Còn quá sớm để bắt đầu chu kỳ phục hồi mới

Mặc dù nền kinh tế đã phát đi các tín hiệu sáng, với chỉ số lạm phát ở mức thấp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, tỷ giá hối đoái ổn định… ngay trong quý 1 của năm, song đánh giá chung từ giới chuyên môn vẫn còn quá sớm để cho rằng đã bắt đầu một chu kỳ hồi phục mới.

Mặc dù nền kinh tế đã phát đi các tín hiệu sáng, với chỉ số lạm phát ở mức thấp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, tỷ giá hối đoái ổn định… ngay trong quý 1 của năm, song đánh giá chung từ giới chuyên môn vẫn còn quá sớm để cho rằng đã bắt đầu một chu kỳ hồi phục mới.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Chí Long, “niềm tin vào môi trường kinh tế vĩ mô là yếu tố hàng đầu để doanh nghiệp đưa ra các quyết định đầu tư, tuy nhiên đến thời điểm này tinh thần lạc quan còn khá xa xôi.”

“Thượng đế… nghèo”

Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội quý 1 từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 2-4, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý này ước tính tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của 3 tháng đầu năm tăng 5,2%, cao hơn mức tăng 5% của cùng kỳ năm trước, xuất siêu đạt 1 tỷ USD, bằng 3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3,9 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,9 tỷ USD.)

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,44% so với tháng 2, nhìn chung cả quý 1 tăng 0,8% và được Báo cáo đánh giá là mức tăng thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.

Về cơ bản, hầu hết các chuyên gia cho rằng mức lạm phát thấp một phần có được do chính sách điều hành hiệu quả của Chính phủ trong thời gian qua.

“Mức lạm phát thấp sẽ tạo điều kiện cho lãi suất ngân hàng giảm, góp phần để các doanh nghiệp tiếp cận vốn đồng thời đây cũng là tín hiệu vui của người tiêu dùng, nhất là những người nghèo, người có thu nhập thấp…” - ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê chỉ ra.

Song bên cạnh đó, lạm thấp phần nào phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế. Ông Ngô Chí Long nhận định, mức lạm phát thấp trong tháng 3 có 3 nguyên nhân, đó là xu hướng giảm mùa vụ sau Tết, giá lương thực-thực phẩm giảm (trong khi quyền số của ngành này chi phối gần 40% tới CPI) và cuối cùng là sức mua toàn xã hội yếu.

“Trên thực tế, nguồn cung trên thị trường dồi dào, trong khi giá bán lại giảm, nguyên lý cho thấy là do sức cầu giảm. Hiện tượng giảm giá không bắt nguồn từ chi phí sản xuất giảm, năng suất năng động tăng mà lại bắt nguồn từ sức tiêu dùng giảm, điều này đang chỉ ra thu nhập của người lao động tiếp tục thấp đi do hoạt động sản xuất khó khăn” - ông Long phân tích.

Tiền “đọng”

Để giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái hạ trần đối với một số lãi suất huy động và cho vay, đến nay mức lãi suất cho vay trên thị trường đã ở mức thấp, có lĩnh vực lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động hạn dài (7-10%).

Song mức tăng trưởng tín dụng gần như vẫn “dậm chân tại chỗ” khi số liệu từ Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hoạt động tín dụng trong tháng 1 giảm 0,55% và tháng 2 giảm 0,65% và tháng 3 tín dụng đã tăng khoảng 1,35%.

Báo cáo của Vụ Chính sách Tiền tệ chỉ rõ, nguyên nhân của vấn đề này là do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thấp đồng thời sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách và nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn...

Mới đây, các ngân hàng cũng có những động thái tích cực, phối hợp tạo ra các gói kích thích kinh tế nhằm khơi thông khu vực bất động sản vốn đang đóng băng đồng thời tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế. Đơn cử, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho ngành xây dựng bất động sản thông qua chuỗi liên kết hợp tác xây dựng.

Tuy nhiên, những hành động trên lại không được các chuyên gia kinh tế đặt nhiều kỳ vọng.
Ông Dominic P.Melor, chuyên gia Kinh tế Quốc gia, ADB tại Việt Nam cho rằng, các ngân hàng thương mại rất sợ nợ xấu, nếu không cẩn thận sẽ phải tăng áp lực trích lập dự phòng.

“Tình hình của ngành ngân hàng giờ đây đã khác rất xa với ba năm trước. Các gói kích cầu trên đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng và sẽ rất khó thực hiện, bởi vấn đề hiện nay là nằm ở phía cầu chứ không phải phía cung,” ông Melor dự báo.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Ngô Chí Long nhấn mạnh: “Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội của Chính phủ còn rất khó giải ngân, trong khi những gói kích thích sau này thuần túy là mang tính chất thương mại. Ý đồ của các gói kích thích trong bối cảnh hiện nay là khá xa vời, bởi ngân hàng tìm được đúng đối tượng vay đúng mục đích, đủ điều kiện hoàn gốc và lãi là chuyện không dễ dàng".

Các tin khác