Dè dặt với dự tính mở lại chợ truyền thống

(ĐTTCO) - Để bảo đảm cung ứng thực phẩm cho TP HCM, cần sớm tổ chức lại hoạt động kinh doanh thực phẩm tươi sống ở các chợ truyền thống. Nhưng hiện không có nhiều chợ mạnh dạn chuẩn bị cho phương án này
Một góc chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM) còn hoạt động. Ảnh: AN NA
Một góc chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM) còn hoạt động. Ảnh: AN NA

Tính đến chiều 15-7, số chợ ngưng hoạt động trên địa bàn TP HCM đạt kỷ lục với 194 trong tổng số 237 chợ (bao gồm 3 chợ đầu mối). Ở kênh phân phối hiện đại, có 7 siêu thị (bao gồm cả những siêu thị lớn), cùng 82 cửa hàng tiện lợi đang phải đóng cửa vì có liên quan Covid-19. Tính ra, 48 chợ, 99 siêu thị và 2.772 cửa hàng tiện lợi còn hoạt động đang phải "gánh" trách nhiệm chăm lo bữa ăn mỗi ngày cho hơn 10 triệu dân TP.

"Chia lửa" với siêu thị

Những con số "biết nói" trên cho thấy nguồn cung hàng hóa, thực phẩm cho người dân TP đang bị ảnh hưởng nặng, tác động lớn tới những người dân có thu nhập thấp, không có khả năng dự trữ mà phải mua thực phẩm sử dụng hằng ngày.

Trước tình thế cấp bách, Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu các quận, huyện, TP Thủ Đức xem xét tổ chức lại hoạt động kinh doanh rau củ quả, thịt cá tại các chợ truyền thống đang tạm đóng cửa để cung cấp hàng hóa cho người dân. Sở Công Thương TP đã nhanh chóng triển khai đến các địa phương về phương án mở lại hoạt động bán thực phẩm tươi sống tại chợ truyền thống.

Theo đó, mỗi chợ sẽ chọn một số tiểu thương có đủ năng lực cung cấp các mặt hàng thiết yếu là rau củ quả, thịt, cá; hàng hóa được chia sẵn theo từng túi, bán đồng giá để bảo đảm giao dịch diễn ra nhanh chóng, người mua đến lấy hàng - trả tiền và hạn chế tiếp xúc...

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, cho rằng nếu được tổ chức thực hiện đồng bộ, phương án này sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng quá tải tại các siêu thị, cửa hàng đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm phong phú hơn cho người dân TP, giải quyết được tình trạng hàng hóa không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân tại một số khu vực những ngày gần đây.

"Trong điều kiện bình thường, hệ thống phân phối hiện đại chiếm khoảng 30% thị phần. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, không có chợ tự phát, số chợ truyền thống đóng cửa tăng nhanh, liên tục dẫn đến việc các siêu thị, cửa hàng tiện lợi dù đã nỗ lực tăng nguồn thực phẩm tươi sống lên gấp 2-3 lần nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân" - ông Phương nêu thực tế.

Ông Phương cho biết thêm Sở Công thương rất lo lắng nên đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn này. Trước mắt, sở đang nỗ lực vận động các doanh nghiệp (DN) có năng lực và điều kiện như Viettel Post, VNPost, DN logistic, thương mại điện tử tham gia bán hàng thực phẩm lưu động.

Một số hệ thống phân phối lớn dù đang tất bật phục vụ lượng khách mua sắm tại chỗ lẫn online tăng đột biến, vẫn cố gắng bố trí nhân sự, sắp xếp hàng đưa đến bán cho người dân các khu vực "nóng". Các DN bán lẻ cũng đã điều chỉnh phương thức bán hàng trực tiếp lẫn online theo hướng giảm số lượng mặt hàng, ưu tiên mặt hàng thiết yếu, bán theo combo để giảm thời gian, tiết kiệm nhân lực, nâng cao tối đa năng lực cung ứng hàng hóa để gánh cho kênh chợ truyền thống đang giảm nhanh, liên tục.

Thận trọng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng ban quản lý chợ Thái Bình (quận 1, TPHCM) cho biết ban quản lý chợ đã chuẩn bị sẵn quyết định mở lại hoạt động cho tiểu thương ngành thực phẩm tươi sống, sẽ ban hành vào sáng 16-7.

