Chủ động sân chơi hội nhập

Trong năm 2014, 3/6 FTA đang đàm phán đã cơ bản hoàn tất và các bên đã ký các Tuyên bố chung về kết thúc hoặc hướng kết thúc đàm phán, gồm FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA), FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA), FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA).
 

Có lẽ sau giai đoạn gia nhập WTO, chưa khi nào vấn đề hội nhập quốc tế lại được nhắc tới nhiều như hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu bởi năm 2015 Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, đồng thời chính thức tham gia thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay.

Trong năm 2014, 3/6 FTA đang đàm phán đã cơ bản hoàn tất và các bên đã ký các Tuyên bố chung về kết thúc hoặc hướng kết thúc đàm phán, gồm FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA), FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA), FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA).

Đối với các hiệp định còn lại, Việt Nam cũng đang gấp rút hoàn tất các khâu đàm phán cuối cùng, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu.

Cho tới nay, công tác hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Trong lĩnh vực kinh tế, hội nhập đã góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu với mức tăng trưởng hàng năm 18%, qua đó tạo công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước.

Tuy nhiên, công tác hội nhập quốc tế vẫn còn những hạn chế, tồn tại; trong đó nổi lên là việc quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết thành kế hoạch của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa cụ thể; một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động hội nhập quốc tế; hoạt động phối hợp có nơi, có lúc còn chưa tốt; có những mảng, lĩnh vực về hội nhập thiếu chủ động trong triển khai thực hiện…

Tại phiên họp về vấn đề này hôm 3-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, cả thế giới là một thị trường, xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa trên các lĩnh vực, trong đó lấy hội nhập kinh tế làm trung tâm.

Vì vậy, cần chủ động hơn trong tham gia, định hình luật chơi chung nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần tập trung mạnh vào thúc đẩy đàm phán các FTA thế hệ mới, phát huy lợi thế của các FTA đã được ký kết để phục vụ cho các mục tiêu phát triển.

Sắp tới, Thủ tướng sẽ ban hành một chỉ thị về tiếp tục chỉ đạo thực hiện hội nhập quốc tế, với tinh thần triển khai hiệu quả, trách nhiệm và sâu rộng hơn nữa hoạt động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, cũng cần xác định rằng doanh nghiệp chính là chủ thể của hội nhập kinh tế. Nếu doanh nghiệp không chủ động trong cuộc chơi hội nhập, triển vọng thua trên sân nhà là hệ quả khó tránh. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nhận thức của người dân và cả cộng đồng doanh nghiệp về ASEAN và các hiệp định thương mại còn thấp. Đến thời điểm này, có khoảng 60-80% doanh nghiệp chưa hiểu rõ về AEC.

Song song với việc hội nhập cộng đồng ASEAN, theo kế hoạch trong thời gian 2-5 năm tới, nước ta sẽ hội nhập khu vực thị trường rộng lớn gồm 57 đối tác của các FTA, chiếm 64% dân số toàn cầu. Tuy vậy, đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn thiếu chủ động trong việc đề ra chiến lược kinh doanh để chuẩn bị cho hội nhập quốc tế sâu rộng.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập quốc tế sâu rộng, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ các nước trong khu vực, ngay cả trong thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu; nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan.

Đồng thời, chủ động đổi mới hoạt động quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá thương hiệu. Các doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tái cấu trúc, đưa các ứng dụng chuyên ngành vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu ở những lĩnh vực lợi thế, như sản phẩm điện tử, linh kiện; phụ tùng, thiết bị máy móc, các loại nông sản, gạo, cao su… Các doanh nghiệp cũng phải học cách thích ứng với những bất định và rủi ro của thị trường để nắm bắt các cơ hội đang mở ra.

Các tin khác