Cấp thiết Đổi mới lần 2

Nền kinh tế thị trường Việt Nam hướng đến phải là nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại tương tự như kinh tế thị trường tại các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Hiện vẫn còn khoảng chênh lệch rất lớn về trình độ phát triển của thị trường của nền kinh tế Việt Nam so với nền kinh tế các quốc gia nói trên, trước hết về tư duy và quan niệm.
 

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu lớn trên nhiều mặt, được thừa nhận rộng rãi cả trong và ngoài nước. Bản chất đổi mới của 30 năm qua về cơ bản là tự do hóa thị trường ở trong nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Tuy vậy, thực tế hiện nay cho thấy cải cách tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ, nhất quán hơn sang kinh tế thị trường có trình độ phát triển cao hơn, đang trở nên hết sức cần thiết và cấp bách không kém so với khởi đầu cải cách chuyển sang kinh tế thị trường cách đây gần 30 năm.

Nền kinh tế thị trường Việt Nam hướng đến phải là nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại tương tự như kinh tế thị trường tại các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Hiện vẫn còn khoảng chênh lệch rất lớn về trình độ phát triển của thị trường của nền kinh tế Việt Nam so với nền kinh tế các quốc gia nói trên, trước hết về tư duy và quan niệm.

Ở Việt Nam, quan điểm chính thống vẫn chưa tin vào thị trường và kinh tế thị trường; trong khi ở các nền kinh tế như OECD, người ta tin vào thị trường như thể chế hữu hiệu nhất trong huy động và phân bổ nguồn lực; thị trường là trung tâm của thể chế kinh tế; nhà nước và xã hội dân sự là các trụ cột vừa bổ sung, vừa khắc phục các khiếm khuyết của thị trường nhằm làm cho thị trường vận hành tốt hơn, hoàn hảo hơn.

Ở các nền kinh tế thị trường khác, nhà nước và thị trường được coi như hai bàn tay của con người, vô hình và hữu hình, cùng hoạt động và bổ sung cho nhau, tạo thành sức mạnh. Còn ở Việt Nam nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Như vậy, Nhà nước không phải là bàn tay hữu hình của nền kinh tế, không song hành và bổ sung cho thị trường, mà đứng trên thị trường, điều khiển thị trường; nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, một cơ chế do bộ máy nhà nước thiết lập nên, không phải là thị trường như một thể chế khách quan.

Khác biệt cơ bản này là nguyên nhân tạo nên hàng loạt khác biệt khác, đồng thời cũng là nguyên nhân cơ bản tạo nên hàng loạt nút thắt thể chế ngăn cản hoặc làm chậm tiến trình cải cách kinh tế đang dang dở ở Việt Nam. Các nút thắt đó vừa hạn chế sự hình thành và phát triển các loại thị trường, vừa tạo thêm sự méo mó, sai lệch thị trường, nhất là thị trường yếu tố sản xuất. Thị trường về cơ bản chưa làm tốt chức năng huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực suy giảm. Do đó, Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình ngay khi mức thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp.

Bản chất của các nút thắt nói trên lại nằm ở phía Nhà nước. Nhà nước rõ ràng chưa thực hiện được chức năng cơ bản nhất của mình là thiết lập thể chế hỗ trợ và bảo đảm thị trường các loại vận hành một các đầy đủ nhất có thể, trái lại đang làm cho thị trường trở nên méo mó, làm đậm thêm thất bại của cả Nhà nước và thị trường.

So với các nền kinh thế thị trường hiện đại, nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam khác biệt không chỉ về quy mô, phạm vi, cơ cấu tổ chức nhà nước và các cơ quan nhà nước, mà cả về tư duy, cách thức, công cụ, năng lực và thái độ của đội ngũ công chức trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước nói chung và của cán bộ, công chức nói riêng.

Có thể nói, cải cách 30 năm qua ở Việt Nam mới chủ yếu tập trung vào giảm và thu hẹp vai trò và chức năng của Nhà nước, chưa có đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước; chưa thay đổi cơ bản tư duy về kinh tế thị trường, về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Về cách thức quản lý, công cụ và mệnh lệnh hành chính vẫn được sử dụng phổ biến; chế độ làm việc tập thể kéo dài từ hệ thống cũ, khiến bộ máy, các quy trình ra quyết định và việc điều hành, thực thi các quyết định của Nhà nước rất khó cải thiện được tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Nhà nước pháp quyền chưa hình thành đầy đủ; chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, tính độc lập cũng như cơ chế phân công, phối hợp và giám sát lẫn nhau giữa 3 bộ phận của hệ thống quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp) chưa thật minh bạch, hợp lý, gây trở ngại cho cả 3 trong phát huy vai trò đích thực của mình.

Năng lực bộ máy đã tỏ ra không còn phù hợp với trình độ phát triển cao hơn của thị trường; hoạt động kém hiệu lực và hiệu quả. Vì vậy, làn sóng Đổi mới lần 2 đã trở nên rất cần thiết. Có một số điểm giống và khác nhau giữa làn sóng Đổi mới lần 1 và Đổi mới lần 2. Điểm tương đồng cơ bản là nội hàm của Đổi mới vẫn chuyển mạnh mẽ và chuyển dứt khoát sang kinh tế thị trường.

Tuy vậy, Đổi mới lần 1 Nhà nước thu hẹp phạm vi, vai trò và chức năng của mình, tạo dư địa cho thị trường và khu vực tư nhân tồn tại và hoạt động; còn Đổi mới lần 2 là phải nâng cấp trình độ phát triển thị trường của nền kinh tế; làm cho thị trường các loại, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo cạnh tranh thị trường công bằng và có trật tự; khắc phục các hạn chế hay thất bại của thị trường.

Nội dung Đổi mới lần 2 vừa tiếp tục thu hẹp phạm vi, vừa đổi mới vai trò, chức năng, cơ cấu tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước nói chung và từng nhánh của bộ máy nhà nước nói riêng. Có thể nói, Đổi mới lần 2 khó khăn hơn bội phần so với Đổi mới lần 1 cách đây 30 năm. Tuy khó khăn và đầy thách thức, nhưng Đổi mới lần 2 đã trở thành mệnh lệnh, không thể không làm.

Các tin khác