Đừng biến thành đặc quyền đặc lợi

(ĐTTCO)-Chuyện một số địa phương cử cán bộ gần đến lúc nghỉ hưu hoặc đã nghỉ công tác đi “tham quan, học tập” ở nước ngoài đã gây bức xúc trong dư luận. Đà Nẵng cử đoàn cán bộ trong đó có một số vị lãnh đạo sắp nghỉ hưu và có cả lái xe đi nước ngoài làm công tác xúc tiến thương mại.

(ĐTTCO)-Chuyện một số địa phương cử cán bộ gần đến lúc nghỉ hưu hoặc đã nghỉ công tác đi “tham quan, học tập” ở nước ngoài đã gây bức xúc trong dư luận. Đà Nẵng cử đoàn cán bộ trong đó có một số vị lãnh đạo sắp nghỉ hưu và có cả lái xe đi nước ngoài làm công tác xúc tiến thương mại.

 

Quảng Nam cử đoàn cán bộ, trong đó cũng có nhiều cán bộ sắp nghỉ hưu và phu nhân đi Nam Phi học kinh nghiệm làm du lịch. Hai địa phương này đã thực hiện xong việc đi nước ngoài, nhưng một số tỉnh khác thì phải hủy những chuyến đi tương tự sau khi có phản ứng của dư luận. Bình Phước hủy chuyến học tập kinh nghiệm về làm xổ số ở Canada, Tiền Giang hủy chuyến học tập về xây dựng đê ở Hà Lan và Nga (riêng tỉnh này cũng đã có một chuyến đi Mỹ tìm hiểu về xổ số)…

Nếu không có sự lên tiếng của công luận, chắc các chuyến đi này sẽ diễn ra, tức là sẽ tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ từ ngân sách. Thành phần tham gia các chuyến đi này không chỉ phần nhiều là cán bộ sắp về hưu mà còn một số cán bộ chẳng liên quan gì đến lĩnh vực tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm. Có trường hợp, chính người trong cuộc cũng thừa nhận rằng việc học tập rất ít, chủ yếu là tham quan. Như vậy, đây có thể xem là những chuyến du lịch nước ngoài trá hình (chính Đắk Lắk cũng hủy một chuyến đưa các cán bộ không tái cử BCH Đảng bộ tỉnh đi nghỉ dưỡng tại Hàn Quốc).

Cũng cần nhắc lại rằng, năm 2006, cựu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển đã “theo học khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh và kết hợp nghiên cứu sâu về giáo dục đại học tại Vương quốc Anh trong thời gian 6 tháng, kể từ sau khi bàn giao công việc cho bộ trưởng mới” cũng gây phản ứng khá nhiều, không chỉ việc đi học này là một sự “đặc cách” bởi theo quy định (bấy giờ) việc đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài chỉ dành cho cán bộ dưới 50 tuổi. Và suất học 6 tháng này “có kinh phí tương đương một suất du học 4 năm ở các nước Đông Âu và Trung Quốc”. Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu thu hồi toàn bộ khoản kinh phí đã cấp để nộp lại ngân sách.

Từ đó, có thể thấy, dường như có một sự “ưu ái” để được đi nước ngoài tham quan, du lịch ẩn danh dưới hình thức đi học tập, trao đổi kinh nghiệm. Có người lý giải rằng, việc làm này thực chất là một sự ghi nhận những công lao, đóng góp của các cán bộ trong suốt quá trình công tác.

Cách giải thích này e không hợp lý, nếu những người này có công lao thì hẳn cũng đã được tưởng thưởng bằng các danh vị theo quy định, chứ không phải đợi đến chuyến đi vào “hoàng hôn nhiệm kỳ” như thế này. Không chỉ vậy, nếu đây thực sự là phần thưởng thì còn với những cán bộ cấp thấp thực sự có công lao liệu có được ưu ái như vậy không, dù sự đóng góp, thành tích hoàn toàn không phụ thuộc vào chức vụ mà gắn với nhiều yếu tố khác. Vậy thì sự ghi nhận đó liệu có khách quan và công bằng?

Trên thực tế, với nhiều cán bộ lãnh đạo, việc đi nước ngoài trong thời gian công tác có thể không hiếm, kể cả đi công tác, đi tham quan hoặc tham quan kết hợp công tác, dù đi bằng ngân sách hay do tài trợ. Trong khi đó, làm cán bộ lãnh đạo thường có những chế độ riêng (theo quy định) như xe cộ, chế độ ăn ở, công tác phí khi đi công tác, nhà công vụ, chăm sóc sức khỏe…, bất kể người đó có đóng góp gì đáng kể cho địa phương, đơn vị, ngành hay không.

Nếu thêm chế độ được đi nước ngoài hoặc những biệt đãi khác khi sắp nghỉ hưu phải chăng tạo thành một đặc quyền đặc lợi đối với một số cán bộ nào đó, có thể do vị trí công tác trước khi nghỉ hưu, do mối quan hệ thân quen hoặc do ưu tiên nào đó? Chính điều này góp phần vào việc chạy chức, chạy quyền để được đến một vị trí nào đó nhằm dễ được hưởng những quyền lợi mà nếu không có vị trí đó sẽ không được nhận, bất kể có đóng góp, công lao, thành tích thế nào.

Bác Hồ đã dạy, cán bộ là “công bộc của dân”, tức là người phục vụ nhân dân, cán bộ càng cao thì càng phải phục vụ nhân dân nhiều hơn, phục vụ tốt hơn, chứ không phải cán bộ càng cao thì được hưởng quyền lợi, nhất là các đặc quyền đặc lợi, nhiều hơn.

Do đó, các địa phương, cơ quan phải minh bạch các chế độ đối với cán bộ của mình, dựa trên các quy định của pháp luật; cần xây dựng các quy chế về tham quan, đi công tác, đi trao đổi kinh nghiệm, đi học tập… nhất là đi nước ngoài; cần tránh tạo ra các đặc quyền đặc lợi đối với cán bộ giữ cương vị lãnh đạo mà bản thân những người này phải gương mẫu chấp hành quy định chung…; phải tạo cơ chế để cán bộ, đảng viên, nhân dân giám sát việc sử dụng ngân sách vào những việc có tính cá nhân hoặc mang danh nghĩa làm việc công nhưng thực chất phục vụ lợi ích cá nhân…

Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong việc sử dụng ngân sách sai mục đích, lãng phí, nhất là với cá nhân trực tiếp ký duyệt, thụ hưởng việc sử dụng sai trái đó. Các cơ quan truyền thông cần tăng cường giám sát và phản biện với những trường hợp sử dụng ngân sách lãng phí để góp phần giúp các cơ quan chức năng phát hiện ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm…

Các tin khác