Du lịch hậu Covid-19 nhìn từ EU

(ĐTTCO) - Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào ngành du lịch Liên minh châu Âu (EU). Theo ước tính của Tổ chức Quốc tế về Lữ hành và Du lịch (WTTC), việc đóng cửa biên giới giữa các nước, cách ly và giãn cách xã hội gây thiệt hại cho du lịch EU lên đến 1.000 tỷ EUR. Lao động trong ngành du lịch và có liên quan có nguy cơ bị mất việc 9-18 triệu người.

Tầm quan trọng của du lịch EU
Du lịch là một trong ngành kinh tế mũi nhọn của EU, chiếm đến 10% GDP của khối này. Theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và trên 90% trong số này là doanh nghiệp nhỏ và vừa. EU cũng là nơi có nhiều điểm đến nhất trên thế giới, chiếm đến 40%. Nền kinh tế của nhiều nước trong EU phụ thuộc rất nhiều vào ngành du lịch.
Chẳng hạn, đóng góp của du lịch vào GDP của Croatia lên đến 25%, con số này ở Cyprus là 22%, 21% ở Hy Lạp, 19% ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Áo, Estonia 15%, Italia 13%, Pháp 10% và Đức 9%. Về lao động, ngành du lịch tạo ra 12% tổng số việc làm ở EU với 23 triệu lao động, trong số này 37% dưới 35 tuổi. Đặc biệt, mùa du lịch hè là giai đoạn tạo ra rất nhiều lao động mùa vụ.
Du lịch hậu Covid-19 nhìn từ EU ảnh 1 Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành du lịch châu Âu.
Với tầm quan trọng này của ngành du lịch, các chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng như EC vừa qua ưu tiên khá nhiều cho ngành này. Nhưng có điều khá đặc biệt, thị trường du lịch của EU phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu trong nước và của các nước thành viên trong khối. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy 85% người dân châu Âu đi nghỉ hè ở các nước trong khối EU.
Như vậy, đi du lịch là nhu cầu thiết yếu của người dân châu Âu. Đối với họ du lịch là hình thức giáo dục tốt và hiệu quả nhất và họ luôn dành một phần ngân sách cho việc này. 
Ngoài ra phải kể đến những chính sách trực tiếp hay gián tiếp hỗ trợ ngành du lịch. Thứ nhất, các kỳ nghỉ đều có ở các mùa, thường kéo dài trong khoảng 2 tuần, đủ thời gian cho chuyến đi 7-10 ngày. Thời điểm bắt đầu và kết thúc kỳ nghỉ có thể cách nhau 1 tuần giữa các vùng, để giảm tải ở các điểm đến cũng như phương tiện giao thông.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ cho cá nhân, gia đình không đủ điều kiện tài chính để đi du lịch. Chẳng hạn, ở Pháp các gia đình có thu nhập thấp đến kỳ nghỉ hè nhận được thư thông báo các chương trình nghỉ hè do địa phương tổ chức, có hỗ trợ toàn bộ hay phần lớn chi phí.
Ngoài ra cũng có hình thức chi phiếu du lịch do chính quyền địa phương hay nơi người lao động làm việc hỗ trợ, dùng để thanh toán ở các điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn. Đây là chính sách kích cầu hiệu quả, vì hầu hết người đi du lịch đều chi tiêu nhiều hơn số tiền được hỗ trợ.
Thứ ba, chính sách bảo tồn và phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng. Các điểm đến truyền thống ở EU vẫn là lịch sử, văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng nhưng cũng mở rộng sang giải trí, mua sắm, giáo dục, và hội nghị triển lãm. Đối với phần lớn người dân châu Âu, gần gũi với thiên nhiên được ưa thích nhất.
Thí dụ, thủ đô Paris của Pháp nổi tiếng là nơi thu hút nhiều du khách nhất thế giới, nhưng chắc không nhiều người biết rằng 50% du khách đến Paris lại chính là người Pháp. Bên cạnh hệ thống bảo tàng, nhà hát, các di tích nổi tiếng, Sở Du lịch Paris còn thu hút du khách nội địa qua các hoạt động du lịch xanh, phối hợp với chính quyền địa phương của các vùng phụ cận.
Thứ tư, một hệ sinh thái du lịch được chú trọng và hoàn thiện theo thời gian. Hệ sinh thái này bao gồm lao động có kỹ năng và chuyên nghiệp, hệ thống các địa điểm lưu trú đạt chuẩn, các công ty tổ chức và vận hành kỳ nghỉ, các điểm tham quan du lịch, và hệ thống hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, tại nhiều địa điểm du lịch, các hoạt động phần lớn hướng tới gia đình, nhóm bạn. Kỳ nghỉ của các gia đình có trẻ em hay trong độ tuổi thanh thiếu niên, luôn có các hoạt động mang tính giáo dục đi kèm, đó có thể là một kỹ năng mới, môn thể thao mới, khóa học mới về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, hay ẩm thực.
Cuối cùng, các chính sách mạnh mẽ về môi trường của EU gần đây phần nào tác động đến ý thức của người dân. Hiện đang có phong trào ở châu Âu hạn chế các chuyến bay đường dài, nhất là các kỳ nghỉ vì quan ngại đến lượng khí thải CO2.
Vì vậy, người dân EU đang có xu hướng lựa chọn những địa điểm gần hơn. Một số hãng hàng không hiểu được băn khoăn này và đã tích cực có những chương trình để bù đắp lượng khí thải, như trồng rừng, thay đổi nguyên vật liệu dùng trong hoạt động khai thác, tối ưu quá trình giảm thải CO2.

