Đón đọc ĐTTC bộ mới số 79 phát hành thứ hai ngày 2-11-2020

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 79 phát hành ngày 2-11-2020 với nhiều chuyên mục:
- GDP tăng, thu nhập có tăng?: Báo ĐTTC số 78 ra ngày 26-10 trên chuyên mục Thời luận có bài phân tích “Bài toán GDP và nợ công”. Trong đó tác giả hàm ý năm 2020 kinh tế thế giới suy trầm nhưng GDP Việt Nam vẫn tăng trưởng do đâu. Trong số báo này, tác giả tiếp tục phân tích GDP tăng trưởng thu nhập đầu người có được hưởng lợi? (TS. Bùi Trinh)
- Sẻ chia yêu thương: Hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ tại Thừa Thiên - Huế, Báo SGGP-Đầu tư Tài chính phối hợp với chính quyền địa phương và Bệnh viện Trung ương Huế trao gần 1.000 suất quà bằng tiền mặt hỗ trợ thân nhân 16 nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3; các bệnh nhân và bà con nghèo tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới và TP Huế. Tổng kinh phí 1 tỷ đồng do Tập đoàn Hưng Thịnh, thông qua chương trình “Cùng miền Trung vượt lũ” của Báo SGGP. (Văn Thắng)
- Thách thức kinh tế Mỹ của tổng thống kế tiếp: Người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng ngày mai 3-11 sẽ phải đối mặt với thế hệ người Mỹ có thu nhập từ thấp đến trung bình đang vật lộn để trở lại làm việc, vì cuộc khủng hoảng y tế chưa từng thấy trong hơn 100 năm qua: khoảng một nửa trong số 22 triệu người bị mất việc làm trong thời kỳ đại dịch vẫn không có việc làm. (Vĩnh Cẩm)
- Nước Mỹ qua góc nhìn các chuyên gia: Gần tới ngày bầu cử 3-11, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố số liệu tăng trưởng bùng nổ 33,1% của GDP quý III. Chiến dịch Trump đã bắt lấy tin tức này như một minh chứng cho sự thành công của chính sách kinh tế Trump (Trumponomics). Hiện nay, đa số công chúng tin rằng kinh tế là thế mạnh của Tổng thống Trump trước đối thủ Joe Biden. Song khách quan mà nói, cho dù ai chiếm được Nhà Trắng vào năm tới, nước Mỹ cũng đều có một tổng thống với một áp lực kinh tế lớn. (Văn Cường)
- TTCK thế giới: Nhạc tạm dừng khi tiệc chưa tan:Thị trường cổ phiếu (CP) toàn cầu có đợt giảm giá mạnh trong tuần lễ giao dịch kết thúc tháng 10. Chỉ số MSCI All Country World giảm 5,3% trong tuần, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3. Điều gì đang xảy ra? Đường vẫn còn nhiều sương mù, nhưng sương đang tan dần. Bữa tiệc CP vẫn chưa kết thúc, nhạc chỉ tạm dừng, cần thêm chút kiên nhẫn. Muốn bắt “dao rơi” nhưng cần tránh bị đứt tay. (TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh)
- Thiết kế chính sách kinh tế giai đoạn hậu dịch: Covid-19 tạo ra một cơ hội để thúc đẩy các quá trình cải cách kinh tế. Dù muốn hay không, đây cũng là lúc chúng ta phải xem xét lại các động cơ tăng trưởng, đặc biệt là tính bền vững. Chẳng hạn như đối với ngoại thương, đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như sự thoái trào của toàn cầu hóa mà chúng tôi đã phân tích trong các số báo trước. Do đó, cần có nhiều hơn nữa những cải cách trong các chính sách kinh tế giai đoạn hậu dịch để phát huy tối đa nguồn lực từ thị trường nội địa thay vì phải phụ thuộc quá nhiều vào ngoại thương. (PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại học Kinh tế TPHCM)
- Chính quyền đô thị: Mô hình các nước phát triển: Trên thế giới hiện có nhiều mô hình quản lý đô thị khác nhau, có loại quân chủ chuyên chế, độc tài, có loại cải tiến từ mô hình tập trung hóa cao, chỉ huy, quan liêu bao cấp… Tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế-xã hội, đặc biệt là văn hóa, mỗi quốc gia có những sắc thái khác nhau, nhưng nhìn chung về mô thức, cấu trúc, nguyên lý vận hành có những điểm chung, căn bản nhất và mang tính cốt lõi. (PGS.TS Nguyễn Minh Hòa)
- Trí tuệ nhân tạo đừng để bị “bỏ rơi”: Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ quan trọng, mang tính cốt lõi trong thời đại công nghệ 4.0. Hiện rất nhiều quốc gia đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất, công việc và đời sống. Với Việt Nam, những năm gần đây đã có những chính sách cụ thể nhằm phát triển AI, dẫu vậy đây vẫn là lĩnh vực có nguy cơ tụt hậu rất lớn. (Lưu Thủy)
- AI nhìn từ thị trường lao động: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Tuy nhiên, để thúc đẩy CĐS thông qua ứng dụng công nghệ, đòi hỏi lao động trong các ngành, lĩnh vực phải có các kỹ năng liên quan. (TS. Trần Hùng Sơn - Th.S Nguyễn Thị Hồng Vân, Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ ngân hàng Trường Đại học Kinh tế - Luật)
- AI và tầm nhìn nguồn nhân lực: AI đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế số, song đây là lĩnh vực Việt Nam vẫn đang thiếu nhân lực có trình độ cao. Việc sử dụng công nghệ AI giờ đây không còn là vấn đề “tại sao” nữa, mà là “làm gì và như thế nào”. Tôi tin tiềm năng ứng dụng công nghệ thông tin hiện lớn hơn bao giờ hết cho gần 100 triệu người dân nước ta. (Phạm Kim Cương, cựu kỹ sư phần mềm của Google và Airbnb, hiện là founder (người sáng lập) Công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) Cohost.AI)
