dẳng và nặng nề nhất trong lịch sử nhân loại cho đến lúc này, từ y tế sang kinh tế và bao trùm lên tất cả các vấn đề xã hội của loài người.
Thực tế ở các quốc gia có trình độ phát triển cao đã mắc sai lầm trong chiến lược đối phó như thế nào là một minh chứng rõ ràng.
Cũng có quan điểm cho rằng, vì quá dồn lực chống dịch và sau đó tự mãn vì chống dịch thành công mà chúng ta đã để lỡ mặt trận vaccine, khiến cho mức độ và tốc độ tiêm chủng hiện nay quá thấp. Tôi cho rằng nói như thế cũng không thuyết phục và công bằng.
Bởi vì thời gian qua, việc nghiên cứu, thử nghiệm, phổ biến và hiệu quả phòng bệnh của vaccine là vô cùng không rõ ràng. Thậm chí cho đến lúc này những vấn đề đó vẫn còn đang tiếp tục gây tranh cãi.
Vì vậy, một quốc gia với tiềm lực kinh tế hạn hẹp, ngân sách đã tiêu tốn quá nhiều cho những chiến dịch chống dịch tốn kém lẫn các chương trình giải cứu kinh tế toàn diện, thì không thể mạo hiểm vội vã nhập vaccine trong khi tác dụng của nó hoàn toàn không có gì đảm bảo.
Các quốc gia khác buộc phải chi mạnh tay cho vaccine vì hầu như đó là giải pháp duy nhất mà họ có thể lựa chọn để chiến đấu với Covid-19 khi các cơ hội chống dịch đã lỡ và các mặt trận khác hầu như đã vỡ. Và hiện nay thì Chính phủ cũng đã khẩn trương đẩy mạnh việc nhập khẩu vaccine.
Các đợt dịch tiếp theo ở Đà Nẵng, Hải Dương và Hà Nội, TPHCM sau đó chỉ mang tính cục bộ, tốc độ lây lan chậm và nguồn gốc lây nhiễm cũng được xác định rõ ràng và nhanh chóng nên các đợt giãn cách sau chỉ diễn ra ở một vài địa phương với thời gian ngắn nên đã không gây sức ép quá lớn lên nền kinh tế.
Trong khi đó đội ngũ y tế chống dịch và các lực lượng phối hợp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ về mặt phương tiện kỹ thuật, phương pháp và kinh nghiệm ứng phó. Rộng hơn, xã hội và cộng đồng đã dần ý thức được các hành vi ứng xử để phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh và kinh tế khó khăn.
Tinh thần tự giác, chấp hành pháp luật và các quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng có thể nói là chưa bao giờ có sự cải tiến rõ rệt như thời Covid.

Đừng để cỗ xe tam mã chỉ còn hai
Nhưng tình hình hiện nay đã khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều với những chuyển biến vô cùng nghiêm trọng của sự lây lan và sức chống chịu của doanh nghiệp và nền kinh tế so với trước đây. Mức độ nguy hiểm của các biến chủng Anh và Ấn Độ của virus Sar-Cov-2 đã làm tình hình nghiêm trọng hơn rất nhiều cả về y tế lẫn kinh tế. 
Dưới góc độ kinh tế thì lần này tình hình cũng phức tạp và khó khăn hơn giống hệt như y tế phải xử lý tính chất nguy hiểm hơn của biến chủng virus. Đó là lần này, dịch bùng lên mạnh ngay tại Bắc Giang và Bắc Ninh, hai trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, Bắc Ninh là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước. Nếu các khu công nghiệp của Bắc Ninh tạm dừng hoạt động trong hai tuần sẽ gây thiệt hại khoảng 50.000 tỷ đồng, làm giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam giảm 0,5%. 
Quan trọng hơn, các nhà máy ở Bắc Giang và Bắc Ninh còn cung cấp linh kiện, hàng hóa trung gian cho các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị cho các nhà máy khác của cả nước.
Khi chính các nhà máy này trở thành ổ dịch và đang chịu áp dụng các thiết chế cách ly tập trung thì tình hình sản xuất đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng và nếu không có các giải pháp kịp thời và hiệu quả thì chắc chắn khả năng đứt gãy chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng là rất cao. 
Khi đó thì hoạt động xuất khẩu của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và động lực để phục hồi kinh tế sau khi dịch qua đi từ hoạt động xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đáng nói hơn các hoạt động kinh tế có độ trễ và sự tương tác lẫn nhau nên sẽ mất rất nhiều thời gian mới khôi phục lại được hoạt động sản xuất và lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu nếu các chuỗi sản xuất này bị dừng hoạt động hoàn toàn.
Hơn nữa, tiêu dùng nội địa cũng sẽ gặp khó khăn, vừa là tác động trực tiếp từ việc dừng sản xuất vừa là hiệu ứng tâm lý lân lan. Khi đó, các động lực duy trì hoạt động kinh tế và đảm bảo tăng trưởng vốn đã thành công trong thời gian qua là: đầu tư công – tiêu dùng nội địa và xuất khẩu được ví như cỗ xe tam mã thì lúc này chỉ còn lại hai.

