Du lịch Việt Nam vất vả giữ khách

(ĐTTCO)-Dịch nCoV đang ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế, trong đó ngành công nghiệp không khói nặng nhất. Lượng khách nước ngoài sụt giảm, khách trong nước hủy tour, khiến các doanh nghiệp (DN) lữ hành và DN liên quan đến du lịch đang trong tình thế rất khó khăn. 
Trong cơn đại nạn, ngành du lịch phải tìm mọi cách để giữ chân khách du lịch. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trong cơn đại nạn, ngành du lịch phải tìm mọi cách để giữ chân khách du lịch. Ảnh: VIẾT CHUNG
Công suất phòng còn 20%
Bị thiệt hại lớn nhất là những địa phương có lượng khách Trung Quốc đến nhiều trong vài năm gần đây, như TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Kể từ khi bùng phát dịch viêm phổi cấp, lượng khách Trung Quốc đến TP này sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Thành Vũ, Giám đốc Khách sạn 4 sao ISENA Nha Trang, cho biết: “Chưa bao giờ ngành du lịch của TP biển bị rơi vào hoàn cảnh như hiện tại, khi công suất phòng của nhiều khách sạn tại Nha Trang chỉ khoảng 20%. Ngoài yếu tố dịch bệnh, còn có lý do khác là một loạt khách sạn mọc lên khá nhanh trong những năm gần đây để đón khách du lịch, dẫn đến việc dư cung.
Với những khách sạn có cơ cấu khách Trung Quốc chiếm khoảng 50% như ISENA, tôi kỳ vọng nếu có những thông tin tích cực hơn, các nhóm khách trong nước, Đông Âu sẽ lấp vào khoảng trống này. Với những khách đang cư trú, chúng tôi duy trì chất lượng dịch vụ tốt nhất, cũng như các biện pháp hỗ trợ phòng dịch để tạo sự an tâm cho họ”. 
Không chỉ mảng lữ hành, khách sạn, nhà hàng bị ảnh hưởng, cả những DN bán hàng cho khách cũng đang điêu đứng vì khách Trung Quốc vốn mua sắm rất mạnh tay.
Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Ngọc, Giám đốc hệ thống thời trang da cá sấu Việt Tín, năm 2019 công ty có 6 địa điểm bán lẻ các sản phẩm phụ kiện thời trang tại các trung tâm thương mại ở Nha Trang và Hạ Long (Quảng Ninh) với doanh số khoảng 30 triệu đồng/ngày/điểm.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay Việt Tín phải tái cơ cấu hệ thống, có thể giảm số lượng gian hàng, tăng cường bán trực tuyến và đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng lớn xuất khẩu. 
Ảnh hưởng của dịch nCoV càn quét qua nhiều địa phương mà du lịch ít phụ thuộc vào nguồn khách Trung Quốc như TPHCM. Theo thống kê của Sở Du lịch TPHCM, lượng khách inbound (khách nước ngoài đến) tại TPHCM trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua giảm khoảng 15% so với cùng kỳ, trong đó khách du lịch Trung Quốc giảm 25-28%.
Bên cạnh đó, do tâm lý e ngại ảnh hưởng của dịch, nhiều khách du lịch nội địa đã hủy các chương trình đến các địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội, Phú Quốc… 
Do tâm lý hoang mang trước tình hình của dịch nCoV, khách du lịch trong nước còn hủy nhiều tour đến Hàn Quốc, Đài Loan…, đã gây thiệt hại không nhỏ cho các DN lữ hành.
Bởi khi hủy tour khách muốn công ty lữ hành hoàn tiền 100%. Trong khi đó, các đối tác liên kết ở nước ngoài, hàng không đã đặt cọc, nếu DN lữ hành hủy tour khi chưa có công văn tạm ngừng hoặc ngừng chính thức từ nước sở tại, sẽ vẫn bị phạt tiền theo đúng hợp đồng đã ký.
Hiện nhiều đơn vị lữ hành đang nỗ lực thương lượng với phía đối tác nhưng vẫn chưa nhận lại được tiền, trong khi phải xuất ra lượng tiền mặt lớn để trả cho khách, thậm chí một số DN phải xuất tiền cá nhân để chi trả. 
