Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3-2014

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, nhìn tổng thể quý I-2014, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực trên các mặt, tạo tiền đề để chúng ta phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong những quý tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, nhìn tổng thể quý I-2014, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực trên các mặt, tạo tiền đề để chúng ta phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong những quý tới.

 

Hôm 1-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2014.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội quý I-2014 tiếp tục có những chuyển biến tích cực; lạm phát được kiềm chế, giá cả thị trường khá ổn định, cung-cầu hàng hóa được bảo đảm.

So với tháng 12-2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. GDP tăng cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; lãi suất được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tỷ giá, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định.

Xuất khẩu tăng cao, có xuất siêu; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp tuy chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh những vẫn tiếp tục phát triển; khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao; vốn ODA và FDI thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, đời sống người dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa được quan tâm.

Thực hiện đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn

Bày tỏ cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các thành viên Chính phủ cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế cần tập trung khắc phục như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức cao.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản giảm sút; giá lương thực sụt giảm; tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng, tiến độ giải ngân gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại đạt thấp; thị trường bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn...

Nhiều ý kiến thành viên Chính phủ đề xuất, cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là khai thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu đi liền với kích thích, phát triển thị trường nội địa...

Bộ trưởng GTVT và một số thành viên Chính phủ cho rằng cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch để phát huy hiệu quả các nguồn vốn, đồng thời làm tăng tổng cầu.

Quan tâm đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm quốc gia đi đôi làm tốt công tác tái định cư, hỗ trợ, tạo việc làm cho người dân vùng dự án; ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư xây dựng các cầu treo dân sinh; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, chế độ công chức, công vụ...

Nêu bật những chuyển biến tích cực về thị trường tiền tệ, thị trường vàng, xử lý nợ xấu... Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay, NHNN đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong xử lý nợ xấu, triển vọng xử lý khoảng 70-100 nghìn tỉ đồng nợ xấu trong năm 2014 theo mục tiêu là hoàn toàn có thể thực hiện được, hiện tỷ lệ nợ xấu cũng đã giảm mạnh, còn khoảng 7%.

Các Phó Thủ tướng: Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh, Phạm Bình Minh đề nghị cần đặc biệt quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; xem xét, cân đối lại nguồn vốn đối ứng đối với các dự án ODA, đảm bảo giải ngân ODA đạt hiệu quả cao nhất; tận dụng mọi cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực của Việt Nam; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư cũng như thu hút đầu tư nước ngoài...

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề xuất cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy hải sản, phát triển dịch vụ; quyết liệt hơn nữa trong cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; sớm công bố kết quả kiểm tra giá sữa tại 5 doanh nghiệp vừa được thanh tra.

Tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng từ tình hình thực tế trong quý I, trong quý II và thời gian tới các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục bám sát các chỉ đạo, nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP để triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ theo lĩnh vực, chức năng của mình.

Trước hết cần quan tâm tăng tổng cầu đầu tư, tăng tín dụng gắn liền với đảm bảo chất lượng tín dụng, giải quyết nợ xấu; thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, quan tâm bố trí vốn đối ứng, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình trọng điểm, nhất là các công trình giao thông. “Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 dứt khoát không thể nói là thiếu vốn; các đoạn đường cao tốc có ý nghĩa rất quyết định đối với  phát triển kinh tế-xã hội, phải cố gắng đảm bảo vốn đầu tư...”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát tốt giá cả thị trường; nhân rộng mô hình bình ổn giá được triển khai hiệu quả ở TP. Hồ Chí Minh; sớm công bố kết quả thanh tra về giá sữa ở các công ty đã tiến hành thanh tra; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường; xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo giá trị gia tăng lớn

Đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm thị trường mới để tăng xuất khẩu; chủ động, tích cực, sớm kết thúc thành công đàm phán đi đến ký kết các hiệp định thương mại tự do với các đối tác, qua đó góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư.

Quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu ngân hàng; tái cơ cấu doanh nghiệp với trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Đồng thời tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp; thực hiện hiệu quả hơn Chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nông dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống...

Tiếp tục quan tâm đến công tác cải cách hành chính; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông; chủ động đấu tranh trấn áp các loại hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự, tội phạm ma túy; quyết liệt phòng chống buôn lậu ở khu vực biên giới...

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững; chủ động phòng chống dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm.

Nhấn mạnh việc số người chết vì bệnh lao mỗi năm nhiều hơn số người chết bởi tai nạn giao thông (theo báo cáo), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế đặc biệt quan tâm tập trung chỉ đạo công tác phòng chống bệnh lao và phải làm cho được việc này.

Liên quan đến việc tổ chức Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD 18 vào năm 2019), Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ VHTTDL trong tuần tới báo cáo phương án cụ thể việc đăng cai tổ chức Đại hội để Thủ tướng Chính phủ có ý kiến và phải làm chặt chẽ việc này, tránh tình trạng để“người dân không đủ thông tin, nói Chính phủ làm sao mà hời hợt thế”. Thủ tướng nói: Chủ trương là đồng ý nhưng phải có kế hoạch, phương án bảo đảm khả thi thì mới làm, còn không khả thi thì không làm.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xem xét tính toán bố trí vốn để tiếp đầu tư cho Chương trình nhà ở chống lũ miền Trung; bố trí vốn đầu tư xây dựng các cầu treo dân sinh, trước hết ở những nơi thực sự bức xúc.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác cung cấp thông tin một cách trung thực, khách quan cho dư luận, báo chí, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Các tin khác