Chuyến tàu 4.0 đang tăng tốc

(ĐTTCO) - Để điều hành xã hội số phải xây dựng Chính phủ số. Chính phủ phải điều hành được xã hội số. Cùng với đó, tất cả doanh nghiệp đều phải chuyển đổi số. Vận hành bằng công nghệ số, phân tích, ra quyết định phải dựa trên tư duy số hóa. Bởi trong khi chúng ta đang bàn xem nên giữ cái gì, bỏ cái gì, chuyến tàu 4.0 đã xuất phát và đang tăng tốc ngày càng nhanh hơn.

Cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của kết nối. Bởi vậy, trong cuộc cách mạng này vai trò của viễn thông, CNTT chiếm 70%. Đây là lĩnh vực Viettel đang đóng vai trò dẫn dắt. Với tư cách là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT), Viettel luôn nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc tạo ra hạ tầng và nền tảng để cuộc cách mạng này thực sự bùng nổ ở Việt Nam.
Viettel hướng đến là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ số, và đang phát triển mạnh mẽ các nền tảng cơ bản, quan trọng nhất của cuộc cách mạng này, bao gồm AI, Big Data, in 3D, Robot. Đây đều là những lĩnh vực liên quan đến thế mạnh điện tử, viễn thông, CNTT. Cùng với việc tạo ra hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để tạo ra các sản phẩm chuyển đổi số, Viettel còn xây dựng bộ công cụ và lực lượng an ninh mạng để bảo vệ an toàn trên không gian mạng, đảm bảo người dùng an tâm khi sống trong xã hội số.
Đến nay, Viettel đã xây dựng một hạ tầng mạng viễn thông di động băng rộng 4G phủ tới 95% dân số cả nước. Hạ tầng mạng siêu băng rộng cố định của Viettel chỉ còn cách mỗi hộ gia đình nông thôn khoảng 50m, còn ở thành phố gần như đã đến tận cửa nhà.
Nền tảng công nghệ điện toán đám mây được Viettel đầu tư chiều sâu hơn 10 năm qua, đã giúp giá thành lưu trữ dữ liệu giảm 3-4 lần. Viettel cũng đã thử nghiệm thành công công nghệ NB-IoT tại Hà Nội, để đưa các thiết bị nhỏ (cảm biến trên các thiết bị, thiết bị đo lường…) kết nối mạng viễn thông, chuẩn bị cho một xã hội số hóa; sẵn sàng triển khai công nghệ 5G để tạo ra kết nối băng rộng cho các ứng dụng kết nối vạn vật.
Với hạ tầng trên, Viettel đảm bảo năng lực kết nối của Việt Nam đã tương đương những nước phát triển nhất. Về AI, Viettel đang phát triển mạnh dựa trên AI phân tích giọng nói, hình ảnh, hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo, phân biệt các hành vi bất thường từ dữ liệu. Biến những giá trị thông tin thành tài sản quý giá không chỉ cho Viettel, còn thành thông tin giá trị phục vụ cho các hoạt động xã hội.
Bên cạnh đó, Viettel nghiên cứu và phát triển công nghệ blockchain, ứng dụng in 3D vào việc sản xuất các linh kiện khó, đặc biệt trong các sản phẩm của Viettel. Về robot, Viettel đã phát triển và tiến tới sản xuất robot phục vụ cả dây chuyền sản xuất và đời sống hàng ngày. 
Chúng ta còn rất nhiều cơ hội để có thể xuất phát điểm cùng với thế giới, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận hành động của chúng ta còn chậm. Để không đánh mất cơ hội của chính mình, cả xã hội từ Chính phủ đến các doanh nghiệp, cần có quyết tâm rất cao để đưa thành các hành động chuyển đổi số cụ thể.
Một thực tế trong CMCN 4.0 ở Việt Nam, người dân đang đi tiên phong. Điều này diễn ra bởi trình độ về nhận thức và đào tạo của lớp trẻ ngày càng cao, đồng thời cuộc cách mạng số đem lại nhiều lợi ích lớn hơn cho con người trong đời sống, kinh tế nên các ứng dụng của CMCN 4.0 được nắm bắt nhanh chóng. 
Uber, Grab đã phá hủy rất nhiều hãng taxi không chỉ ở Việt Nam. Amazon đã phá hủy hàng loạt hệ thống đại siêu thị ở Mỹ. Các phần mềm đặt đồ ăn nhanh đang phá hủy rất nhiều nhà hàng có mặt tiền to đẹp… Mỗi ngày chúng ta đều dần nhận ra hàng loạt vụ phá hủy như vậy. Để tham gia CMCN 4.0, chúng ta phải phá hủy nhiều thứ đã tồn tại trước đó, vì nếu không dòng chảy ấy sẽ phá hủy chúng ta. Muốn thế, tư duy cũng phải rất mạnh dạn, chấp nhận phá hủy những cái đã có. Chính sách và thể chế phải chấp nhận cái mới.
 Việt Nam cũng đã nhận thức rõ về cơ hội của CMCN 4.0 mang lại và nguy cơ của việc “lỡ chuyến tàu công nghệ này”. Chính vì thế chỉ đến trước năm 2020, Việt Nam bắt buộc phải bắt kịp chuyến tàu 4.0. Tức, tất cả đều phụ thuộc vào năm 2019 này.

Các tin khác