Đón đọc ĐTTC bộ mới số 112 phát hành thứ hai ngày 19-7-2021

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 112 phát hành ngày 19-7-2021 với nhiều chuyên mục:
- Giảm lãi suất, chuyện khó nói mãi: Hạ lãi vay suy cho cùng vẫn là câu chuyện khó có hồi kết. Mới đây, câu chuyện giảm lãi suất lại được khuấy động khi Phó Thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú giao Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng (TCTD) để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7-2021. Ngay sau đó, VNBA đã họp trực tuyến với 16 NHTM, kết quả lãnh đạo các nhà băng đều thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19. Vì vậy, thông tin giảm lãi suất cho vay có thể xem là một tin vui đối với DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Song vui nhưng cũng không thể kỳ vọng quá nhiều. 
- Xây dựng lại kịch bản khi Covid-19 vẫn còn ẩn số: Đại dịch chưa có dấu hiệu kết thúc, đang đe dọa các nền kinh tế sau những đợt bùng phát gần đây. Tuy nhiên, những “di sản” đại dịch để lại khiến hành vi và cách thức hoạt động của các cá nhân, doanh nghiệp khác đi. Như vậy biến số Covid-19 sẽ còn tiếp tục xuất hiện trong các mô hình tăng trưởng kinh tế. Khi đó, phạm vi và nguyên tắc thiết kế chính sách phải hướng đến việc kiểm soát biến số này. (Tô Công Nguyên Bảo, Trường Đại học Kinh tế TPHCM)
- Giá dầu thế giới liệu có hạ nhiệt?: Giá dầu đã tăng hơn 45% trong 6 tháng đầu năm, lên mức 80USD/thùng lần đầu tiên sau hơn 2 năm rưỡi. Dù trong nửa đầu tháng 7 giá dầu đã hạ nhiệt xuống quanh mức 71USD/thùng, nhưng các nhà phân tích ở Phố Wall tin rằng có khả năng “vàng đen” sẽ tăng cao hơn nữa trong những tháng tới. (Vinh Trang)
- Quỹ bình ổn giá: Khó kiềm được giá xăng dầu tăng: Về bản chất quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) chỉ có thể đóng vai trò giảm sốc cho thị trường trong nước khi có những tác động tăng giá đột ngột từ thị trường xăng dầu thế giới. Trong trường hợp diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng thời gian tới, quỹ BOG không thể làm thay chức năng điều tiết thị trường vì dư địa không còn nhiều. Để có thể kiểm soát tốt lạm phát từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần kiểm soát và có biện pháp kịp thời để đảm bảo nguồn cung và giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước, đặc biệt là giá xăng dầu hiện nay. (PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả  - Bộ Tài chính)
- Linh hoạt chính sách với doanh nghiệp vận tải: Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải đang đối mặt với phá sản, việc cần làm ngay của các cơ quan chức năng là linh hoạt hơn trong các chính sách để cứu DN vận tải và người lao động có thể tồn tại được qua mùa dịch. Bởi các DN vận tải hiện có thể đủ sức tự cứu mình bằng cách thay đổi hình thức, mô hình, cơ chế kinh doanh. Nhưng để họ làm được điều đó Nhà nước cần có sự linh hoạt về chính sách. (Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội)
- Điều tiết giá xăng dầu kiểm soát lạm phát:
Sử dụng công cụ chính sách để kiểm soát và ổn định giá xăng dầu trong nước lúc này là cần thiết. Điều này không chỉ góp phần làm giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, còn giúp kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm của nền kinh tế. (PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính)
- Sau đại dịch sắp xếp lại các khu công nghiệp: TPHCM sẽ có khu công nghiệp (KCN) mới 668ha tại huyện Bình Chánh, trên cơ sở của Nông trường Phạm Văn Hai. Đây được coi là KCN lớn nhất TPHCM. Đến nay toàn TP có 23/26 KCN và khu chế xuất (KCX) đi vào hoàn động. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm hoạt động, các KCN này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, kết thúc giai đoạn phát triển theo chiều rộng (diện tích và nhà xưởng lớn, nhân công đông, công nghệ cũ) chuyển sang giai đoạn theo chiều sâu dựa vào công nghiệp 4.0. Do vậy việc xem xét, đánh giá lại hệ thống này nhằm chuyển đổi sắp xếp hợp lý là điều cần thiết. (PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển TPHCM)
- Hỗ trợ không chỉ cho đi: GDP phục hồi tích cực, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, thu ngân sách vượt dự toán, dòng vốn nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào, số lượng doanh nghiệp mới tiếp tục tăng. Đây là một vài con số trong chỉ số kinh tế vĩ mô  đầy lạc quan được công bố trong báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021. Nhưng đằng sau những chỉ số đẹp này là những vấn đề đáng lo ngại. (Lê Duy Bình, GĐ Economica Việt Nam)
