Dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại EU

(ĐTTCO) - Hết tháng 8-2020, xuất khẩu hàng dệt may đạt 19,2 tỷ USD, giảm 11,6%. Để bù đắp việc thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước xoay trở bằng cách tăng thị phần nội địa, thay đổi chủng loại hàng hóa, cố gắng mở rộng thị phần thị trường EU, tranh thủ cơ hội từ EVFTA.
Căng thẳng giảm kim ngạch xuất khẩu
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may tính chung 8 tháng giảm 11,6%. Đáng lo ngại là đà giảm này chưa dừng lại, dự báo đến cuối năm giảm tiếp từ 10%-15% do dịch Covid-19. TPHCM - một trong những khu vực có kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục nhiều năm qua, lần đầu tiên ghi nhận mức giảm mạnh: 8 tháng năm 2020, ước đạt 3,02 tỷ USD, giảm 20,4% so với cùng kỳ. Hai thị trường xuất khẩu lớn là Hoa Kỳ giảm 24,16% (chiếm 29,83% kim ngạch), châu Âu giảm 24,97% (chiếm 12,05% kim ngạch).
Theo Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, số lượng đơn hàng xuất khẩu của các DN trên địa bàn thành phố đã giảm khoảng 25% trong tháng 4 và hơn 30% trong tháng 5. Dự kiến 6 tháng cuối năm, mức giảm này có thể thấp hơn, ước khoảng 14%-18%. Hiện tỷ lệ tồn kho toàn ngành dệt may rất cao, lên đến 118,7%. Có khoảng 20% DN dệt may buộc phải tạm ngưng hoạt động. Các DN còn lại phải cắt giảm lao động và cơ cấu lại hoạt động sản xuất.
Dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại EU ảnh 1 May veston xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu tại Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè
Ảnh: CAO THĂNG
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM cho rằng, dịch kéo dài đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường xuất khẩu của ngành dệt may. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ngoại trừ hàng hóa thiết yếu và thực phẩm. Thực tế này kéo sức mua toàn cầu giảm mạnh, hệ quả là hàng loạt hãng thời trang phải đệ đơn xin phá sản.
Đơn cử như chuỗi cửa hàng Brook Brother, New York & Co (sở hữu 378 cửa hàng bán lẻ và đại lý), JCPenny (sở hữu 850 cửa hàng bán lẻ toàn cầu)… Gần đây nhất vào tháng 4-2020, mạng lưới “Dệt may bền vững của khu vực châu Á” (STAR) đã phải tổ chức họp với các hiệp hội sản xuất dệt may lớn từ Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, Pakistan và Việt Nam.
Cuộc họp đưa ra những giải pháp liên kết nhằm buộc các thương hiệu thời trang và hệ thống bán lẻ cân nhắc những tiêu cực từ quyết định hoãn, hủy đơn của họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh các hệ thống bán lẻ, thương hiệu thời trang không chịu nổi sức ép sụt giảm tài chính nên khó đáp ứng những kiến nghị trên. Các DN nhập khẩu viện dẫn điều khoản “bất khả kháng” trong hợp đồng để tạm dừng các đơn đặt hàng.
Phải cạnh tranh được về giá thành
Trước thực tế trên, xoay chiều thị trường là hướng đi mà nhiều DN dệt may đang triển khai. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, DN dệt may đã chuyển sang sản xuất đơn hàng phục vụ thị trường nội địa. Những sản phẩm chính chủ yếu là mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ lao động, y tế và thời trang nhanh… nhắm vào phân khúc giá rẻ hoặc tầm trung. Dự đoán, từ nay đến cuối năm, mức tiêu thụ nội địa hàng may mặc tăng khoảng 5%, tương đương khoảng 200-250 triệu USD.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhấn mạnh, mức gia tăng 5% hàng dệt may dự kiến trên thị trường nội địa chỉ giải quyết được nhu cầu rất nhỏ so với năng lực sản xuất của ngành dệt may trong nước, không thể bù đắp việc thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu. Bởi phải cần đến hơn 7 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay mới bằng mốc của năm 2019.
Và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) là cơ hội tốt nhất để DN Việt Nam làm được điều này. Hiện hàng dệt may Việt Nam vào EU khoảng 5 tỷ USD/năm, tương đương khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của thị trường EU. Nếu so với vị thế thứ 6 thế giới của Việt Nam về xuất khẩu dệt may, thì con số trên rất khiêm tốn.
Tuy nhiên, ông Trường khuyến nghị, có 2 yếu tố mà DN dệt may trong nước phải tính đến nếu muốn tận dụng cơ hội từ EVFTA để gia tăng thị phần tại EU. Đó là phải cạnh tranh được về giá thành (so với hàng dệt may Bangladesh vốn có giá thấp hơn) và thời gian giao hàng nhanh (so với hàng dệt may của Thổ Nhĩ Kỳ vì có lợi thế sát biên giới EU).
Tận dụng tốt thuế suất ưu đãi từ EVFTA, hàng dệt may trong nước sẽ cạnh tranh được với hàng dệt may Bangladesh. Về yêu cầu giao hàng nhanh, ngoài những cải thiện năng lực logistic, DN rất cần các cơ quan chức năng nhanh chóng cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan, nhất là giảm triệt để kiểm tra chuyên ngành. Ngành dệt may cần chủ động chuyển đổi nhập khẩu nguyên liệu từ những nước đã ký FTA với Việt Nam, đồng thời đã ký FTA với EU để tận dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp.
Bên cạnh đó, cung ứng sản phẩm dệt may chuyên dụng, kỹ thuật cao, đa chi tiết hoặc đồ bảo hộ lao động, thể thao, y tế. Về lâu dài hơn, DN cần tính đến yếu tố chuyển đổi công nghệ sản xuất, cải thiện năng lực quản trị và đầu tư cho yếu tố trách nhiệm xã hội, môi trường… Đây là những hướng đi cần thiết để ngành dệt may có thể trụ vững trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay.

Các tin khác