Cơ cấu thị trường vốn, nâng cấp TTCK

(ĐTTCO)-Năm 2020 thế giới đã hứng chịu những tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều biến chủng virus mới có khả năng vô hiệu hóa vaccine, càng làm hy vọng gượng dậy của các nền kinh tế thêm mong manh. Trước yêu cầu hỗ trợ sản xuất và đầu tư, lãi suất đã được duy trì ở mức thấp. Điều này được dự báo có thể kéo dài và thúc đẩy khả năng tái cơ cấu thị trường vốn.
Hiện nay sức đề kháng của các doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố lãi suất - chi phí của nguồn vốn. Tuy nhiên, ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nguồn vốn được huy động phần lớn từ kênh chứng khoán thay vì ngân hàng (NH).
Bản chất của việc nắm giữ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) là nhà đầu tư sẽ là một phần của DN, làm tăng vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán thay vì tăng nợ.
Kể từ khi được thành lập vào năm 2000, TTCK Việt Nam dần đóng vai trò quan trọng nhưng vẫn chưa phát huy được hết khả năng cung cấp vốn trung, dài hạn của mình.
Quy mô và thanh khoản TTCK Việt Nam dù tăng trưởng mạnh qua từng năm, song vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và tính ổn định chưa cao. Giá trị vốn hóa toàn thị trường năm 2019 trong tương quan với GDP vào khoảng 102,6%. Đây là mức thấp so với Nhật Bản (337%), Singapore (257%), Malaysia (215%), Thái Lan (161%)...
Mở rộng TTCK giúp giảm bớt gánh nặng cho kênh tín dụng trong huy động vốn cho DN, sẽ hạn chế việc chạy đua tăng trưởng tín dụng với nhiều rủi ro. Bởi phần lớn NH vì phải bảo đảm thành tích đã hạ tiêu chuẩn để cho vay nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.Cuối cùng khả năng nợ xấu phát sinh làm ùn tắc dòng tiền trong nền kinh tế.
Trong khi đó, nếu các DN khi tiếp cận được với TTCK dồi dào nguồn vốn sẽ làm giảm chi phí kinh doanh đáng kể, tạo điều kiện cho điều chỉnh giá thành của hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh. Lợi thế đó mang lại sức đề kháng tốt hơn cho DN khi đương đầu với các thách thức ở dài hạn.
Trước tác động phức tạp kéo dài của Covid-19, ngành NH sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn bằng cách mở rộng tín dụng. 
Bởi hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho DN và người lao động bị ảnh hưởng trong đại dịch thông qua kênh tín dụng hiện vẫn chưa giải ngân đáng kể. Riêng gói 62.000 tỷ đồng dành cho an sinh xã hội mới giải ngân được 11,7%. Chưa kể gói hỗ trợ tài khóa hơn 180.000 tỷ đồng cũng mới giải ngân được 26,4%.
Cơ cấu thị trường vốn, nâng cấp TTCK ảnh 1 Ảnh minh họa.
Vì vậy trong thời gian sắp tới cần có định hướng hành động nhằm bảo đảm đà tăng quy mô của TTCK một cách lành mạnh. Theo đó, đối với các biến động của TTCK, không nên dè chừng hoặc chỉ đơn thuần có các biện pháp loại trừ rủi ro trong hoạt động của TTCK, mà cần có các hành động cụ thể trong cải cách thể chế, định hướng TTCK phát triển về lượng, từ đó củng cố niềm tin cho nhà đầu tư để bảo đảm về chất cho TTCK.
Việc nâng cấp TTCK cả về chất và lượng như vậy không chỉ đáp ứng nhu cầu nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, còn giúp nới rộng nguồn lực của nền kinh tế trong việc “đốt nóng” các động cơ tăng trưởng trong dài hạn, bảo đảm tiệm cận với chuẩn phát triển của các nước khác trong khu vực và trên thế giới. 

Các tin khác