Chẳng ích lợi gì cho dân

(ĐTTCO) - Rất nhiều người dân bức xúc khi phải “chôn chân” trên đường trong những ngày tết, nhất là ở các trạm thu phí. Và họ càng bức xúc hơn khi biết rằng đã có giải pháp để xử lý nhưng vẫn xảy ra ùn tắc.

(ĐTTCO) - Rất nhiều người dân bức xúc khi phải “chôn chân” trên đường trong những ngày tết, nhất là ở các trạm thu phí. Và họ càng bức xúc hơn khi biết rằng đã có giải pháp để xử lý nhưng vẫn xảy ra ùn tắc.

 

Một thực trạng cũ, giải pháp cũng chẳng có gì ghê gớm nhưng chỉ đạo và thực hiện lại rối rắm, không hiệu quả.

Chiều 14-2, tình trạng ùn tắc giao thông đoạn qua trạm thu phí Sông Phan (Hàm Minh, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) kéo dài gần 1km. Cả ba làn thu phí (hướng đi TP.HCM) lúc nào cũng có xe chờ lấy vé qua trạm.

Làn đường hằng ngày dành cho xe quá khổ và xe máy cũng được tận dụng để bán vé cho ôtô qua trạm nhưng vẫn không đủ giải tỏa được do lượng xe quá đông.

Ở phía Bắc, người dân cũng phản ảnh từ những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân đến mùng 7 tết, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra rất trầm trọng tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Có hôm ùn tắc kéo dài nhiều giờ liền, phải mất 30-45 phút, một ôtô mới thoát khỏi đoạn đường dài chưa đầy 1km trước trạm thu phí.

Vâng, ùn tắc vẫn xảy ra dù đã có giải pháp xử lý. Ngày 12-2 (mùng 5 tết), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có văn bản về “tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong các ngày cao điểm còn lại của Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội xuân 2016”.

Theo đó, trong tình huống bị ùn tắc, trạm thu phí phải mở tất cả các cửa và không thu phí để giải tỏa ách tắc.

Có chỉ đạo rồi thì sao? Ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở đầu các trạm thu phí do “không thu thì tiếc” mặc dù chủ đầu tư biết thu sẽ tắc đường.

Tại sao phải đến mùng 5 tết mới có chỉ đạo “xả trạm”? Chỉ đạo này quá muộn, lẽ ra nó phải có từ trước tết để còn có thể bàn bạc, triển khai, thậm chí cần thiết tập dượt, để khi “có biến” là áp dụng ngay.

Không chỉ thế, nó còn phải cụ thể, rõ ràng, từng tình huống để không ai có thể tranh cãi là đã đủ điều kiện hay chưa đủ điều kiện để xả trạm.

Thậm chí Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan phải xây dựng một “quy trình xử lý ùn tắc trước các trạm thu phí”, khi có chuyện là nhấn nút thực hiện chứ không chờ đến lễ, tết có nguy cơ xảy ra ùn ứ.

Đó mới thể hiện được vai trò của quản lý nhà nước, là phải đón đầu, dự báo được tình hình để có những chỉ đạo kịp thời chứ không phải chạy theo thực tế.

Cần chấm dứt thể hiện trách nhiệm quản lý nhưng chẳng đến đâu, có chỉ đạo rồi tình hình vẫn không biến chuyển vì đó chỉ là sự đối phó của cơ quan quản lý nhà nước, hay cũng có thể xem đó là giải pháp hình thức, chẳng ích lợi gì cho dân.

Làm được thế, chắc là hàng vạn người dân không phải bực mình ngồi chờ trên quốc lộ.

Các tin khác