Cần hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khắc phục ảnh hưởng do dịch Covid-19

(ĐTTCO) - Hình ảnh sân bay, bến tàu, bến xe, điểm du lịch vắng khách cho thấy dịch vụ vận tải đang ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Các cơ quan quản lý nhà nước đang “lượng hóa” thiệt hại và đề xuất nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh số sụt giảm mạnh
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, chỉ 1 tuần sau khi dừng khai thác Trung Quốc (từ 1-2 đến 7-2), tổng thị trường vận chuyển HKVN đã giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2019, riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%. Trong đó, sản lượng vận chuyển của các hãng HKVN đạt 1,06 triệu khách, giảm 4%. Riêng vận chuyển quốc tế giảm tới 28% so cùng kỳ năm 2019. Là thị trường đang chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế của các hãng HKVN, việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc khiến các hãng mất doanh thu trung bình 400.000 khách/tháng. 
Đó là chưa kể đến thiệt hại do nguồn khách này giảm trên các đường bay nội địa. Theo đại diện Cục HKVN, tính toán sơ bộ cho thấy, thiệt hại ban đầu do việc dừng các đường bay Trung Quốc của các hãng HKVN lên tới khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Đồng thời các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không như quản lý cảng, quản lý bay cũng bị sụt giảm doanh thu do việc giảm sản lượng chuyến bay điều hành, giảm lượng khách qua cảng. Dự báo, ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng tiếp đến ngành hàng không, thị trường chỉ có thể phục hồi sau khoảng 2 tháng công bố hết dịch. 
Cần hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khắc phục ảnh hưởng do dịch Covid-19 ảnh 1 Có những chuyến xe buýt chỉ có 1 hành khách.
Tương tự vận tải hàng không, vận tải đường bộ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ước tính lượng khách qua các bến xe, khách đi taxi giảm trên dưới 50%, đồng nghĩa với việc kéo giảm doanh thu tương ứng. Hiệp hội Taxi Hà Nội xác nhận, doanh thu các hãng bị sụt giảm khoảng 30%-40% so với trước. 
Vận tải đường sắt vốn đã khó khăn lại càng thêm chật vật trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành. Do vắng khách, ngành đường sắt buộc phải dừng chạy các mác tàu Thống Nhất tăng cường sớm hơn dự kiến chiến dịch vận tải tết kết thúc. Riêng Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội có 26.630 vé bị trả lại, tổng số tiền trả vé hơn 13 tỷ đồng. Sản lượng, doanh thu của doanh nghiệp này trong dịp cao điểm vận tải chỉ đạt 80% so cùng kỳ.
Tương tự, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng bãi bỏ hàng chục chuyến tàu do vắng khách, chỉ tính từ ngày 25-1 đến 8-2, số lượng hành khách giảm so với cùng kỳ 37.000 lượt, tương ứng giảm 17,3 tỷ đồng. Không chỉ vậy, các đoàn tàu hàng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giao thương với Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới bị đình trệ. Ngành đường sắt đang nỗ lực giảm thiểu thiệt hại bằng cách thu hút khách với các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng kết quả không khả quan.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ có nhiều doanh nghiệp thua lỗ, có những doanh nghiệp có thể bị phá sản, ảnh hưởng dây chuyền sẽ rất lớn. Trên cơ sở các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội đang chuẩn bị văn bản gửi Chính phủ xem xét giảm thuế, cơ cấu lại nợ vay ngân hàng đầu tư phương tiện, giảm phí sử dụng đường bộ... để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 
Tương tự, để hỗ trợ cho các hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN, cho biết đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý. Cục HKVN cũng khuyến khích các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ hàng không hiệp thương để điều chỉnh các mức giá dịch vụ cũng như giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp.
Về những kiến nghị của doanh nghiệp vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh đến ngành GTVT rất lớn nhưng trước khi được hỗ trợ, các doanh nghiệp vận tải cần chủ động giảm thiểu thiệt hại. Trước hết, Bộ GTVT khuyến khích các doanh nghiệp đường bộ, đường sắt thực hiện triệt để hơn nữa các biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, điều chỉnh lại luồng tuyến hiệu quả.
Với ngành hàng không, lợi nhuận của các hãng có thể giảm 5%-7% do ảnh hưởng dịch bệnh, tuy nhiên tính chung hiệu quả hoạt động kinh doanh thì mức giảm này chưa phải đáng lo ngại. Giải pháp cần làm là các hãng hàng không giảm chuyến bay của những đường bay ít khách, tăng chuyến bay đến những thị trường tiềm năng mới mở. Trong trường hợp dịch bệnh căng thẳng hơn, các hãng chứng minh được hoạt động kinh doanh bị thua lỗ, Bộ GTVT sẽ đề xuất Chính phủ các giải pháp hỗ trợ.

Các tin khác