- Lạm phát khó tăng, GDP khó đạt mục tiêu: Theo Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm đã tăng 5,46% so với cùng kỳ 2020. Dù đây là con số không thấp nhưng cũng không phải là tốc độ tăng trưởng khả quan như kỳ vọng, khi chỉ phải so sánh với nền thấp của cùng kỳ năm trước (GDP trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng  1,82%). Trước mắt, việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động của Chính phủ rất cần thiết nhưng không bao giờ đủ, nếu các hoạt động trong lĩnh vực này chưa được bình thường hóa trở lại. Giải pháp căn cơ vẫn là phải có vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng. (TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính)
- Doanh nghiệp xuất khẩu kẹt trong thế khó: 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ, thủy sản, dệt may, da giày… đã đạt được kết quả rất khả quan. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm đơn hàng tiếp tục dồi dào. Thế nhưng, các doanh nghiệp (DN) tại TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam đang mắc kẹt trong thế khó. (Thanh Dung)
- Huy động ít, cho vay nhiều nhà băng lấy vốn từ đâu?:
Nửa đầu năm 2021, nền kinh tế phục hồi giúp tín dụng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, huy động vốn của các NHTM lại không khả quan do chịu sự cạnh tranh các kênh sinh lời cao hơn. Để bù đắp thanh khoản, NHTM đang đẩy mạnh huy động từ nguồn khác. (Cát Tường)
- Thời chứng chỉ quỹ ETF?: Những phiên lao dốc kinh hoàng vừa qua khiến cho nhiều nhà đầu tư (NĐT), đặc biệt là NĐT F0, thua lỗ nặng. Trước tình trạng này, nhiều NĐT đã chuyển hướng đầu tư vào các chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF nhằm hạn chế rủi ro. Trước khi quyết định đầu tư vào CCQ ETF, NĐT cần hiểu rõ các đặc trưng của quỹ như loại hình hoạt động, mục tiêu đầu tư, đặc tính rủi ro, phương thức giao dịch. Những nội dụng này dều được thể hiện trong bản cáo bạch hay điều lệ quỹ. (Kim Giang)
- Gánh nặng VN Index từ cổ phiếu ngân hàng: Xu hướng tăng trưởng trung hạn kéo dài hơn 15 tháng của thị trường chứng khoán (TTCK) dường như đang đi đến đoạn cuối. Kể từ đầu tháng 7, VN Index đã sụt giảm 9%. Theo đó, ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) rất đậm nét trong hơn 140 điểm đã bốc hơi khỏi chỉ số này. Đà tăng trưởng lợi nhuận của các NH  Việt Nam chắc chắn sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm 2021, do các NH  đều đã ghi nhận lợi nhuận tăng cao trong 6 tháng đầu năm. (Nguyên Hà)
- “Mua nhà, đổi nhà 0 đồng”, bẫy nợ đang chờ?: Chỉ cần có sẵn một bất động sản (BĐS) hay tài sản nào đó, khách hàng có thể được chủ đầu tư kết hợp với ngân hàng  đảm bảo khoản vay để mua  tài sản khác không phải bỏ thêm tiền. Đó là chính sách “mua nhà 0 đồng”, “nhà đổi nhà 0 đồng” được chủ đầu tư tung ra trong mùa dịch Covid-19 để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, xung quanh “đòn bẩy” này đã có nhiều ý kiến trái chiều. (Đỗ Trà Giang)
- Trợ lý ảo dành riêng cho gia đình (Nhã Trúc)
- Lặn lội thân cò miền cửa biển: Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy, huyện Giao Thủy, Nam Định có cửa biển Ba Lạt, là nơi con sông Hồng hòa vào biển Đông. Vùng đất nơi đây với hàng ngàn ha nước lợ là nơi sinh sống của nhiều loại thủy hải sản. Với nguồn lợi thiên nhiên phong phú, hàng ngày có hàng trăm phụ nữ lặn lội từ khắp mọi nơi vào mưu sinh. Nắng gió, mặn tanh và những gian lao của cuộc mưu sinh khiến chúng ta liên tưởng họ với những con cò chăm chỉ kiếm ăn nơi bờ sông, đầm bãi. (Văn Hải)
- Kinh tế các nước sống chung với dịch: Israel và Ấn Độ: Sống chung với dịch Covid là làm sao vừa bảo đảm an toàn cho người dân, vừa giữ kinh tế phát triển. Cho đến nay, trọng tâm của các nước đều nằm ở chiến lược tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, với việc SARS-CoV-2 không ngừng tạo ra những biến thể mới, việc đạt miễn dịch cộng đồng ngày càng khó khăn. (Vĩnh Cẩm)
- Gắn kết toàn cầu để giải thảm họa từ Covid: Đại dịch Covid-19 đã hoành hành khắp thế giới từ năm 2020. Khi đối diện với một mối đe dọa chung mang tính bất định và dai dẳng như vậy, nhiều người đã tin rằng những mâu thuẫn giữa các quốc gia sẽ phải mờ nhạt dần để các bên cùng ngồi lại giải bài toán khó cho cả nhân loại. Thế nhưng câu chuyện đã hoàn toàn khác, mọi thứ diễn ra đã dập tắt hy vọng về “cơ trong nguy”. (Lê Dương Anh Tuấn, Trường Đại học Kinh tế TPHCM)
Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác