Du lịch mùa dịch nCoV: Vừa ứng phó, vừa cơ cấu

(ĐTTCO)-Dịch nCoV đang khiến ngành du lịch rơi vào khủng hoảng. Tình trạng khách hủy tour, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch diễn ra phổ biến. 
Du lịch mùa dịch nCoV: Vừa ứng phó, vừa cơ cấu
Lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, có những địa phương giảm tới 90% lượng khách. Chuỗi dịch vụ ngành du lịch, từ hàng không, lưu trú, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm…. đều bị thiệt hại nặng nề, ước tính trong 3 tháng tới có thể lên đến 7,7 tỷ USD.
Dự báo của ngành du lịch, sớm nhất tới đầu quý IV mới có thể phục hồi và trở lại bình thường. Đây là thách thức không nhỏ với ngành du lịch để đạt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách trong năm 2020.  
Trong bối cảnh rơi vào thế bị động, ngành du lịch phải gồng mình phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh. Song đây lại là thời điểm thích hợp để ngành điều chỉnh trọng tâm thu hút khách du lịch.
Bởi thực tế những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường khách nguồn lớn nhất của du lịch Việt Nam, đóng góp 30-40% lượng khách.
Năm 2019, trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế có 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm hơn 30%. Trong tháng 1-2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước gần 2 triệu, trong đó có 644.700 lượt người đến từ Trung Quốc, tăng 72,6% so với cùng kỳ năm trước. 
Kinh nghiệm từ việc ứng phó với khủng hoảng do dịch bệnh trước đây, cho thấy du lịch nội địa phục hồi sau đại dịch SARS chỉ khoảng 3 tháng, còn du lịch quốc tế chậm hơn.
Cụ thể, tháng 5-2003 chúng ta công bố dịch SARS, tháng 7 thị trường du lịch nội địa quay lại như cũ. Sau đó, cả thị trường nội địa và quốc tế đều bùng lên, vì cả thời gian trước nhu cầu du lịch bị nén lại. Vì vậy, chúng ta cần chớp cơ hội để thu hút khách.
Theo đó, cần có chính sách gia hạn, miễn thị thực với thời gian dài hơn với các thị trường nguồn, thị trường tiềm năng, thị trường xa để kích cầu du lịch quốc tế. Trước mắt tập trung vào các thị trường xa, phục hồi nhanh. Sau đó tiếp tục đẩy mạnh thị trường an toàn như Nhật Bản, Hàn Quốc… rồi tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến trở lại thị trường Trung Quốc. 
Nhìn nhận và chuyển trọng tâm vào các thị trường nguồn là giải pháp cần thiết của ngành du lịch, nên cần thực hiện các giải pháp cùng lúc ngay sau khi dịch nCoV đi qua. Trước tiên, thúc đẩy du lịch nội địa và đẩy mạnh hướng khai thác các thị trường nguồn của du lịch.
Thời gian thu hút khách từ những thị trường mới có thể kéo dài tới 3 năm, nên việc thúc đẩy du lịch nội địa được xem là hướng duy nhất để có thể giải quyết khó khăn trong thời gian tới. Nhất là khi thị trường du lịch nội địa có thể phục hồi nhanh hơn, số lượng khách lớn, mức chi tiêu của khách trong nước cũng tăng trưởng đáng kể. 
Cùng với đó, chủ động tìm kiếm những thị trường mới để có thể thu hút khách đến ngay sau khi dịch bệnh qua đi. Có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách du lịch nội địa phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường của từng công ty lữ hành.
Đồng thời tập trung đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
Để đảm bảo việc kích cầu hiệu quả, giảm giá nhưng không giảm dịch vụ, các doanh nghiệp trong ngành phải chung tay, từ giảm vé máy bay, vé tàu, khách sạn, nhà hàng… để thu hút khách du lịch. Điều này không chỉ có lợi với các doanh nghiệp, còn cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực. Bởi lẽ, thực trạng hiện nay các tour du lịch tới các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia rẻ hơn nhiều tour du lịch trong nước. 
Thách thức khi ứng phó với dịch bệnh cũng song hành với cơ hội nâng cao chất lượng phục vụ của ngành du lịch, nhất là đội ngũ lao động cùng hạ tầng dịch vụ. Vì thế, các đơn vị cần có kế hoạch giữ gìn lực lượng nhân sự trong giai đoạn dịch bệnh lây lan thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
Đặc biệt, phải chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp. Nhân thời điểm này ngành du lịch tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong du lịch. Tỷ lệ khách biết đến các điểm đến ở Việt Nam qua internet hiện rất cao, từ 75% trở lên, trong khi quảng bá thông qua các ứng dụng công nghệ vẫn đang bị giới hạn. 

Các tin khác