Đẩy mạnh huy động nguồn lực từ đầu tư PPP

(ĐTTCO) - Thời gian qua, hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) đã huy động được nguồn lực lớn để đầu tư phát triển TPHCM trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn.
Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi giám sát.
Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi giám sát.
TPHCM đang quản lý 22 dự án đầu tư PPP đã ký kết hợp đồng, đang triển khai, với tổng mức đầu tư 64.244 tỷ đồng; 166 dự án PPP đang thực hiện các thủ tục đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến 324.770 tỷ đồng; kêu gọi đầu tư gần 293 dự án PPP trên các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục… với tổng mức đầu tư dự kiến 910.426 tỷ đồng.
Đó là những thông tin tại buổi làm việc sáng 3-7 của Đoàn Giám sát HĐND TPHCM do Phó Chủ tịch HĐND TP Phan Thị Thắng làm trưởng đoàn, với nội dung giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn TP. 
3 năm thu hút hơn 20.000 tỷ đồng từ BT
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, hình thức đầu tư PPP được các sở, ngành tham mưu UBND TP triển khai đúng hướng, hiệu quả, đã mang nhiều lợi ích trong việc quản lý, khai thác công trình, dịch vụ công. Theo đó, thu hút được vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân.
Giai đoạn 2015-2017, thông qua hình thức BT, TP đã huy động được 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần giải quyết nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong điều kiện ngân sách hạn chế; góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân, như giảm kẹt xe, xây dựng các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục… 
Những công trình cơ sở hạ tầng giao thông đầu mối quan trọng đã hoàn thành (cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, mở rộng Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, Nhà máy xử lý nước thải kênh Tham Lương - Bến Cát)..., từng bước thực hiện 7 Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ X. 
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết trong thời gian tới, khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, TP có thể gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án không có nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công, hoặc khó khả thi về mặt tài chính như những dự án chống ngập, cống kiểm soát triều, đê kè, di dời các hộ dân ven kênh rạch, trụ sở cơ quan nhà nước, công viên, nghĩa trang… do Luật PPP không còn quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Luật PPP cũng quy định tổng mức đầu tư tối thiểu 200 tỷ đồng và hạn chế nhiều lĩnh vực đầu tư, nên TP sẽ ít có dự án đầu tư theo hình thức PPP, sẽ khó phân cấp cho các quận huyện thực hiện kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô dưới 200 tỷ đồng.
Phó trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Cao Thanh Bình, cho biết từ năm 2016, HĐND TP đã ban hành nghị quyết cho phép UBND TP cơ chế trong quá trình các dự án thông qua chủ trương đầu tư công bằng vốn ngân sách, nếu kêu gọi được đối tác công tư PPP chuyển sang PPP. Tuy nhiên, qua giám sát chưa có dự án nào chuyển từ ngân sách sang PPP. Đây là vấn đề đại biểu đặt ra nhiều. Bởi hiện nay trên địa bàn TP có nhiều dự án trên tất cả lĩnh vực, nếu làm tốt sẽ có nhiều dự án từ ngân sách chuyển sang PPP nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách. Do đó, UBND TP cần quan tâm để kêu gọi nhiều dự án PPP hơn. 
Theo ông Bình, TP đã nỗ lực nhiều nhưng tiến độ thực hiện các dự án PPP còn chậm do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), chính sách thay đổi, tạm dừng, rà soát về pháp lý… Dự án kéo dài, chi phí quản lý, trượt giá tăng và phần thanh toán lại cho nhà đầu tư tăng cao, dẫn đến đội vốn. Do đó, khi quyết định thực hiện dự án PPP phải có cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, xác định tài sản quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư chặt chẽ hơn, giúp giảm phần phát sinh.
