Cuộc đua điện gió đếm ngược giờ G

(ĐTTCO) - Điện gió được nhìn nhận là “miếng bánh ngon”, nhưng nếu dự án không cán đích trước ngày 31-10-2021, doanh nghiệp có thể sẽ bị thiệt đơn, thiệt kép.
Cuộc đua điện gió đếm ngược giờ G

Các doanh nghiệp chạy nước rút

Những năm gần đây, điện gió thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu và đầu tư phát triển với quy mô đa dạng. Đặc biệt, nhờ Quyết định 39/2018/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió, năm 2019 được đánh giá là năm bùng nổ của ngành năng lượng tái tạo.

Chỉ còn 5 tháng nữa là kết thúc chính sách ưu đãi dự án điện gió, việc dịch Covid-19 bùng phát trở lại có thể sẽ cản trở các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là thiết bị không được cung cấp theo đúng tiến độ. Vì thế, các doanh nghiệp hiện trong giai đoạn “chạy nước rút” để dự án về đích trước ngày 31-10-2021 nhằm được hưởng ưu đãi giá FIT.

Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) hướng đến mục tiêu phát triển lĩnh vực hạ tầng điện, nước, trong đó có 3 dự án điện gió gồm 1 dự án ngoài khơi V1.3 tại Trà Vinh với tổng vốn đầu tư 87 triệu USD, 2 dự án điện gió trên bờ được phát triển ở Thuận Bình (Phú Lạc 2, Lợi Hải 2) với tổng vốn đầu tư dự kiến 80 triệu USD.

Tính đến hết quý I-2021, Nhà máy điện gió Trà Vinh số 3 tại vị trí V1.3 đã hoàn thành công trình trạm biến áp; 7 trong 12 móng của máy phát điện tuabin đã được lắp đặt; 30/36 móng đường dây chữ T và 27/36 cột đường dây chữ T đã thực hiện.

Nhà máy điện gió Phú Lạc 2 và Lợi Hải 2 cũng đang được tập trung hoàn thiện, với các công trình biến áp, đường truyền… đang đi đúng dự tính.

Với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), Tổng giám đốc Nguyễn Tâm Tiến xác định, năm nay là giai đoạn nước rút với 3 nhà máy điện gió, công suất gần 600 MW.

Tháng 4-2021, Trung Nam Group đã khánh thành Nhà máy điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận với tổng công suất 151,95 MW. Doanh nghiệp đã lường trước tình hình thị trường, nhập khẩu đủ thiết bị từ cuối năm ngoái và đầu năm nay cho các dự án để đảm bảo tiến độ.

Tại Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 PECC2 (TV2), Nhà máy điện gió Tân Thuận đã bắt đầu lắp trụ tuabin đầu tiên trong số 18 tuabin điện gió của dự án 75 MW, bao gồm giai đoạn 1 là 25 MW và giai đoạn 2 là 50 MW.

TV2 cho biết, các công đoạn đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo thiết kế, đánh dấu mốc quan trọng của dự án trên hành trình đưa nhà máy vận hành trước ngày 31-10-2021.

Dù phải đối mặt với biến động của thời tiết, điều kiện làm việc khắc nghiệt, địa hình địa chất phức tạp và đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát, Công ty phấn đấu đạt tiến độ đóng điện, vận hành và chạy thử nhà máy giai đoạn 1 trong tháng 7 tới.

Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam Gelex (GEX) cũng không nằm ngoài xu hướng đầu tư vào lĩnh vực điện gió khi đã và sẽ huy động vốn trái phiếu để rót vốn vào 5 dự án điện gió tại Quảng Trị: Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3 với công suất khoảng 50 MW; Nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 với công suất mỗi nhà máy 30 MW. Doanh nghiệp đặt kế hoạch cho các dự án trang trại điện gió mới sẽ đi vào hoạt động trước tháng 11/2021 để nhận được biểu phí đấu nối ưu đãi.

Áp lực đúng hạn

5 tháng tới không chỉ là thời gian chạy nước rút cho các dự án điện gió để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, mà các doanh nghiệp cũng nhận thấy rằng, nếu tình trạng thi công kéo dài, doanh nghiệp sẽ thiệt đơn, thiệt kép.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, nguyên Giám đốc dự án Nhà máy điện gió Sóc Trăng, điện gió ngoài khơi gặp nhiều khó khăn về điều kiện thi công, trong một năm thì gần nửa thời gian là mùa biển động, không thể xây lắp, nếu các đơn vị túc trực phương tiện thì chi phí sẽ tăng cao.

Giá tuabin hiện chiếm khoảng 36%, còn giá xây lắp chiếm 53% tổng chi phí. Điều này đặt doanh nghiệp lên bàn cân tính toán, cắt giảm tối đa thời gian xây lắp mới đạt hiệu quả về chi phí, bởi giá tuabin nhập khẩu khó có thể giảm, thậm chí có nguy cơ tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp.

Các chi phí khác như chi phí phát triển dự án, chi phí khảo sát, dự phòng, chi phí biến áp và đấu nối… cũng sẽ tạo áp lực cho nhà đầu tư.

Đáng lưu ý, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, nhiều nhà sản xuất thiết bị nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ phục vụ cho công cuộc xây lắp điện đang thay đổi hợp đồng với doanh nghiệp điện gió trong nước, do yếu tố thiên tai, dịch bệnh tác động.

Các doanh nghiệp cũng đang phải chịu sức ép từ khoản nợ ngân hàng ngàn tỷ đồng, mà tài sản thế chấp chính là các dự án. Do đó, thời gian trả nợ sẽ phụ thuộc vào thời gian hoàn vốn của dự án.

Nếu thời gian kéo dài, xây dựng nhà máy điện gió chưa tạo ra doanh thu bán điện thì việc trả lãi ngân hàng mỗi tháng là áp lực lớn, chưa kể đến số nợ gốc. Ngoài các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng cốt lõi thì với các doanh nghiệp khác, đây là ngành nghề bổ sung, nên tình trạng “giật gấu vá vai” là nguy cơ khó tránh khỏi.

Các tin khác