CPI: Tín hiệu tích cực từ tháng khởi đầu

Trong 13 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, chỉ có 6 nhóm có tốc độ tăng cao hơn, có 7 nhóm tăng thấp hơn.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2014 là 0,69%, thuộc loại thấp so với CPI tháng 1 cùng kỳ từ  năm 2002 đến nay, thấp nhất so với CPI tháng 1 cùng kỳ  trong 4 năm trước đó, thấp xa so với CPI bình quân tháng 1 của 12 năm trước (1,2%).

Trong 13 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, chỉ có 6 nhóm có tốc độ tăng cao hơn, có 7 nhóm tăng thấp hơn.

Trong đó, nguyên nhân quan trọng hàng đầu là do tổng cầu vẫn còn yếu. Việc triển khai thực hiện vốn  đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước theo thông lệ vẫn bị chậm, việc đầu tư của khu vực ngoài nhà nước chưa được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, do yếu tố chi phí đẩy tăng thấp, thậm chí đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu tính bằng VND còn giảm “kép” (vừa giảm khi tính bằng USD, vừa giảm do tỷ giá ổn định). Các trung tâm thương mại lớn chuẩn bị tốt hơn việc bán các mặt hàng bình ổn giá (tăng số lượng, tăng điểm bán hàng…).

CPI tháng khởi đầu tăng thấp cho thấy tín hiệu về khả năng CPI năm 2014 sẽ thực hiện được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra (7%). Nếu mục tiêu này  được thực hiện, thì năm 2014 sẽ là năm thứ ba liên tiếp CPI tăng thấp, không lặp lại chu kỳ “hai năm cao, một năm thấp” như đã xảy ra trong thời kỳ từ năm 2004 đến năm 2012.

Đây cũng là tín hiệu cần được lưu ý để chuyển đổi tư duy từ “kiềm chế lạm phát” (trong năm 2012 và 2013) sang tư duy “kiểm soát lạm phát” (theo mục tiêu năm 2014). Để chuyển đổi tư duy này, đòi hỏi một mặt phải bám sát, kiên định mục tiêu, mặt khác cần có giải pháp chủ động linh hoạt, bảo đảm “nhịp độ” theo thời gian trong năm, tránh tăng quá thấp, thậm chí có tháng còn giảm từ tháng 3 đến tháng 7, tăng cao vào tháng 8, tháng 9, để rồi lại tăng thấp vào những tháng cuối năm, như đã diễn ra trong năm 2012, năm 2013.

Làm được như vậy sẽ không gây ra các hiệu ứng phụ đối với sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tránh từ cực đoan này sang cực đoan khác.

Đồng thời không được chủ quan, lơ là với lạm phát cao trở lại. Ngoài các yếu tố về chi phí đẩy, cầu kéo, tiền tệ- tín dụng, tâm lý, cần đặc biệt quan tâm đến nguyên nhân sâu xa, yếu tố tiềm ẩn của lạm phát là hiệu quả đầu tư, năng suất lao động; về yếu tố này tuy có được cải thiện bước đầu, nhưng vẫn còn rất thấp so với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Các tin khác