Đón đọc ĐTTC bộ mới số 68 phát hành thứ hai ngày 17-8-2020

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 68 phát hành ngày 17-8-2020 với nhiều chuyên mục:
- Thế giới trong cơn trầm cảm tài chính và giấc mộng làm tổ đại bàng: Những biến động đã làm thay đổi hành vi của con người kể từ đại dịch Covid-19. Đó là cách tiếp cận mới của nhà đầu tư trong một thế giới suy trầm tài chính, đã khiến chính sách thu hút đầu tư theo kiểu chỉ biết làm tổ cho đại bàng, như miễm giảm giá thuê đất, giảm thuế, nhân công giá rẻ… làm lãng phí nguồn lực quốc gia một cách không cần thiết. Khi đó, làm tổ cho đại bàng cũng mãi chỉ là giấc mộng. (Trần Ngọc Thơ)
- Kinh tế toàn cầu: Mong manh giữa muôn trùng nỗi lo: Bất chấp số liệu GDP quý II các nền kinh tế lớn châu Âu và Mỹ giảm 20-33%, thị trường cổ phiếu vẫn đi lên. Trong đó, thị trường bị tác động rất xấu như Anh, hay có số liệu GDP gây thất vọng như Đức vẫn có ngày tăng hơn 2%. Đỉnh điểm của niềm hy vọng là chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ đã quay lại rất gần đỉnh lịch sử 19-2-2020 trước dịch Covid-19. Dù vậy, đằng sau những điểm sáng này là muôn trùng nỗi lo. (Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol Anh)
- Hàng loạt khách sạn rao bán: Hoạt động du lịch đóng băng do dịch Covid-19, khách lưu trú không còn, đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn ở Hà Nội lâm vào cảnh đình đốn. Trước tình cảnh này, nhiều doanh nghiệp tạm đóng cửa, thậm chí không ít khách sạn đã phải rao bán. Bức tranh thị trường bất động sản trong nước nói chung, phân khúc loại hình khách sạn nghỉ dưỡng nói riêng, sẽ còn thêm nhiều gam màu xám trong thời gian tới. Thậm chí, quý I-2021, thị trường vẫn khó phục hồi vì dịch Covid-19. (Lưu Thủy)
- Châu Âu - Lối thoát nào cho ngành khách sạn? Cùng với hàng không, khách sạn là ngành bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Đến thời điểm này, những người trong ngành kinh doanh khách sạn đều không dám đưa ra các dự đoán về triển vọng của ngành, phải trông chờ vào tiến triển của việc kiểm soát dịch bệnh. Khi các nước đóng cửa biên giới, người dân lo sợ việc đi lại, các giải pháp kích cầu đều khó đạt được hiệu quả. (TS. Võ Đình Trí, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM)
- Nhiệm vụ kép ngành du lịch: Dịch Covid-19 tái phát đang đẩy ngành du lịch vào khó khăn hơn bao giờ hết. Để cứu ngành du lịch, phải thắt chặt các biện pháp ngăn chặn người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Song giải pháp tối ưu vẫn là để doanh nghiệp tự cứu mình, tức vẫn hoạt động bình thường để có doanh thu. Ngoài ra, cần sự kết hợp đồng bộ của hàng không, khách sạn, phương tiện vận chuyển du lịch, công ty du lịch, điểm đến và chính sách hỗ trợ. (TS. Lê Đăng Doanh)
- Du lịch cần “sống chung” với Covid-19: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch không thể án binh bất động chờ dịch kết thúc, mà phải chấp nhận sống chung với dịch bằng cách thay đổi mô hình, sản phẩm, cách thức hoạt động sao cho phù hợp. Sống chung ở đây là vừa duy trì hoạt động của mình để có doanh thu, vừa có các biện pháp kiểm soát để đảm bảo an toàn cho khách. (Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel)
- Đừng để đứt gãy ngành du lịch: Khi dịch Covid-19 tạm lui, ngành du lịch lĩnh ấn tiên phong, nhen nhóm hy vọng khôi phục đà phát triển kinh tế bằng kích cầu du lịch. Nhưng rồi ngày vui chẳng tày gang khi dịch Covid-19 tái bùng phát, trở thành ác mộng đối với ngành du lịch. Vấn đề đặt ra lúc này là không để nền kinh tế bị đứt gãy mới có thể nhanh chóng phục hồi ngành du lịch. (Nguyễn Duy Nghĩa)
- Kịch tính thị trường vàng sẽ còn nữa…: Giá vàng thế giới đạt mức đỉnh ngày 11-8 rồi đột ngột lao dốc sâu ngày 12-8, đã khiến thị trường trong nước chao đảo, thậm chí hoảng loạn. Đây có thể coi là cú nhào lộn lịch sử của giá vàng SJC và cả biên độ kỷ lục trên 4 triệu đồng của giá mua - giá bán. Gần 10 năm nay thị trường vàng mới xảy ra kịch tính như vậy. Rõ ràng cuộc chơi vàng hiện nay quá rủi ro, nó không dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong cơn sóng vàng vừa rồi, một số người dân và DN tận dụng được cơ hội, nhưng cũng có một số người dân và DN thua lỗ, là chuyện bình thường trong kinh tế thị trường. (Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ)
