Cấp điện nông thôn miền núi hải đảo cần thêm hơn 26.000 tỷ đồng

(ĐTTCO) - Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình sẽ tiếp tục triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân, trong đó có khoảng 153.911 hộ dân chưa có điện.
Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020 đặt mục tiêu: Cấp từ lưới điện quốc gia cho 17 xã chưa có điện; cấp điện khoảng 1.055.000 hộ dân trên địa bàn 9.890 thôn, bản.

Đồng thời, chương trình sẽ cấp điện 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh khu vực ĐBSCL kết hợp cấp điện cho nhân dân; đề xuất bổ sung cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo Đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; Thổ Chu, An Sơn và Nam Du tỉnh Kiên Giang; các thôn đảo: Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm tỉnh Khánh Hòa; cấp điện lưới cho Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhu cầu vốn đầu tư cho Chương trình vào khoảng 30.116 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương khoảng 2.218 tỷ đồng, vốn ODA hỗ trợ không hoàn lại từ EU khoảng 2.525 tỷ đồng; phần còn lại tiếp tục vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi khoảng 20.856 tỷ đồng; vốn thu xếp từ ngân sách địa phương và EVN khoảng 4.518 tỷ đồng.

Cấp điện nông thôn miền núi hải đảo cần thêm hơn 26.000 tỷ đồng ảnh 1
Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 ngày 14/1 tại Hà Nội.

Tại Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 ngày 14/1 tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho hay, Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi tỷ lệ cấp điện cho 17/17 xã đạt 100%; Số hộ dân được cấp điện là 204.737 hộ dân, cấp điện cho 5 đảo (Đảo Lý Sơn; Bạch Long Vỹ; Nhơn Châu; Cù Lao Chàm; đảo Trần và Cái Chiên).

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến năm 2020, EVN đã cung cấp và quản lý bán điện tới 11/12 huyện đảo, 82/85 xã đảo với tổng vốn hơn 7.900 tỷ đồng. Hàng năm, EVN cũng thực hiện bù lỗ khoảng 200 tỷ đồng.

“Việc cung cấp điện cho các vùng miền núi, hải đảo gặp nhiều khó khăn về khoảng cách địa lý, tuổi thọ các thiết bị và duy trì bảo dưỡng; đồng thời, do hiệu quả kinh doanh kém nên khó huuy động vốn xã hội hóa…”, ông Lâm chỉ ra.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho hay, điện khí hóa nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam; thành công trong việc cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31/12/2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện.

“Do những hạn chế về nguồn lực tài chính, huy động vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình chỉ đạt 4.743 tỷ đồng, cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư chỉ đạt khoảng 18,5% tổng nhu cầu vốn, còn thiếu 81,5% tổng nhu cầu vốn”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chỉ rõ.

Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam những năm qua không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo, mà còn đóng góp phần vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.

Có thể thấy rất rõ hiệu quả của việc đưa điện về nông thôn qua sự thay đổi sâu sắc trong cuộc sống hằng ngày của người nông dân; từ việc giúp người dân thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi qui mô và tập quán canh tác, chăn nuôi, tăng năng suất trồng trọt, và chế biến nông lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho hay, đến nay Sơn La đã có 97,5% hộ dân có điện, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bình quân mỗi năm giảm 3% số hộ nghèo.

“Tuy nhiên, Sơn La vẫn là tỉnh nghèo, do vậy thời gian tới để phấn đấu đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện lên 99,5%, tỉnh Sơn La mong Bộ Công Thương tham mưu, trình Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình, kiến nghị các cơ quan, Bộ, ngành cân đối nguồn vốn vào khoảng 720 tỷ đồng để địa phương thực hiện Chương trình”, ông Hậu đề xuất.

Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình sẽ tiếp tục triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân chưa có điện, chiếm tỷ lệ 0,74%; khoảng 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định, liên tục) của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã.

Cấp điện nông thôn miền núi hải đảo cần thêm hơn 26.000 tỷ đồng ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại Hội nghị.

Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, mục tiêu trong giai đoạn tới 2021-2025 sẽ cấp điện cho hầu hết các hộ dân nông thôn. Song, nhu cầu vốn đầu tư còn thiếu khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.

Tổng vốn là rất lớn, điến nay việc huy động vốn ngân sách cho chương trình gặp nhiều khó khăn, không đủ nguồn lực để đầu tư cấp điện cho vùng miền núi, hải đảo. Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia có điều kiện kinh tế phát triển, không còn được tiếp cận các nguồn vốn ODA ưu đãi.

“Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cân đối nợ công, ưu tiên để Chính phủ huy động các nguồn vốn vay ODA, vốn ưu đãi nước ngoài bổ sung ngân sách trung ương để thực hiện cấp phát kết hợp cho các chủ đầu tư vay lại triển khai Chương trình”, ông Hùng đề xuất.

Ông Bùi Quốc Hùng cũng cho biết, hiện Bộ Công Thương đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định Đề xuất dự án Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo sử dụng vốn vay ưu đãi của WB khoảng 360 triệu USD, vốn ADB khoảng 400 triệu USD.

Ngoài ra, đối với các tỉnh được giao trực tiếp thực hiện dự án điện nông thôn, cần có kế hoạch cân đối vốn ngân sách địa phương hoặc huy động từ các nguồn khác trong tỉnh để có vốn đối ứng thực hiện, huy động các nguồn lực xã hội hóa, ông Bùi Quốc Hùng kiến nghị.

Các tin khác