Một số khuyến nghị
Chính vì vậy mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu ưu tiên cao nhất, cả nước dồn tổng lực hỗ trợ Bắc Ninh và Bắc Giang để đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh sớm nhất có thể trong những ngày tới, bảo đảm sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong các khu công nghiệp.
“Tình hình mới, điều kiện mới phải có cách tiếp cận mới, xử lý mới, huy động tổng lực các biện pháp, kỷ luật nghiêm minh, khen thưởng kịp thời” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh việc quyết liệt chống dịch và duy trì sản xuất an toàn trong các khu công nghiệp, nhà máy thì lúc này giải pháp củng cố và đảm bảo các hoạt động tiêu dùng nội địa là vô cùng quan trọng. 180.000 tấn vải thiều đang vào cao điểm thu hoạch và tiêu thụ, xoài, mận ở Sơn La và rất nhiều các loại nông sản khác cần được đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và nỗ lực tối đa để xuất khẩu.
“Cách tiếp cận mới” của Thủ tướng đương nhiệm hay chỉ đạo trước đây của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng: “trong điều kiện bất thường phải có các giải pháp bất thường” khi nói đến các nỗ lực để giảm đau kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp và phục hồi các động cơ tăng trưởng đều cho thấy một tư duy chỉ đạo chung đó là cần tháo gỡ tối đa các hạn chế, ràng buộc có tính quy trình, thủ tục hành chánh, thanh kiểm tra để làm sao đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển tối đa của hàng hóa và dịch vụ.
Mở “luồng xanh” là giải pháp đầu tiên nhưng cần tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực và địa phương khác và có các giải pháp tiếp tục kèm theo.
Bên cạnh giải pháp về quản lý, hành chính thì vai trò của truyền thông, tác động vào tâm lý, kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc và người Việt ủng hộ hàng Việt cũng là một điều cần thiết và sẽ phát huy tác dụng cao lúc này.
Tâm lý chung là lúc này ai cũng muốn làm một cái gì đó để chung tay với cộng đồng, với Chính phủ trong nỗ lực chống dịch và đảm bảo kinh tế. Từ chuyện nâng cao nhận thức cá nhân, tôn trọng luật pháp và các lời kêu gọi chống dịch đã cho thấy tinh thần đoàn kết, chung sức đang rất lớn. 
Vì vậy, cần có các chương trình kêu gọi toàn quốc ưu tiên tiêu dùng hàng hóa, nông sản nội địa, vừa kích cầu tiêu dùng, tạo đầu ra cho doanh nghiệp và đảm bảo “giải cứu” tối đa cho trái cây và các nông sản khác vốn không thể tồn kho như các hàng hóa thông thường nếu như xuất khẩu có thể bị ngưng trệ bất cứ lúc nào do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Cuối cùng là bên cạnh các thành công đã nói thì cần rút kinh nghiệm về những sai lầm, phần lớn “hàng phòng thủ” chống dịch đều bị chọc thủng bởi tình trạng nhập cư trái phép.
Gần 1 năm trước, ngay khi bùng dịch đợt 2 vào tháng 7 tại Đà Nẵng, chúng tôi đã cảnh báo trong một bài viết đăng trên Đầu tư tài chính rằng: “Nếu đã xảy ra đợt 2, thì sẽ có đợt 3, 4… cho đến cuối năm 2021 khi mà vaccine được phổ biến và tiến hành chủng ngừa rộng rãi. Vì vậy, công tác an ninh xuất nhập cảnh tại các đường biên, lối mở, đường mòn biên giới từ bây giờ cho đến lúc đó cần được chấn chỉnh và thắt chặt hơn nữa”. 

Các tin khác