Chợ tạm đóng cửa, chợ lớn giãn cách, bà nội trợ đi siêu thị tại nhà, đơn hàng online tăng nóng

(ĐTTCO) -Theo Sở Công Thương TPHCM, thành phố hiện có 2.550 điểm bán trực tuyến các mặt hàng thiết yếu, kết hợp giao hàng tại nhà. Danh sách các điểm bán được đăng tải trên website của Sở, có các thông tin rất chi tiết về tên điểm bán, địa chỉ, số điện thoại, thời gian hoạt động, hình thức giao hàng trực tuyến...
Lượng khách mua trực tiếp tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ thực phẩm không còn đông đúc mà chuyển sang hình thức chọn thực phẩm trực tuyến, giao hàng tận nhà. Ảnh: K. Ngân
Lượng khách mua trực tiếp tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ thực phẩm không còn đông đúc mà chuyển sang hình thức chọn thực phẩm trực tuyến, giao hàng tận nhà. Ảnh: K. Ngân

Giãn cách chợ truyền thống, đóng chợ tạm, người dân TPHCM mua sắm ra sao?

Các chợ truyền thống tại TPHCM đang thắt chặt việc quản lý, phòng dịch trước tình hình dịch bệnh phức tạp, một số chợ đã có ca mắc Covid-19. Người dân cũng có tâm lý e ngại hơn khi đến chợ mua sắm. Do đó, vài ngày qua, nhiều chợ truyền thống tại TPHCM như chợ Bà Chiểu, Thị Nghè, Đa Kao, Tân Định… không còn cảnh đông đúc.

Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), các con đường xung quanh đều được lực lượng chức năng lập chốt, chỉ cho lưu thông một chiều, phân luồng, giới hạn người vào bên trong mua hàng. Riêng các con đường nhỏ kết nối với các hẻm ra vào chợ được chặn hoàn toàn. Khi vào lồng chợ mua hàng, buộc phải khai báo y tế, đo thân nhiệt.

Chợ Đa Kao trên địa bàn quận 1 cũng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch tương tự. Tại quận 11, Ban quản lý chợ Bình Thới đã thực hiện phát thẻ để giãn mật độ mua sắm bên trong. Hình thức này được tiểu thương và người dân ủng hộ trước tình hình dịch phức tạp.

Theo quy định của Sở Công Thương TP.HCM, hiện chỉ có tiểu thương bán hàng thiết yếu, thực phẩm các loại được phép hoạt động, tiểu bán bán hàng ăn uống chỉ phục vụ mang đi, còn lại các ngành hàng kinh doanh khác buộc phải tạm ngưng hoạt động để phòng dịch. Do đó, bên trong nhà lồng chợ không còn cảnh đông đúc, việc giãn cách giới hạn người mua cũng được tiểu thương tuân thủ.

Đáng chú ý, dù cấm chợ tự phát, giãn cách chợ truyền thống nhưng hàng loạt cửa hàng tiện lợi bán thực phẩm như Vissan, Bách Hóa Xanh, VinMart+, Hiền Hà… cũng không còn cảnh đông người mua sắm như những ngày trước.

Tại hệ thống siêu thị như Big C, Co.opmart, VinMart… ngày cuối tuần nhưng lượng người mua sắm cũng không khác ngày trong tuần. Phần nhiều khách mua cũng chỉ quan tâm đến các loại rau quả, thịt cá, thực phẩm khô.

“Gần đây, một số siêu thị lớn phải tạm đóng cửa do có ca nghi mắc Covid-19 đến mua sắm khiến tôi không yên tâm. Còn chợ truyền thống lại đông đúc. Do đó, tôi chuyển hẳn sang mua sắm online mọi thứ, từ rau củ thịt cá cho đến hóa mỹ phẩm”, chị Ái Như (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết.

Đơn hàng online tăng vọt

Chợ tạm đóng cửa, chợ lớn giãn cách, bà nội trợ đi siêu thị tại nhà, đơn hàng online tăng nóng ảnh 1 Các siêu thị  cam kết hàng hóa dồi dào, đa dạng, giá không tăng, giao hàng nhanh chóng theo nhu cầu tiêu dùng của khách mua trực tuyến đặt hàng qua điện thoại.  Người dân TPHCM, nhất là các khu vực phong tỏa, không lo thiếu hàng hóa, thực phẩm. Ảnh: K. Ngân
Tâm lý người dân ngại đến siêu thị, chợ truyền thống để mua hàng, vì lo lay nhiễm Covid-19 đã thúc đẩy sức mua tăng nóng tại các chợ thương mại điện tử, siêu thị kinh kinh doanh trực tuyến giao hàng tận nơi. Trong đó, nóng nhất là mua sắm hàng thiết yếu, thực phẩm dùng hàng ngày.
Đại diện Saigon Co.op cho biết vài ngày qua, lượng khách mua trực tiếp tại các siêu thị thuộc hệ thống tăng từ 20 - 30% tùy quận. Giá trị hóa đơn trung bình tăng nhẹ. Điều này phản ánh tâm lý người dân mua thêm hàng hóa để hạn chế ra ngoài, nhưng ở mức độ vừa phải, không có tình trạng ồ ạt gom hàng.