Theo đó, từ 19-7, chợ Thái Bình sẽ tổ chức cho 99 hộ tiểu thương ngành rau củ quả, thịt, cá được bán luân phiên theo phương án đã được Sở Công thương hướng dẫn, trong đó đặc biệt chú ý các biện pháp phòng chống dịch.

"Lo nhất là khi chợ mở cửa lại, người dân các quận khác đổ về mua sắm nên việc tổ chức phải thật chặt chẽ, dự kiến mỗi đợt chỉ cho khoảng 50 người vào đi chợ" - ông Châu tính toán.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng ban quản lý chợ Xã Tây (quận 5, TPHCM), cũng cho hay đang xây dựng kế hoạch tổ chức lại hoạt động kinh doanh rau củ quả, thịt, cá tại chợ.

"Chúng tôi sẽ bố trí tiểu thương tại một dãy sạp, mỗi sạp cách nhau 3 m, còn 2 dãy bỏ trống để thực hiện giãn cách. Ban quản lý chợ sẽ phối hợp cùng hội nữ phường 10 và 11 tổ chức phát phiếu đi chợ cho người dân, bảo đảm chợ chỉ phục vụ cư dân 2 phường này.

Hơn 100 tiểu thương ngành thực phẩm tươi sống tại chợ sẽ được sắp xếp bán luân phiên theo ngày, điều kiện là tiểu thương phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 và cam kết thực hiện đúng các quy định do ban quản lý đưa ra, bao gồm bán hàng đúng giá" - ông Sinh chia sẻ.

Theo ông Sinh, nếu phương án này được UBND quận 5 chấp thuận, khả năng đầu tuần sau chợ Xã Tây sẽ đi vào hoạt động, và là chợ đầu tiên tại quận 5 thí điểm mô hình này. Nếu hiệu quả, khả thi sẽ đề nghị nhân rộng ra các chợ khác trên địa bàn.

Tuy nhiên, chợ Xã Tây và chợ Thái Bình chỉ là 2 trong số rất ít chợ truyền thống đang tạm đóng cửa tại TPHCM có kế hoạch cụ thể cho việc tổ chức hoạt động trở lại ngành hàng thực phẩm tươi sống. Trong khi nhiều quận, huyện - bao gồm những quận huyện đã đóng cửa 100% chợ truyền thống, các cửa hàng/siêu thị tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu - còn rất thận trọng trong việc triển khai phương án này. Những địa phương này cho biết họ đang chờ hướng dẫn của cơ quan y tế.

Phó Chủ tịch UBND 1 quận giải thích do nhiều khu vực gần chợ truyền thống đang có ca lây nhiễm, các chợ chưa có đánh giá bảo đảm an toàn phòng chống dịch để mở cửa trở lại. Khi nào quận xét thấy đủ an toàn thì mới cho hoạt động trở lại chợ truyền thống.

"Chúng tôi đang yêu cầu các chợ xây dựng phương án sao cho khi mở lại chợ phải bảo đảm các khâu và cần hội đủ các yếu tố về môi trường mua sắm, con người, thời gian… đặc biệt là yêu cầu phòng chống dịch", phó chủ tịch quận nhấn mạnh.

Cũng với lý do này, một số quận, huyện khác cho biết sẽ cân nhắc thí điểm cho bán rau củ, thịt cá tại chợ khi bảo đảm an toàn, còn hiện tại dịch đang phức tạp, rủi ro cao nên chưa có kế hoạch.

Không nên chỉ dựa vào hệ thống phân phối hiện đại

Một chuyên gia bán lẻ có nhiều năm kinh nghiệm tại TPHCM phân tích với diễn biến hiện tại, việc dựa hoàn toàn vào kênh phân phối hiện đại là thiếu an toàn, nếu không muốn nói là rất rủi ro.

Gánh nặng cung ứng hàng hóa dồn hết vào kênh phân phối hiện đại trong khi nguồn lực của kênh này đã huy động ở mức tối đa, rủi ro đứt gãy nếu xảy ra ca F0 tại tổng kho hoặc tại nhiều điểm bán cùng lúc là rất lớn, khi đó bài toán cung ứng hàng hóa cho TP càng khó hơn nhiều lần.

"Về an toàn phòng dịch, chợ truyền thống là môi trường thông thoáng nên nếu được tổ chức kiểm soát tốt, rủi ro lây lan sẽ ít hơn nhiều so với môi trường máy lạnh, thường xuyên quá tải của các siêu thị, cửa hàng hiện nay", chuyên gia này nói.

Các tin khác