- Lừa đảo tài chính ngày càng nhiều: Gần đây, Bộ Công an liên tục đưa ra cảnh báo nhiều loại hình lừa đảo nở rộ trong đợt dịch Covid-19, với nhiều thủ đoạn mới, nổi bật là các mô hình lừa đảo tài chính, lừa đảo kiểu Ponzi. Lừa đảo tài chính được đánh giá cao nhất trong các loại lừa đảo, vì độ phức tạp cũng như hiểu biết luật để lách luật, bởi họ am hiểu tâm lý học giúp đánh giá con mồi chính xác để khi ra “chiêu” và gần như không ai từ chối được. Thậm chí, nhiều người bị lừa vẫn không biết mình bị lừa và còn khen ngược lại đối tượng. Nhiều vụ đối tượng đã bỏ trốn biệt tăm, thậm chí thay tên đổi họ để ra dự án khác đi lừa tiếp. (Phan Dũng Khánh)
- TTCK: Không có bán tháo khi Covid-19 tái phát: Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2 tại Việt Nam với mức độ nghiêm trọng hơn, nhiều rủi ro tiềm ẩn hơn. Thế nhưng, diễn biến chung của thị trường cho thấy đa số NĐT đã hành động bình tĩnh hơn, không còn cảnh bán tháo như thời điểm đầu tháng 3. Hiện tượng thanh khoản thấp hơn so với vùng đáy cho thấy NĐT mua giá rẻ đã kìm giữ không bán ra, nên CP dễ bật tăng mạnh không cần khối lượng mua lớn. Dù vậy, điều bất lợi là lượng CP rẻ tích lũy lớn sẽ gây áp lực trong các phiên sắp tới. (Thảo Nguyên)
- TTCK: Mỹ vượt đỉnh, Việt yếu ớt: Cùng là dịch bệnh lan tràn khắp thế giới nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đang thăng hoa vượt đỉnh cao trước Covid-19 bùng phát, trong khi TTCK trong nước vẫn loay hoay dưới mốc 900 điểm, giảm khoảng 12% so với thời điểm đầu năm 2020. Sự yếu ớt của thị trường trong nước khiến nhà đầu tư (NĐT) cảm thấy khó hiểu. NĐT tiếc nuối hay cảm thấy thiệt thòi cho TTCK trong nước, cần nhìn ra thế giới để hiểu rõ hơn những hạn chế về nguồn lực của TTCK Việt Nam. (Nguyên Hà)
- Có nên hạn chế người nước ngoài mua nhà?: Sau khi có chính sách cho phép người nước ngoài được phép sở hữu nhà tại Việt Nam, nhiều ý kiến lo ngại về làn sóng người nước ngoài ồ ạt đến mua nhà. Tuy nhiên, trên thực tế không như dự đoán, nên đã có ý kiến cho rằng cần xem xét quy định hạn chế người nước ngoài mua nhà tại nước ta. Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến cảnh báo của Bộ Quốc phòng và kiến nghị của Bộ Công an, HoREA góp ý chưa cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ condotel. Thay vào đó, người nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ condotel phải thực hiện theo phương thức đầu tư tài chính theo quy định.  (Đỗ Trà Giang)
- Chuyển đổi số lối thoát mùa dịch Covid-19: Đơn hàng xuất khẩu giảm sút, hội chợ triển lãm quốc tế bị hủy không thể trực tiếp giới thiệu sản phẩm với đối tác… Để tìm lối thoát trong bối cảnh khó khăn này, nhiều DN, hiệp hội đã biến câu chuyện chuyển đổi số từ lý thuyết thành hành động thực tế.  Tương lai sẽ thuộc về DN có quyết tâm chuyển đổi số. Nơi họ không chỉ có phòng chuyển đổi số, các giám đốc chuyển đổi số sẽ là cánh tay phải đắc lực cho chủ DN. (Thanh Lâm)
- Vu lan nhất phẩm (Phương Hằng)
- Chăm sóc sắc đẹp tại nhà (Nhã Trúc)
- Viết sách khai thác đề tài đại dịch: Trong bối cảnh Covid-19 tái bùng phát khiến nhiều hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, ngành xuất bản lại giúp thị trường sách có giao dịch sôi động nhờ những tác phẩm viết về đại dịch toàn cầu. (Gia Quan)
- Du ngoạn non nước Quảng Ninh: Du khách hãy cùng trải nghiệm du thuyền trên lòng hồ Yên Lập xanh biếc, mênh mông, rồi băng qua đồi thông, rừng trúc lên vãn cảnh chùa Lôi Âm… để nhận thấy Quảng Ninh đâu chỉ có Vịnh Hạ Long, Yên Tử mà còn nhiều điểm thú vị khác cần khám phá, trải nghiệm. (Văn  Hải)
- Cuộc đua vaccine Covid-19: Ngày 11-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố cấp phép lưu hành vaccine ngừa Covid-19, với tên gọi Sputnik V. Việc đặt tên theo vệ tinh nhân tạo thời Liên Xô, cho thấy Nga muốn tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua vaccine chống đại dịch, không chỉ là bước tiến về y tế, còn chứng tỏ quyền lực, uy tín và tiền bạc của Moscow. (Văn Cường)
- Sức ép mở lại trường học: Mùa tựu trường đã đến gần nhưng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang đứng trước lựa chọn: Nên hay không nên mở cửa lại trường học? (Ngô Linh)
- Singapore: Còn nước còn tát: Chúng ta sẽ không trở lại một thế giới giống như trước Covid-19. Quá trình phục hồi vẫn sẽ mất thời gian và không suôn sẻ. Chúng ta có thể thấy những làn sóng lây nhiễm và gián đoạn tái phát. Hơn nữa, sự phục hồi sẽ không đồng đều giữa các ngành. Một số lĩnh vực sẽ dần phục hồi, trong khi những lĩnh vực khác bị thay đổi vĩnh viễn. Chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ để xây dựng nền kinh tế mới, tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn cho người dân. (Lê Hữu Huy, Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore)
Và nhiều chuyên mục khác…
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác