Đìu hiu biên mậu

(ĐTTCO) - Các tỉnh biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai có hoạt động biên mậu, du lịch rất mạnh mẽ, sôi động do có nhiều cửa khẩu và danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên hơn tháng nay các hoạt động này trở nên trầm lắng, đìu hiu vì ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Vắng như chùa Bà Đanh
 “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”, câu thơ được lưu truyền hàng trăm năm nay khi nói tới những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng danh bất hư truyền của xứ Lạng luôn hấp dẫn và thu hút được rất nhiều du khách phương xa. Chợ đêm Kỳ Lừa nằm ngay tại trung tâm thành phố Lạng Sơn từ nhiều năm nay, đã trở thành địa danh mua sắm, vui chơi không thể bỏ qua với du khách và người dân địa phương vào mỗi buổi tối khi chợ mở tất cả ngày trong tuần, từ 7 giờ tối cho tới 23 giờ đêm. 
Đìu hiu biên mậu ảnh 1 Cửa khẩu Tân Thanh tạm dừng thông quan.
Thế nhưng khi chúng tôi tới chợ đêm Kỳ Lừa vào những ngày trung tuần tháng 2, đúng vào dịp có hội chợ Kỳ Lừa và hội đền Kỳ Cùng kéo dài từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, không khí nơi đây vô cùng ảm đạm. Cả con phố Kỳ Lừa và Trần Đăng Ninh vắng tanh dù mới chập tối. Cả khu chợ vốn sầm uất giờ chỉ lèo tèo vài quầy cố mở bán để duy trì hoạt động, ánh đèn heo hắt từ vài quầy hàng càng khiến không gian thêm hiu quạnh. 
Đeo khẩu trang kín mít, ngồi lướt facebook để giết thời gian, chị Lê Thị Hà chủ quầy hàng 52 kinh doanh quần áo, giày dép buồn bã: “Suốt từ hôm mùng 6 Tết tới nay, cả khu chợ này ế ẩm nặng nề, hầu như không có khách tới. Quầy của tôi có khi 3-4 ngày chẳng bán đôi giày nào nhưng vẫn phải mở để giữ khách”. Ế ẩm hơn là khu vực chuyên doanh đồ điện tử khi cả dãy hơn 10 quầy hàng đều phủ bạt kín, thậm chí một số quầy còn treo biển sang nhượng. Theo đại diện Ban quản lý chợ đêm Kỳ Lừa, chợ có khoảng 300 quầy hàng thì có hơn nửa số quầy hàng tạm nghỉ, số còn lại dù cố gắng mở hàng nhưng cũng chẳng có mấy khách mua. 
Đìu hiu biên mậu ảnh 2 Các chợ, trung tâm thương mại và cửa hàng tại cửa khẩu Tân Thanh hầu hết đều dừng hoạt động.
Tương tự, tại các trung tâm kinh doanh nổi tiếng khác ở Lạng Sơn như chợ Đông Kinh, Giếng Vuông, trung tâm thương mại Vincom, siêu thị Thành Đô, Đồng Tiến... cũng rơi vào tình trạng "vắng như chùa Bà Đanh". Người dân địa phương cho biết, sau Tết Nguyên đán, tại Lạng Sơn có nhiều lễ hội nổi tiếng thu hút rất đông du khách tới tham quan, mua sắm. Nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, tất cả lễ hội đều không tổ chức nên lượng du khách tới xứ Lạng du Xuân rất ít. Trong khi đó, thống kê sơ bộ của Sở Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết lượng du khách tới Lạng Sơn trong nửa đầu tháng 2 giảm 60-70% vì lo ngại dịch bệnh.

Đình trễ mọi hoạt động 
Từ thành phố Lạng Sơn, chúng tôi ngược lên khu vực cửa khẩu biên giới. Tại cửa khẩu Tân Thanh tiếp giáp biên giới Việt - Trung, được xem là trung tâm biên mậu lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn, cũng như các tỉnh biên giới phía Bắc, cũng là không gian vắng vẻ, không còn những đoàn dài xe container chở hoa quả, hàng hóa để xuất sang Trung Quốc như mọi khi. Cũng ở trong thực trạng này là khu chợ Tân Thanh, chợ Hồng Kông và Trung tâm thương mại Việt Trung. Các cửa hàng phía bên ngoài dãy phố của chợ Tân Thanh hầu hết đều đóng cửa im lìm, nếu có chỉ là vài quán nước ven đường. Còn trong chợ cũng chỉ lác đác vài quầy hàng phía ngoài cổng mở lấy lệ vì chẳng có khách mua hàng. 
Đìu hiu biên mậu ảnh 3 Tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, hàng đoàn xe container xếp hàng chờ thông quan.
Ông Lê Huy Linh, một tiểu thương chuyên kinh doanh đồ điện tử tại chợ Tân Thanh, cho biết các quầy hàng tại đây phần lớn là  người Trung Quốc kinh doanh. Hàng ngày họ sang đây buôn bán, tới chiều tối lại về nước. Nhưng khi có dịch Covid-19, việc xuất nhập cảnh bị tạm dừng nên các quầy hàng đều đóng cửa. Các quầy hàng mở cửa là của người dân địa phương nhưng cũng chẳng bán được gì, vì khách mua hàng tại chợ cửa khẩu Tân Thanh chủ yếu là khách du lịch nhưng giờ vắng hẳn.
Rời cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Tại đây đập vào mắt chúng tôi là hàng đoàn xe container chở hoa quả xuất khẩu của các tỉnh phía Nam đang nằm dài chờ được thông quan. Trong khi chờ tới lượt được thông quan, anh Lê Tín một lái xe ở Vũng Tàu đã bắc bếp nổi lửa nấu cơm ngay bên vệ đường. Chia sẻ với chúng tôi, anh Tín cho biết xe anh chở thanh long ra ngoài này đã được 10 hôm, chờ hết tại cửa khẩu Tân Thanh xong không đưa được hàng qua, phải chuyển sang bên cửa khẩu Hữu Nghị để chờ xuất hàng nhưng nằm đây cũng đã 2 ngày vẫn chưa tới lượt. "Xe đông quá, gọi đồ ăn mãi cũng tốn kém, tôi quyết định nấu cơm ăn tại chỗ, chứ không chuyến này về lỗ nặng..."- anh Tín chia sẻ. 
Cũng cùng cảnh vạ vật nằm chờ để được thông quan, lái xe Lê Huy Thanh ở Phan Thiết, cho biết, hầu hết  xe hàng tại đây đều chở hoa quả xuất khẩu, nên cứ 2 tiếng phải nổ máy xe để chạy máy lạnh khoảng 20 phút nhằm giữ nhiệt độ ổn định bảo quản cho hàng không bị hỏng. Chi phí cho khoản tiền dầu chạy máy lạnh cả triệu đồng/ngày. Do dịch bệnh, hàng bán sang bị lỗ nên chủ hàng cũng không hỗ trợ thêm tiền cho anh em lái xe.
 Theo ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, do dịch bệnh nên mọi hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam đều phải tạm dừng. Tuy nhiên theo thỏa thuận đã đạt được giữa đại diện ban ngành tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc), phía bạn sẵn sàng tiếp nhận hàng hóa chuyển cửa khẩu từ Tân Thanh sang cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Nhưng do dịch bệnh phức tạp nên việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc vẫn rất chậm. Hiện nay, tại cửa khẩu Hữu Nghị vẫn còn ùn ứ hàng trăm xe container chờ xuất hàng, vì mỗi ngày tại đây cũng chỉ xuất được một hai chục xe. “Cùng việc phối hợp với bên Trung Quốc tìm giải pháp để việc lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, trước mắt chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để các lái xe, doanh nghiệp nắm thông tin, hạn chế đưa hàng hóa lên cửa khẩu trong tháng 2 nhằm giảm thiểu rủi ro thiệt hại” - ông Tường cho biết.  

Các tin khác