Chẳng hạn, việc ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện dự án còn chậm, như dự án đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2), khi thực hiện dự án nguồn lực nhà đầu tư là có, sẵn sàng bỏ vốn ứng trước. Nhưng trong quá trình thực hiện quận 2 và 9 bàn giao đất cho nhà đầu tư chậm, song lại đỗ lỗi cho nhà đầu tư chưa phối hợp với các sở, ngành trong xác định ranh, quỹ đất tái định cư. 
“Hiện nay, có những dự án vướng pháp lý như cầu đường Bình Triệu, cầu Tân Kỳ Tân Quý, các sở, ngành cần rà soát, đeo bám các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ giải quyết để tháo gỡ hướng ra cho các dự án này” - ông Bình nói. 
Đẩy mạnh huy động nguồn lực từ đầu tư PPP ảnh 1 Đường Phạm Văn Đồng dài 13km, tổng mức đầu tư 340 triệu USD, là một trong những dự án BT đầu tiên của TP do nhà đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc) thực hiện.
TP chủ động kêu gọi nhà đầu tư
Theo các đại biểu, hiện nay việc công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, ngay từ đầu nhiệm kỳ đã xác định ưu tiên thứ tự từng dự án để thực hiện. Nhưng trong quá trình thực có những lúc thiếu chặt chẽ, bỏ sót một số quy trình. Có những dự án kêu gọi nhà đầu tư thực hiện PPP và đã hoàn thành nhiều năm, nhưng chưa triển khai thu phí được do chưa ban hành giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Giải quyết tốt việc này nhà đầu tư tham gia, còn không nhà đầu tư sẽ quay lưng. 
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, cho rằng việc thực hiện PPP do TP khởi xướng, với nhiều ưu điểm là huy động nguồn lực tư nhân, nguồn lực nước ngoài tham gia đầu tư phát triển hạ tầng góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP. Nhu cầu vốn cho quản lý và phát triển TP không chỉ dừng ở các ngành kỹ thuật, còn ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa… Nguồn lực hiện nay rất lớn và hình thức đầu tư không chỉ dừng lại ở BT, BOT mà phải có loại hình khác. 
Các giai đoạn để chuẩn bị triển khai dự án PPP quy định đầy đủ có tổ chức dự án, kêu gọi đầu tư, có lựa chọn, triển khai thực hiện, thanh toán quyết toán. Tuy nhiên, khi thực hiện các khâu đều có lỗ hổng pháp lý. Thí dụ, đề xuất dự án có 2 nhóm là Nhà nước và nhà đầu tư, nhưng Nhà nước đề xuất dự án không ai tham gia. UBND TP đã chỉ đạo rà soát lại các dự án PPP, đồng thời kiến nghị Trung ương có quy trình để các địa phương triển khai PPP. Quy trình này cụ thể cho từng loại PPP. Chủ động đề xuất dự án để kêu gọi đầu tư, không được bị động. 
Phó Chủ tịch HĐND TP Phan Thị Thắng đề nghị có nhiều buổi kêu gọi đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Bà Thắng cho rằng, cần xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Có nhiều dự án có ý kiến thanh tra, kiểm tra nên không triển khai đúng kế hoạch. Bà đề nghị UBND TP báo cáo tổng kết các dự án thực hiện PPP thời gian qua và hiện nay để kêu gọi, huy động vốn thời gian tới, trong đó chú ý chất lượng, công nghệ trong dự án. 
UBND TP cần có giải pháp nhanh chóng tháo gỡ những ách tắc, bởi dự án kéo dài sẽ tăng tổng mức đầu tư. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra; khẩn trương ban hành quy trình triển khai các dự án PPP khi Luật PPP có hiệu lực. Các hình thức kêu gọi PPP vướng về giá, thanh toán tài sản công, UBND TP rà soát lại và có định hướng cụ thể để thanh toán cho nhà đầu tư. Về việc Nhà nước đề xuất dự án, UBND TP cần tính toán đưa vào kế hoạch đầu tư công, làm nền tảng kêu gọi đầu tư trong 5 năm tới. 

Các tin khác