- Việt Nam triển khai AI đến đâu: Ngày 30-10, Bộ TT-TT tổ chức ra mắt Nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) toàn diện FPT.AI. Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số Make in Vietnam nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. FPT.AI là nền tảng AI thứ 2 thuộc đối tượng Make in Vietnam được Bộ TT-TT bảo trợ và hiện đang được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam. (Trần Lưu)
- Cuộc đua AI toàn cầu thời Covid-19: Cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) tập trung vào những thứ như điện toán lượng tử, nhận dạng khuôn mặt và học sâu. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động sâu rộng đến đến cuộc đua này. Liệu Trung Quốc và Mỹ có tiếp tục dẫn đầu về năng lực AI hay các quốc gia nhỏ hơn sẽ nổi lên trong trật tự thế giới mới? Cuộc chạy đua nhằm khẳng định lợi thế công nghệ trong AI có thể sẽ là yếu tố quyết định chính đến trật tự địa chính trị thế giới trong những năm tới.  (Văn Cường)
- Nợ xấu lộ diện: Báo ĐTTC đã có loạt bài phân tích của các chuyên gia về tình hình nợ xấu do tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay. Dù nợ xấu vẫn còn tốt ở quý I, quý II nhưng đến quý III, nợ xấu bắt đầu lộ diện, sau quy định cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ của Thông tư 01/2020. Nợ xấu bắt đầu lộ diện, cho thấy nợ xấu trên thực tế của năm nay sẽ nghiêm trọng hơn so với năm ngoái, tức tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2% NHNN công bố khó thể hiện đúng chất lượng tài sản của NH. (Yên Lam)
- Cẩn trọng đánh chứng khoán thời 4.0: Đại dịch Covid-19 đã tàn phá các thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu, nhưng lại khai sinh lớp nhà đầu tư (NĐT) hoàn toàn mới, được gọi là “thế hệ Z”. Tuy không có nhiều kinh nghiệm giao dịch thực tế, nhưng thế hệ NĐT trẻ này lại thích ứng rất nhanh với công nghệ mới. Nhưng có không ít NĐT mới đang đánh cược tiền bạc của mình bằng trí tuệ của người khác, dù trí tuệ đó chưa được kiểm chứng độ tin cậy cũng như tính hiệu quả. (Nguyên Hà)
- Sóc Trăng nỗ lực trở thành trung tâm năng lượng tái tạo: Với việc nỗ lực khơi dậy tiềm năng, thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, Sóc Trăng đang dần biến những bờ biển hoang vu, xa xôi thành một trung tâm năng lượng tái tạo tại khu vực ĐBSCL. (Tuấn Quang)
- Thiếu an toàn khi tiền nằm trong thẻ: Tiền gửi trong tài khoản thanh toán đột ngột “bốc hơi” là câu chuyện thường xuyên xảy ra nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Trong khi thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang có những bước phát triển nhanh, những vụ việc như thế này có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dùng. (Bảo Trân)
- CP ngân hàng “thổi giá” trước khi lên sàn?: Dù hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thật sự nổi bật, nhưng giá CP của nhiều ngân hàng (NH) trên thị trường OTC được đẩy lên rất cao nhờ thông tin CP sắp được lên sàn. Việc đua nhau gom CP NH trước khi lên sàn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi nhiều NH vẫn chưa hoàn tất nộp hồ sơ niêm yết. (Kim Giang)
- Kéo giảm giá nhà bằng cách nào?:
Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa có báo cáo, trong đó công nhận giá nhà đất không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Bộ này cũng có nhiều chương trình để kéo giá xuống, nhưng thực tế giá nhà đất tại các TP lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng trung bình mỗi năm tăng 10-30%. (Đỗ Trà Giang)
- Rooftop Garden Bar khởi động đại tiệc đón năm mới rực rỡ (Phương Hằng)
- Thành phố thông minh trong tương lai (Nhã Trúc)
- Kỹ thuật thay van tim động mạch chủ qua ống thông (PGS.TS BS. Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)
- Robert Duggan - “Quái kiệt” giới đầu tư mạo hiểm: Tỷ phú người Mỹ Robert Duggan, cựu CEO Công ty Công nghệ dược phẩm Pharmacyclics và sở hữu cổ phần hàng loạt doanh nghiệp khác. Ông là trường hợp đặc biệt khi trở thành CEO công ty dược dù không có bằng cấp chứng nhận ngành y dược. Với tư duy đầu tư, Robert Duggan đã hồi sinh hàng loạt doanh nghiệp, đồng thời tạo khả năng sinh lời cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.  (Thiên Bảo)
- Giải mã nợ công EU: Khi nói đến nợ công Liên minh châu Âu (EU), nhiều người sẽ nghĩ đến nợ công của các nước thành viên. Nhưng từ trước khi Covid-19 bùng phát, EU đã vay nợ với tư cách tập thể thông qua 4 định chế của mình theo kiểu đơn vị đặc biệt (SPV): European Stability Mechanism (ESM), European Financial Stability Facility (EFSF), the European Investment Bank (EIB) và European Comission đại diện cho EU. (TS. Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global)
Và nhiều chuyên mục khác…
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác