Dự kiến vốn đầu tư trung hạn 2021-2025 là 2.750 nghìn tỷ đồng

(ĐTTCO)- Vốn đầu tư công sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu...
Dự kiến vốn đầu tư trung hạn 2021-2025 là 2.750 nghìn tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu, định hướng đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, giữ vững vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngân sách Trung ương dành nguồn lực tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, bố trí vốn đầu tư dự án trọng điểm, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Theo đó, đầu tư sẽ có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án tạo sự lan tỏa lớn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết dự kiến tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.750.000 tỷ đồng, gồm: vốn ngân sách Trung ương: 1.380.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng; vốn trong nước 1.080.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dự kiến vốn nước ngoài là 300.000 tỷ đồng; trong đó: dự phòng chung là 30.000 tỷ đồng, phân bổ chi tiết cho các dự án là 270.000 tỷ đồng.

Mục tiêu, định hướng đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, giữ vững vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án tạo sự lan tỏa lớn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về nguyên tắc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và các quy hoạch ngành được phê duyệt.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Bố trí đủ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội phê duyệt. Đồng thời, bố trí đủ vốn đầu tư cho dự án quan trọng quốc gia; bố trí vốn đầu tư dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nông nghiệp và xử lý hạn hán, xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Cùng với đó, ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước.

Các tin khác