Trước đó, một số thị trường outbound (đưa khách ra nước ngoài) đi châu Âu và Mỹ cũng bị ảnh hưởng, các DN phải hủy vé máy bay có transit tại Đài Loan, mua vé trở về Việt Nam cho khách trên các chuyến bay thẳng của Vietnam Airlines, hoặc các hãng transit tại Singapore, Dubai. Khoản phí hủy vé, DN lữ hành hoàn toàn chịu, không thu của khách.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng truyền thông - marketing của TST tourist, cho biết với tình hình hiện nay kết quả kinh doanh quý I của hầu hết DN lữ hành đều giảm mạnh. Với TST, ngay sau Tết Nguyên đán đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, hiện đang cập nhật tình hình dịch nCoV mỗi ngày. 
Nỗ lực lấy lại niềm tin du khách
 Chủ động, bình tĩnh ứng phó với dịch nCoV, khách nước ngoài sẽ sớm quay trở lại, đồng thời khách trong nước cũng sẽ đi du lịch nội địa nhiều hơn.
Ông Nguyễn Minh Mẫn
Trưởng phòng truyền thông - marketing TST tourist
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Khánh Hòa, đánh giá: “Các lễ hội vốn là nét đặc trưng để thu hút khách du lịch đến với Nha Trang, Khánh Hòa đã được dừng toàn bộ theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Tuy nhiên, sự quan tâm từ du khách đối với Nha Trang vẫn rất lớn, nhất là nhóm khách Âu, Mỹ. Nếu địa phương chứng tỏ được năng lực ứng phó dịch bệnh tốt, như việc Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa đã chữa khỏi 1 trường hợp bị lây nhiễm virus nCoV, hình ảnh TP văn hóa du lịch sẽ được giữ gìn và củng cố trong mắt du khách”. 
Tại TPHCM, một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, Sở Du lịch TP cũng liên tục cập nhật các thông tin về tình hình dịch nCoV, ban hành các chỉ thị, văn bản đến DN. Cụ thể, ngày 4-2, Sở Du lịch TP đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch nCoV trong lĩnh vực du lịch.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP, đưa ra là nghiên cứu, tìm kiếm các thị trường du lịch khác, hạn chế mức ảnh hưởng từ thị trường du lịch Trung Quốc đến ngành du lịch của TP.
Đặc biệt, TPHCM chưa đóng cửa các điểm tham quan, di tích lịch sử, khu vui chơi giải trí. Sở cũng tổ chức các buổi tập huấn cho DN lữ hành về cách thức phòng tránh dịch để đảm bảo an toàn cho du khách. Với những hành động tích cực và quyết liệt, ngành du lịch TP hy vọng khách du lịch sẽ an tâm. 
Nói về những nỗ lực của DN trong thời điểm khó khăn này, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết các DN lữ hành đều tư vấn rất kỹ cho khách về bảo hiểm, đảm bảo an toàn cho các chuyến du lịch, cũng như những thị trường an toàn để khách có thể chuyển hướng thích hợp.
Hiện nay Tổng cục Du lịch Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có những thông tin cụ thể để trấn an du khách khi đến các quốc gia này. Về du lịch inbound, mới đây nhất TST đã đón đoàn 200 khách từ Thái Lan đến Việt Nam, nên thị trường này gần như không có biến động. 
Ở góc nhìn lạc quan, nhiều DN du lịch cho rằng đây là cơ hội để thể hiện năng lực phục vụ của mình với du khách. Bà Lê Phượng, quản lý khách sạn Grand Minerva (Hàng Trống, Hà Nội), cho biết hiện công suất phòng tại khách sạn vẫn đạt trên 60%, thậm chí có những ngày lên đến 80-90% do cơ cấu khách du lịch, công tác làm việc tại Hà Nội khá đa dạng. 
“Thách thức là điều ai cũng thấy rõ, nhưng theo tôi đây cũng là cơ hội để các khách sạn chứng tỏ năng lực phục vụ của mình, với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe của du khách ở mức tối đa. Tôi nghĩ tâm lý cũng tác động đáng kể đến hành vi của du khách tại thời điểm này. Vì thế, các biện pháp khử trùng sẽ được thực hiện triệt để, cùng với sự quan tâm ân cần từ nhân viên khách sạn, sẽ giúp du khách yên tâm hơn. Về việc một số du khách hủy tour, hủy đặt phòng, chúng tôi cũng căn cứ trên những yếu tố khách quan để hỗ trợ, chia sẻ cho đôi bên” - bà Phượng chia sẻ. 

Các tin khác