“Tuy lượng khách trực tiếp đến siêu thị không tăng cao, nhưng số lượng đặt hàng qua điện thoại, tổng đài và các ứng dụng công nghệ có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trong hai ngày qua đã tăng đột biến gần gấp 5 lần”, đại diện Saigon Co.op cho hay.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm online, mới đây, doanh nghiệp bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm thuộc 5 ngành hàng, gồm thực phẩm tươi sống, hóa phẩm, hàng may mặc và đồ dùng nhà bếp lên trang cooponline.vn, để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến, đặc biệt tại TPHCM.

“Khi khách mua hàng, các đơn hàng đặt trước 12h sẽ được siêu thị chốt đơn và giao hàng trong ngày. Các đơn đặt hàng chốt sau 12h siêu thị bố trí giao vào hôm sau”, đại diện Saigon Co.op nói.

Hệ thống bán lẻ của Central Retail gồm Big C, Go!, Tops Market cũng ghi nhận đơn online tăng 100 - 200% tùy ngày, chủ yếu ở khu vực TPHCM.

Trong khi đó, ứng dụng mua sắm của Aeon Việt Nam cho biết mức tăng gấp 4 - 6 lần cả về số lượng đơn hàng và giá trị mỗi giỏ hàng.

Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam, cho biết, hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ những ngày qua lượng khách đến mua sắm trực tiếp tăng khoảng 20%. Riêng đơn đặt hàng online tăng trên 50%.

Chợ tạm đóng cửa, chợ lớn giãn cách, bà nội trợ đi siêu thị tại nhà, đơn hàng online tăng nóng ảnh 2
Chợ tạm đóng cửa, chợ lớn giãn cách, bà nội trợ đi siêu thị tại nhà, đơn hàng online tăng nóng ảnh 3 Lượng đơn hàng online tăng vọt, các siêu thị tất bật tăng nguồn hàng, tăng lượng nhân viên giao nhận để đáp ứng nhu cầu giao hàng, đặc biệt với thực phẩm tươi sống. Ảnh: DV
Mặt hàng có sức mua tăng mạnh là các sản phẩm thịt heo, tăng từ 2-3 lần tại các điểm bán khác nhau của hệ thống. Ngoài ra, các loại thịt gà và các sản phẩm tươi sống khác cũng có sức mua rất tốt.

"Để đảm bảo nguồn cung hàng hoá, đặc biệt mặt hàng thịt heo, chúng tôi đã chuẩn bị ngay từ đầu năm 2021, với các kế hoạch cung ứng sản lượng lớn từ các nhà cung cấp lớn, gồm MEATDeli và các doanh nghiệp lớn khác có năng lực cung ứng tới 1.800 con heo thịt mỗi ngày. Hiện tại, nguồn cung hàng hoá vẫn đảm bảo đầy đủ, đáp ứng chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân", ông Trinh cho biết.

Cũng theo ông Trinh, hiện hơn 6.500 nhân viên bán hàng tại các vùng tâm dịch, trong đó có TPHCM, đã được tiêm mũi 1 vaccine Covid-19. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, nhân viên tại hệ thống bán lẻ, ngoài tuân thủ nghiêm ngặt giải pháp 5K của Bộ Y tế, doanh nghiệp đã thiết lập 3 tuyến phòng dịch riêng. 

Không chỉ kênh bán lẻ, các sàn thương mại điện tử cũng ghi nhận sức mua tăng nóng, trong đó, tập trung nhiều nhất vẫn là nhóm hàng thực phẩm, hàng thiết yếu, hóa mỹ phẩm.

Theo đại diện Lazada, thực phẩm tươi sống đang trở thành xu hướng, trải khắp các mặt hàng từ rau củ, thịt cá và trái cây tươi, đặc biệt là nho, táo, vải thiều. So với hồi tháng 5, mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại sàn này đang chiếm ưu thế vượt trội trong nhu cầu tìm kiếm. Số lượng người mua và sức mua mỗi ngày đều tăng gần 70%.

Chợ tạm đóng cửa, chợ lớn giãn cách, bà nội trợ đi siêu thị tại nhà, đơn hàng online tăng nóng ảnh 4 Thống kê của Sở Công Thương TPHCM, thành phố hiện có 2.550 điểm bán trực tuyến các mặt hàng thiết yếu, kết hợp giao hàng tại nhà, là điểm bán của các hệ thống bán lẻ từ siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm . Ảnh: H. Minh
Các ứng dụng giao hàng như Grab, Be, Now, Baemin… cũng tích cực trong dịch vụ đi chợ hộ, vận chuyển đơn hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm online tăng mạnh của người dân.

Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, thành phố hiện có 2.550 điểm bán trực tuyến các mặt hàng thiết yếu, kết hợp giao hàng tại nhà. Đây là điểm bán của các hệ thống bán lẻ từ siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm cho đến cửa hàng tiện lợi. Danh sách các điểm bán được đăng tải trên website của Sở và có các thông tin rất chi tiết về tên điểm bán, địa chỉ, số điện thoại, thời gian hoạt động, hình thức giao hàng trực tuyến.

Lãnh đạo Sở Công Thương cũng khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến, không nên tích trữ, tập trung đông người gây nguy cơ lây lan dịch bệnh bởi hệ thống phân phối hàng hóa vẫn hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các hàng hóa thiết yếu.

Các tin khác