Chợ đầu mối Hóc Môn đóng cửa có khiến đứt gãy nguồn cung?

(ĐTTCO) - ỗi ngày chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (TPHCM) cung ứng ra thị trường khoảng 2.600-2.700 tấn thực phẩm gồm thịt gia súc, rau củ quả, trái cây.

Ngày 26-7, để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn (TPHCM) Dương Hồng Thắng đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn từ 0h ngày 28-6 đến 0h ngày 4-7.

Chuyển sang mua bán online

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết hiện tại, chợ tạm thời phong tỏa 33 sạp trái cây và 3 sạp rau củ quả Đà Lạt, vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19.

Trong ngày cuối trước khi tạm dừng hoạt động, số lượng hàng hoá nhập về chợ giảm còn 1.500 tấn; trong đó rau, củ, quả gần 1.200 tấn, trái cây hơn 500 tấn và thịt heo gần 300 tấn. Chợ ưu tiên cho những tiểu thương mua sỉ về cung cấp cho các chợ lẻ, hạn chế lượng người dân vào mua lẻ theo diện gia đình dùng.

Theo ông, việc tạm thời đóng cửa chợ 7 ngày từ ngày 28-6 là điều cần thiết trong thời điểm này.

Chợ đầu mối Hóc Môn đóng cửa có khiến đứt gãy nguồn cung? ảnh 1 Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TPHCM. Ảnh: T.T.
"Trên địa bàn huyện Hóc Môn đang xuất hiện nhiều ổ dịch rất phức tạp, và đến nay đã ghi nhận 19 ca bệnh trong phạm vi chợ", ông nói.

Trong thời gian đóng cửa, công ty sẽ tập trung thực hiện xịt rửa chợ, phun khử khuẩn và tiến hành tiêm vaccine cho khoảng 4.000 thương nhân và cán bộ, nhân viên làm việc tại chợ để người dân yên tâm mua, bán.

Bên cạnh đó, công ty sẽ xây dựng kế hoạch xử lý tình huống phòng dịch khi chợ hoạt động trở lại, đồng thời xác định vị trí mặt bằng thuận lợi ngoài khu vực chợ để hỗ trợ các phương tiện vận tải ở xa (chưa kịp tính toán phương án vận chuyển khác) tập kết tạm hàng hóa vào sáng 28-6.

Theo ông Dũng, việc tạm dừng các hoạt động tập kết trực tiếp tại chợ có ảnh hưởng đến lượng cung ứng thực phẩm ra thị trường.

"Tuy nhiên, trong thời gian đóng cửa chợ, thương nhân sẽ chủ động bán hàng qua điện thoại, giao trực tiếp tới khách mua hàng. Xe hàng có thể đậu xung quanh các khu vực ngoài chợ, giao nhỏ ra từng mối sỉ thay vì tập kết một nơi nhiều như trước", ông thông tin.

Do đó, ông Dũng khẳng định chợ vẫn đảm bảo đủ lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường, không để xảy ra hiện tượng khan hàng và tăng giá trong thời điểm toàn thành phố đang giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.

Chị Cầm, chuyên mua bán rau, củ quả Đà Lạt tại chợ cũng cho biết từ ngày mai gian hàng chị sẽ ngừng bán tại chợ trong một tuần. "Tuy nhiên, tôi sẽ vẫn nhập về số lượng ít hơn thường ngày và giao hàng trực tiếp cho những mối nhập sỉ quen của cửa hàng", chị nói.

"Người chăn nuôi nên bình tĩnh"

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cũng cho rằng khi chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngừng kinh doanh 7 ngày, sẽ khiến các doanh nghiệp chăn nuôi tại tỉnh bị ảnh hưởng, bởi Đồng Nai là khu vực cung cấp hơn 50% tổng lượng heo cho thị trường TPHCM.

Chợ đầu mối Hóc Môn đóng cửa có khiến đứt gãy nguồn cung? ảnh 2 Việc tạm dừng các hoạt động tập kết trực tiếp tại chợ đầu mối Hóc Môn sẽ ảnh hưởng đến lượng cung ứng thực phẩm ra các chợ truyền thống. Ảnh: Quỳnh Danh.
Tuy nhiên theo ông Công, chuỗi cung ứng sẽ không bị cắt đứt hoàn toàn mà các thương nhân ở TPHCM vẫn nhập heo từ Đồng Nai về, và trực tiếp gọi điện, phân phối tới các điểm nhỏ, lẻ thay vì qua chợ Hóc Môn như trước.

"Giá heo hơi tại Đồng Nai có thể sẽ trầm lắng trong vài ngày, sau đó sẽ trở lại bình thường bởi các thương nhân có sự linh động trong khâu phân phối giữa người mua và người bán", ông nói với Zing.

Theo Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, thời điểm này người chăn nuôi tại Đồng Nai nên bình tĩnh, bởi đây là khó khăn chung của cả nước, không riêng gì ngành chăn nuôi.

"Nếu đàn heo đạt an toàn sinh học, năng suất ổn định sẽ giữ được mức giá có lợi cho người tiêu dùng và người chăn nuôi", ông khẳng định.

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là 1 trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TPHCM, chợ đầu mối này là điểm trung chuyển, cung ứng hàng thực phẩm, nông sản phía Tây Bắc thành phố. Hiện, chợ có diện tích là 100.000 m2 với 350 sạp, tổng thương nhân, lao động và cán bộ nhân viên tại chợ khoảng 4.000 người.

Số lượng xe vào chợ khoảng 10.000 lượt xe/ngày, trong đó xe hai bánh khoảng 5.000 lượt, xe tải và xe 3 bánh các loại khoảng 5.000 lượt. Số lượng người đến chợ khoảng 15.000 lượt/ngày đêm, giờ cao điểm số lượng người hoạt động tại chợ khoảng 10.000 người.

Tỷ trọng hàng hóa lưu thông qua chợ đầu mối (hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố tại các chợ đầu mối như mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60-70% thị phần thị trường TPHCM. 

Các tin khác