Chậm cải tiến năng suất lao động khó đạt mục tiêu tăng trưởng

(ĐTTCO)- Cần đẩy nhanh hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất chất lượng, nâng cao năng suất lao động mới tăng sức cạnh tranh của các DN để đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. 
Đổi mới dầy chuyền công nghệ giảm bớt chi phí nhân công, giảm công đoạn sản xuất giúp tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.
Đổi mới dầy chuyền công nghệ giảm bớt chi phí nhân công, giảm công đoạn sản xuất giúp tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam năm 2020 vẫn thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan; 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, NSLĐ của Việt Nam tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia và 10 năm so với Thái Lan.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã cũng đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện NSLĐ, nhờ đó đã có những cải thiện đáng kể, cả về giá trị và tốc độ. Tuy nhiên, cần đẩy nhanh hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất chất lượng, tích cực ứng dụng các giải pháp công nghệ mới góp phần nâng cao NSLĐ, nâng cao sức cạnh tranh của các DN để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.  

Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, một trong những hướng ưu tiên trọng tâm của Bộ Công Thương là hỗ trợ các DN triển khai các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng, thông qua các hoạt động của Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp.

“Không dừng lại ở những mô hình điểm, không chỉ dừng lại ở các hiệu quả về mặt nâng cao năng suất, chất lượng,… Dự án đã góp phần nâng cao năng lực tự thực hiện các hoạt động cải tiến tại DN. Qua đó đã gắn kết, tác động lan tỏa tích cực tới yêu cầu và triển khai đổi mới công nghệ, thiết bị tại DN, từ đó góp phần giúp các DN chủ động phát triển”, ông Hòa cho hay.

Dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp nằm trong Chương trình Quốc gia về nâng cao năng suất, chất lượng cho các DN Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì và thực hiện trong giai đoạn 2012 – 2020. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Công Thương trong triển khai Chương trình là hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng thông qua áp dụng các công cụ cải tiến hiện đại cũng như hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, từ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Bà Nguyễn Việt Hà, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, sau 8 năm thực hiện, 99 % các DN đều khẳng định Chương trình đã nâng cao năng lực tự thực hiện các hoạt động cải tiến của DN, tạo ra sự lan tỏa tạo ra phong trào năng suất chất lượng cho mỗi DN cũng như toàn ngành Công Thương. 

“Chương trình đã gắn liền với nhu cầu của các DN khi hỗ trợ thiết thực những mong muốn về cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm và NSLĐ. Bộ Công Thương đã quan tâm nhiều đến vấn đề về phát triển hệ sinh thái, để khi các DN muốn thực hiện các hoạt động cải tiến sẽ có được những chuyên gia tư vấn giỏi, hoặc những đơn vị tư vấn giỏi cùng sự hỗ trợ kịp thời từ các hệ sinh thái để các DN có thể thực hiện tốt quá trình này”, bà Hà chỉ rõ.

Có thể nói, hoạt động cải tiến, nâng cao NSLĐ chính là hoạt động tự thân của mỗi DN, vấn đề là làm sao để DN phải có ý thức và tạo ra những động lực này. Chính vì thế, thời gian vừa qua Bộ Công Thương tập trung chủ yếu về các hỗ trợ các công cụ cải tiến, các hệ thống quản trị cho DN, nhưng trong giai đoạn tiếp theo cách tiếp cận của chương trình sẽ mang tính toàn diện hơn.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Việt Hà, Chương trình Quốc gia về nâng cao năng suất, chất lượng cho các DN Việt Nam giai đoạn tới sẽ tiếp cận theo toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như vòng đời sản phẩm. Ưu tiên đầu tiên của Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các DN để nghiên cứu phát triển sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

“Quá trình hỗ trợ DN trong thời gian tới sẽ là những mô hình toàn diện, tích hợp công nghệ quản trị, công nghệ sản xuất và hướng tới DN chuyển đổi số. Ở khâu sản xuất của DN, chương trình sẽ không chỉ hỗ trợ về công nghệ quản trị và các công cụ, các hệ thống mà giải quyết vấn đề NSLD bằng hiện đại hóa công nghệ sản xuất theo xu hướng công nghệ 4.0 đang rất phát triển. Các DN không thể nằm ngoài xu hướng đấy”, bà Hà thông tin. 

Số liệu cập nhật từ hội thảo mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cho thấy, NSLĐ năm 2020 của Việt Nam tính theo giá so sánh năm 2010 chỉ tăng 5,4% (so với mức tăng 6,2% năm 2019, và ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây), đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương 5.081 USD/lao động). Mức tăng này cao hơn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Nhưng theo đánh giá của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, mức tăng này chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác, nên Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện năng suất quốc gia. Để thực hiện được những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế thì chìa khóa chính là nâng cao NSLĐ của Việt Nam.

Các tin khác