Doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán 30.000-40.000 đồng/tấn từ giữa tháng 4

Giá xi măng từ giữa tháng 4/2021 được nhiều doanh nghiệp điều chỉnh tăng từ 30.000-40.000 tấn.

Giá xi măng tăng thêm đến 40.000 đồng/tấn từ giữa tháng 4/2021. Ảnh: Vicem
Từ giữa cuối tháng 4/2021, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán xi măng.

Như khu vực miền Trung, từ ngày 15/4, Công ty TNHH Thương mại xi măng Công Thanh điều chỉnh tăng 30.000 đồng/tấn, áp dụng với tất cả các sản phẩm xi măng Công Thanh bao KPK.

Xi măng Vicem Hoàng Mai cũng tăng 30.000 đồng/tấn đối với tất cả các sản phẩm xi măng của doanh nghiệp nay. Việc tăng giá áp dụng cho tất cả các nhà phân phối và đại lý trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

CTCP xi măng Bỉm Sơn từ 21/4 cũng điều chỉnh tăng giá bán thêm 30.000 đồng/tấn với các sản phẩm của mình.

Với các doanh nghiệp như CTCP xi măng Hoàng Long, CTCP Xi măng Xuân Thành, Nhà máy Xi măng Duyên Hà và Công ty xi măng Long Sơn, mức tăng giá là 40.000 đồng/tấn, áp dụng từ  21/4.

Lý giải việc doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán, ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho rằng việc tăng giá này là hợp lý và đã được các doanh nghiệp cân nhắc từ cuối năm 2020.

Nguyên nhân là chi phí nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất xi măng như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao, giá cước vận chuyển và giá nhân công liên tục tăng thời gian qua.

"Các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán xi măng để đảm bảo chi phí sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng", Hiệp hội Xi măng lý giải.
Doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán 30.000-40.000 đồng/tấn từ giữa tháng 4 ảnh 2 Cả nước hiện có 90 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, tại khu vực phía Bắc, giá xi măng đến tay người tiêu dùng dao động 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn. Giá xi măng tại khu vực miền Nam từ 1,5 -1,6 triệu đồng/tấn.

Việc người tiêu dùng miền Nam phải gánh mức giá giá xi măng cao hơn miền Bắc được Hiệp hội Xi măng Việt Nam lý giải là do sản xuất tại chỗ của miền Nam không đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi năm phải chuyển từ miền Bắc vào miền Nam khoảng 15 -16 triệu tấn xi măng. Mức giá cao là do phải chịu cước phí vận chuyển cao từ Bắc vào Nam.

Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, trong quý I-2021, tình hình tiêu thụ xi măng khá tốt. Tổng lượng tiêu thụ xi măng, clinker trong 3 tháng đầu năm đạt 21,6 triệu tấn, tăng 2,6% so với quý I/2020. 
Tính riêng tiêu thụ xi măng nội địa quý I đạt 13,48 triệu tấn, xuất khẩu đạt 3,59 triệu tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Xuất khẩu clinker cũng tăng 7,3%, đạt 4,53 triệu tấn. Tiêu thụ xi măng trở thành điểm sáng trong bức tranh tiêu thụ vật liệu xây dựng. 
Cả nước hiện có 90 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm, nhưng thực tế có thể sản xuất 122 triệu tấn/năm. Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam dự báo từ quý II/2021, thị trường tiêu thụ xi măng tiếp tục phát triển tốt. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 được ngăn chặn hiệu quả cùng với việc tái khởi động lại các dự án bất động sản, xây dựng và đà phục hồi chung của nền kinh tế, sản lượng sản xuất và tiêu thụ xi măng được kỳ vọng sẽ tăng.

Các tin khác