Hàm ý nào cho du lịch Việt Nam?
Những năm gần đây, cả cung lẫn cầu của du lịch trong nước đã có những khởi sắc nhất định, như có thêm nhiều điểm tham quan được đầu tư lớn, nhiều tuyến cao tốc và đường bay mới, người dân cũng sẵn lòng chi tiêu cho du lịch hơn. Tuy vậy, để phát triển thị trường du lịch trong nước, phải giải quyết được những bất cập còn tồn tại và thực thi một số chính sách mới. Trước hết, cần tạo được hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh.
Điểm yếu nhất hiện nay có lẽ là sự chuyên nghiệp, kỹ năng của lao động trong ngành. Ngoại trừ những địa điểm du lịch cao cấp, hướng đến khách quốc tế, còn lại nguồn nhân lực rất thiếu và yếu. Sự thiếu chuyên nghiệp còn thể hiện trong việc chặt chém, đánh lừa du khách với suy nghĩ khách đến một lần rồi thôi.
Tiếp đến, đa dạng hóa các loại hình du lịch. Theo đó, hướng đến các kỳ nghỉ của gia đình, nhóm bạn; du lịch hướng đến thiên nhiên, đi kèm với kỳ nghỉ là hoạt động nâng cao kỹ năng, kiến thức về lịch sử, văn hóa, ẩm thực, thể thao. Đối với các chính sách kích cầu du lịch trong nước, cần tạo ra các kỳ nghỉ dài ngày 1-2 tuần để người đi du lịch có nhiều sự lựa chọn và chi tiêu nhiều hơn.
Bên cạnh đó nâng cao nhận thức của người dân, để họ thấy được rằng du lịch thực sự là cách giáo dục hiệu quả nhất. Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ như chi phiếu du lịch, từ người sử dụng lao động hay chính quyền địa phương, khuyến khích người dân chi tiêu cho du lịch nhiều hơn.
Các địa điểm du lịch ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng và phần lớn gắn liền với tự nhiên. Đây là lợi thế không phải quốc gia nào cũng có. Để thúc đẩy du lịch trong nước, ngành du lịch cần có cái nhìn dài hạn và tổng thể, phải quyết tâm làm đến cùng để giải quyết những bất cập với chính sách mới. Bởi nếu không theo kịp nhận thức và mức sống của người dân, phần thắng sẽ thuộc về ngành du lịch các nước lân cận trong khu vực.
 Việc mở cửa lại giữa các nước thành viên trong khối và mở dần dần với các nước khác ngay trước kỳ nghỉ hè, cho thấy kỳ vọng rất lớn của EU vào việc hồi sức cho ngành du lịch lục địa già.
-------------
(*) Giảng viên IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global

Các tin khác